Mục tiêu của cuộc thi là thúc đẩy phát triển các ý tưởng, dự án, sản phẩm đổi mới sáng tạo, sáng chế. Thông qua cuộc thi, các ý tưởng có thể được đăng ký sở hữu trí tuệ, được bảo hộ sáng chế, mở rộng sản xuất kinh doanh, hình thành chuỗi giá trị.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại sự kiện.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá cao sáng kiến của Đoàn thanh niên 2 Bộ và Làng Sáng chế trong việc tổ chức sân chơi cho các thanh niên. Đây là hoạt động hướng tới Techfest quốc gia 2022 sẽ diễn ra tại Bình Dương vào tháng 12 này. Thứ trưởng cho biết, sự hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia thời gian qua đã có bước tiến quan trọng. Việt Nam thường xuyên cử các đội xuất sắc từ các cuộc thi trong nước đi thi quốc tế và đạt được thành công. Tiêu biểu có dự án Abivin, quán quân Techfest Việt Nam 2018 trở thành startup đoạt giải thưởng trị giá 1 triệu USD từ Quỹ khởi nghiệp toàn cầu. Thứ trưởng mong muốn, thông qua các cuộc thi, các startup sẽ học được các kỹ năng, biết cách làm và thuyết phục nhà đầu tư. Từ các cuộc thi, hoạt động Techfest, một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở được hình thành với mục tiêu các doanh nghiệp, tập đoàn tham gia đặt hàng cho hệ sinh thái để giải quyết các bài toán thực tế.
Ban tổ chức và các đội thi chụp ảnh kỷ niệm.
Sau hơn 3 tháng phát động và từ hơn 100 dự án, 9 dự án tiêu biểu đã được lựa chọn để tham dự vòng chung kết. Theo đó, Giải nhất thuộc về dự án Nanosalt - Muối dược liệu Việt Nam; 2 Giải nhì thuộc về dự án Hệ thống tủ điện thông minh PFE và dự án Sạc nhanh - ngân hàng năng lượng; 3 Giải ba thuộc về dự án Làng tôi - Ứng dụng đặc tính và công cụ độc đáo của thảo dược Việt Nam trong sản xuất mỹ phẩm thiên nhiên, dự án Horus - Biến camera thông thường thành Camera AI và dự án Mắt kính thông minh cho người khiếm thị.
Xuân Bình