Chủ nhật, 26/06/2022 18:29

Cần Thơ: Đổi mới tư duy để phát triển khoa học và công nghệ

Đây là mục tiêu mà Ban Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đề ra tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 20-NQ/TW) do Thành ủy TP Cần Thơ tổ chức ngày 8/6/2022 tại TP Cần Thơ.

Khẳng định vị thế “trung tâm” của vùng ĐBSCL

Là thành phố nằm ở trung tâm vùng đồng bằng lớn nhất cả nước - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dù không phải là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nhất vùng, nhưng Cần Thơ là nơi hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế và đang có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm KH&CN về nông nghiệp của quốc gia và khu vực. Thống kê cho thấy, trên địa bàn Cần Thơ có 73 đơn vị có hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D) với 7.455 người có hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó có những đơn vị thuộc hàng đầu của quốc gia và khu vực về lĩnh vực nông nghiệp như: Trường Đại học Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, Trường Đại học Y dược Cần Thơ, Trường Đại học Nam Cần Thơ…

Với vai trò và vị thế của mình, Cần Thơ đã đặc biệt quan tâm ứng dụng KH&CN theo hướng công nghệ cao vào sản xuất lúa, nuôi trồng thuỷ sản…, bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển chung của toàn ngành nông nghiệp. Cần Thơ đã bước đầu thực hiện được vai trò trung tâm khi chiếm gần 90% tỷ trọng tổng sản phẩm trong khâu sản xuất, chế biến và thương mại của các chuỗi giá trị nông sản chủ lực vùng ĐBSCL; là trung tâm phân phối hàng hóa lớn nhất ĐBSCL và là nơi tập trung kết nối giữa nhu cầu thị trường (trong nước và xuất khẩu) với vùng sản xuất nguyên liệu lớn nhất cả nước về nông nghiệp. Với việc thực hiện các dự án đầu tư lớn nâng cấp cơ sở vật chất cho nghiên cứu đang triển khai trên địa bàn thành phố hiện nay, điển hình như Dự án nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ (được thực tháng 10/2015 đến tháng 10/2022) với tổng kinh phí 105,9 triệu USD từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản đã góp phần đưa trường đại học này thành đại học xuất sắc, được quốc tế công nhận trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường và các lĩnh vực liên quan; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, gia tăng giá trị nông nghiệp và thủy sản ở vùng BBSCL…

Đổi mới tư duy để phát triển

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, hoạt động R&D trên địa bàn TP có sự chuyển dịch cơ cấu nghiên cứu khoa học từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất. Các nhiệm vụ KH&CN của TP có sự đồng bộ trong các lĩnh vực, bao gồm khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ…, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, chính sách phát triển TP, góp phần phát triển đất nước. Cụ thể, tính đến năm 2020, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 30,6% so với tổng giá trị sản phẩm. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của TP giai đoạn 2014-2021 đạt 13,02%. Với vai trò là lực lượng chủ yếu trong tiếp thu, làm chủ và sáng tạo KH&CN, đội ngũ cán bộ KH&CN của TP đã có nhiều công trình khoa học, sáng kiến, giải pháp, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Hàng năm, đội ngũ cán bộ KH&CN của TP tham gia thực hiện gần 900 đề tài/dự án các cấp thuộc nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, y tế, bảo vệ môi trường, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng…

Đặc biệt, về số lượng các công trình công bố quốc tế, trong 10 năm qua TP đã có trên 588 bài báo, công trình khoa học do các nhà khoa học đang công tác tại các viện, trường, cơ quan trên địa bàn TP nghiên cứu, công bố ở các tạp chí uy tín quốc tế. Từ đó cho thấy, Nghị quyết số 20-NQ/TW và Kết luận số 50-KL/TW đã đổi mới tư duy, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước đối với sự nghiệp phát triển KH&CN; đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH&CN; triển khai các định hướng nhiệm vụ KH&CN chủ yếu; phát huy và tăng cường tiềm lực KH&CN; phát triển thị trường KH&CN; thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Hiểu - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của TP cần nỗ lực, phấn đấu, tập trung nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ cao, công nghệ ưu tiên. Tăng cường hỗ trợ ứng dụng tiến bộ KH&CN nhằm nâng cao năng, suất chất lượng, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thúc đẩy chuyển đổi tư duy từ phát triển nền công nghiệp phụ thuộc, gia công, lắp ráp sang chủ động sáng tạo, vươn lên làm chủ công nghệ; chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế số, dựa trên nền tảng tri thức. Tăng cường đầu tư hạ tầng KH&CN, đổi mới trang thiết bị nghiên cứu khoa học hiện đại, phục vụ hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm tại các viện, trường, trung tâm, đơn vị sự nghiệp KH&CN; phát triển hệ thống thông tin, trang thiết bị thông tin hiện đại, mở rộng mạng thông tin phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu đổi mới sáng tạo, ươm tạo công nghệ; thúc đẩy chuyển đổi số. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KH&CN với các quốc gia có chương trình, dự án hợp tác với TP Cần Thơ; mở rộng tìm kiếm các quan hệ hợp tác mới; nghiên cứu, tìm kiếm công nghệ phù hợp để chuyển giao ứng dụng trong nhiều lĩnh vực nhằm tạo sự chuyển biến mới, góp phần xây dựng và phát triển TP Cần Thơ ngày càng phát triển.

Lê Kim Xuyến

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)