EFIS được tổ chức nhằm mục đích tạo diễn đàn cho các nhà khoa học trình bày các kết quả nghiên cứu và thảo luận các vấn đề, những thách thức trong đổi mới, kinh doanh và tài chính. Đây cũng là dịp để các học giả Việt Nam trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu, phát triển các dự án nghiên cứu với các học giả và chuyên gia quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo - Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế, PGS.TS Nguyễn Văn Định nhấn mạnh các vấn đề liên quan tới đổi mới, sáng tạo và hội nhập có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của một đại học. Ông khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa thời sự, thực tiễn của chủ đề hội thảo EFIS năm nay và kỳ vọng rằng, hội thảo sẽ là một diễn đàn mở cho các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên và sinh viên trao đổi, thảo luận về các vấn đề thích ứng và phát triển nền giáo dục đại học.
Các chủ đề chính của Hội thảo gồm có: Ứng dụng AI, dữ liệu lớn và máy học trong tài chính; Mô hình kinh doanh và đổi mới sáng tạo; Huy động vốn từ cộng đồng; Chuyển đổi kỹ thuật số trong doanh nghiệp; Tài sản tiền điện tử; Tài chính và ngân hàng kỹ thuật số; Đổi mới kỹ thuật số và quản lý tri thức; Nguồn nhân lực kỹ thuật số; Thị trường điện tử và nền tảng giao dịch; Khởi nghiệp/Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Đổi mới kỹ thuật số; Tài chính số; Chiến lược tăng trưởng theo định hướng đổi mới; Quản lý đổi mới; Quản trị và tài trợ cho các doanh nghiệp công nghệ cao; Tiền điện tử; Cho vay P2P; Tính bền vững trong thế giới số…
Hội thảo lần này đã lựa chọn 28 báo cáo chất lượng nhất, phù hợp với chủ đề của đặt ra của ban tổ chức để trình bày trong các phiên thảo luận chính thức của hội thảo, bên cạnh 3 bài báo cáo chính từ các diễn giả hàng đầu. Đặc biệt, các bài báo gửi về hội thảo có cơ hội được được xuất bản trong các tuyển tập của các tạp chí khoa học uy tín như International Journal of Emerging Markets; International Journal of Entrepreneurship and Small Business và sách biên soạn “Advances in Entrepreneurship, Finance and Innovation” của NXB Springer.
Diễm Dương