Thứ tư, 07/09/2022 08:49

Tìm kiếm các giải pháp cho phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Cần sớm ban hành các quy định phù hợp, đặc biệt nên xem xét bỏ cơ chế hỗ trợ giá điện cố định (FIT) cho điện gió, điện mặt trời… sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển một lượng lớn công suất điện mặt trời và điện gió, tạo tiền đề cho việc ngày càng tăng cao tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo quốc tế “Chính sách cho phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời và điện khí tại Việt Nam” do Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức mới đây.

Nguồn tiềm năng dồi dào

Với đường bờ biển dài hơn 3.200 km, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên điện gió ngoài khơi tốt, với hệ số công suất cao và số giờ tải lớn. Những tiến bộ công nghệ đạt được trong thời gian qua cũng đã tăng cường tính ổn định và dễ đoán định của điện gió ngoài khơi. Với việc đầu tư vào hệ thống truyền tải cũng như điều độ thông minh, điện gió hoàn toàn có thể trở thành nguồn chủ đạo của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai, qua đó giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió lớn trong khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6 m/giây ở độ cao 65 m, tương đương công suất 512 GW. Đặc biệt, gần 8% diện tích lãnh thổ Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt, với tốc độ gió ở độ cao 65 m là 7-8 m/giây. Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến hết ngày 31/10/2021, Việt Nam đã có 88 dự án điện gió hòa lưới với tổng công suất đặt khoảng 4,2 GW; đối với điện gió ngoài khơi, hiện đã có 35 dự án đang nghiên cứu và triển khai với tổng công suất dự kiến lên đến 60 GW... Điều này cho thấy tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam là rất lớn, hoàn toàn bảo đảm đáp ứng nhu cầu điện năng trong tương lai.

Đặc biệt, với các công trình dầu khí đang khai thác cùng với các công trình biển và hệ thống logistics phụ trợ của ngành dầu khí hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thế mạnh để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi gắn với chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics trong những năm tới.

Thách thức và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phát triển điện gió

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện Năng lượng (Bộ Công thương) cho rằng, thời gian qua do tác động của đại dịch Covid-19, việc nhập khẩu các thiết bị gặp khó khăn, thiếu chuyên gia nước ngoài phối hợp kỹ thuật, dẫn đến nhiều dự án điện gió triển khai không kịp tiến độ theo cơ chế FIT; mạng lưới truyền tải điện quốc gia chưa đáp ứng được nhu cầu truyền tải của các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh điện gió; nhu cầu đất đai cho các dự án điện gió trên bờ lớn, dẫn đến việc giải phóng mặt bằng cho các chủ đầu tư điện gió gặp nhiều khó khăn… Đồng tình với quan điểm trên, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài những thách thức nêu trên, điện gió ngoài khơi cũng đang là một thách thức lớn đối với ngành năng lượng Việt Nam, khi các nước trên thế giới đang chạy đua lắp đặt với nhiều đặc điểm ưu việt, lợi ích. Ở Việt Nam, điện gió ngoài khơi vẫn được coi là công nghệ mới, nhiều nhà đầu tư trong nước chưa có kinh nghiệm, hạn chế về nguồn vốn và nhân lực dẫn đến hiệu suất đầu tư chưa cao. Mặc dù được xem là nguồn năng lượng sạch vì không tạo ra phát thải các loại khí gây hiệu ứng nhà kính.

Theo ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo, tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW (tăng gần 7.500 MW so với năm 2020). Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện, việc cung cấp điện đã cơ bản đáp ứng nhu cầu, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế trong nhiều thập kỷ qua. Theo ước tính, hiện nay ngành năng lượng đóng góp khoảng 70% tổng lượng phát thải dioxit carbon (C02) toàn quốc. Do đó, tỷ trọng nguồn năng lượng sạch càng cao sẽ tác động rất lớn đến việc đảm bảo mục tiêu trung hoà carbon đến năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Ông Hùng thông tin thêm, hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII với một khối lượng lớn công suất nguồn năng lượng sạch và cùng với đó là khối lượng vốn đầu tư khổng lồ. Tuy nhiên, việc xác định các cơ chế (kể cả cơ chế tài chính) và tổ chức thực hiện quy hoạch để khả thi khối lượng nguồn và lưới điện, đảm bảo an ninh năng lượng đang là những nội dung cần được quan tâm nhiều trong thời gian tới. Các khó khăn khác liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục quy hoạch, đầu tư, lưới điện giải tỏa công suất, cơ chế huy động vốn, giải phóng mặt bằng, thiếu các bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan để thực hiện hoá Quy hoạch điện VIII...

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, trong 3 năm thực hiện cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, với cơ chế giá FIT, đến 31/12/2020 hệ thống điện đã tiếp nhận khoảng 17.000 MW điện mặt trời. Cũng cơ chế giá FIT tương tự, đến ngày 31/10/2021 hệ thống điện đã tiếp nhận khoảng 4.000 MW điện gió được đưa vào vận hành. Các cơ chế ưu đãi khuyến khích này đã tạo thuận lợi lớn cho các nhà đầu tư khai thác tiềm năng, phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững. Đặc biệt, các cơ chế giá FIT cho điện gió, điện mặt trời đã tạo động lực thúc đẩy phát triển một lượng lớn công suất điện mặt trời và điện gió, tạo tiền đề cho việc ngày càng tăng cao tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khối ASEAN về quy mô và tỷ lệ các nguồn điện gió và mặt trời, chiếm tới 27% tổng công suất nguồn điện (tính đến quý I/2022). Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư mong muốn Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế nối tiếp cơ chế FIT để quá trình phát triển năng lượng tái tạo được liên tục, tận dụng đà tăng trưởng, cũng như các lợi thế rõ ràng trong chuỗi cung ứng quốc tế về công nghệ, tài chính.

Thúy Hà và Xuân Diện

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)