Thứ bảy, 12/11/2022 09:09

Nâng cao hiệu quả của hoạt động chứng nhận tại Việt Nam

Nhằm đánh giá thực trạng hoạt động của các tổ chức chứng nhận đã đăng ký theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/7/2016 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và Nghị định 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành, ngày 11/11/2022, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) đã tổ chức Hội thảo Nâng cao hiệu quả của hoạt động chứng nhận.

Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp nhấn mạnh, chứng nhận là hoạt động kinh doanh có điều kiện, trong quá trình hoạt động có những việc triển khai tốt, cũng có những việc làm chưa tốt, có cả những việc muốn làm tốt nhưng cơ chế, chính sách, điều kiện thực tiễn chưa hỗ trợ. Bên cạnh đó, hoạt động chứng nhận phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và chủ thể, trong đó có hai chủ thể tương tác rất chặt chẽ với nhau, đó là tổ chức chứng nhận và các cơ quan quản lý nhà nước. Chính vì vậy, Hội thảo là dịp để các bên có thể trao đổi, thảo luận với mục đích thúc đẩy hoạt động chứng nhận ở Việt Nam tốt lên, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã và đang gặp phải của cơ quan quản lý cũng như các tổ chức chứng nhận.

Tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy Nguyễn Thị Mai Hương chia sẻ, hiện nay tồn tại một số hạn chế như lấy mẫu không đủ để thử nghiệm; thử nghiệm không hết chỉ tiêu theo quy định của tiêu chuẩn; thử nghiệm tại tổ chức thử nghiệm chưa đăng ký theo quy định của pháp luật; không thông báo về cơ quan quản lý khi có sự thay đổi ảnh hưởng đến năng lực của tổ chức; không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ theo quy định; sử dụng Auditlog sai sự thật để chứng minh kinh nghiệm đánh giá khi đăng ký hoạt động chứng nhận; không thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc cấp, cấp lại, mở rộng, thu hẹp phạm vi hoặc tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận và quyền sử dụng dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy; không thực hiện đầy đủ theo quy trình, hướng dẫn do chính tổ chức chứng nhận ban hành; thực hiện chứng nhận ngoài phạm vi đã đăng ký…

Nhằm khắc phục tình trạng trên, Vụ trưởng Nguyễn Thị Mai Hương cũng đề xuất các giải pháp, trong đó cần hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật: sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, sửa đổi Luật Chất lượng Sản phẩm hàng hóa, sửa đổi Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP. Thứ hai, xây dựng Đề án phát triển Hạ tầng Chất lượng quốc gia (NQI): xây dựng mô hình tổ chức chứng nhận quốc gia; quản lý chuyên gia đánh giá; quản lý hoạt động đào tạo chuyên gia đánh giá; thanh tra, kiểm tra. Thứ ba, triển khai thực hiện chuyển đổi số: hình thành hạ tầng, dữ liệu số về tổ chức chứng nhận, cơ sở đào tạo, giảng viên; xây dựng nền tảng số (iSTAMEQ). Thứ tư, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng.

Tại Hội thảo, một số kiến nghị của các tổ chức chứng nhận cũng đã được cơ quan quản lý giải đáp, ghi nhận, nghiên cứu trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

HM

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)