Thứ ba, 29/11/2022 15:03

Ghi nhận từ COP27 và hàm ý chính sách bảo vệ khí hậu của Việt Nam

Nhiều tuyên bố, chính sách tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) sẽ đóng vai trò quan trọng vào việc hình thành và định hướng cho các hành động chiến lược để bảo vệ khí hậu từ các quốc gia trong tương lai. Đây là chia sẻ của Tổ chức Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE) tại cuộc họp báo công bố những ghi nhận từ COP27 mà VIETSE được mời tham dự với vai trò là quan sát viên chính thức.

Nhiều cam kết quan trọng được công bố

Bà Ngô Thị Tố Nhiên - Giám đốc điều hành VIETSE cho biết, COP là tên viết tắt của Conference of Parties (Các quốc gia thành viên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Đây là hội nghị thượng đỉnh hàng năm của các quốc gia thành viên trao đổi, giám sát và đánh giá việc thực hiện Công ước khung Hiệp ước quốc tế hướng đến mục tiêu ngăn ngừa những tác động “nguy hiểm” từ các hoạt động của con người đến khí hậu toàn cầu. COP có hiệu lực từ 21/3/1994 và có 198 quốc gia tham gia.

Tại COP26 đã có 122 quốc gia ký cam kết giảm phát thải khí metan từ hoạt động của con người trong mọi lĩnh vực ở mức -30% vào năm 2030 so với năm 2020; 46 quốc gia ký tuyên bố cam kết thúc đẩy sản xuất điện từ nguồn năng lượng sạch và chuyển dịch điện than không có công nghệ giảm phát vào 2030 và 2040; 145 quốc gia ký cam kết dừng và đảo ngược việc phá rừng, suy thoái rừng vào 2030 trong khi vẫn đảm bảo phát triển bền vững và thúc đẩy chuyển dịch, kể cả ở khu vực nông thôn. Đặc biệt, về khía cạnh tài chính, COP26 đề ra mục tiêu huy động ít nhất 100 tỷ USD hàng năm cho tài chính bảo vệ khí hậu và các quốc gia đã đồng thuận về mặt nguyên tắc cho thị trường carbon toàn cầu. Tuy nhiên, chi tiết cụ thể về mặt kỹ thuật (phương pháp luận, dự án đủ điều kiện, cơ chế đảm bảo đạt được tác động trên thực tế) được dành lại để thảo luận trong các hội nghị sau.

Tại COP27, ông Simon Stiell - Tổng thư ký UNFCCC nhấn mạnh việc triển khai các cam kết sẽ là trách nhiệm toàn cầu của mỗi người dân. Ông cũng kêu gọi hội nghị tập trung vào 3 nội dung quan trọng: thứ nhất, chuyển đổi từ giai đoạn đàm phán sang giai đoạn triển khai, tận dụng các cơ chế tài chính hiện có để hỗ trợ triển khai Thỏa thuận Paris; thứ hai, tiếp tục tập trung vào các hợp phần quan trọng: giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, tổn thất và thiệt hại; thứ ba, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm của các bên trong quá trình triển khai.

Hiện thực hóa COP26

COP 27 là một tiến trình tiếp nối COP26 nhằm hiện thực hóa các cam kết của các nguyên thủ quốc gia và tăng cường hợp tác giữa các bên để cùng nhau thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu nhằm thực hiện cam kết đối phó với khủng hoảng khí hậu, năng lượng đang diễn ra rất phức tạp. COP27 ưu tiên những vấn đề về thích ứng, khắc phục tổn thất, nâng cao tính khả thi trong triển khai các mục tiêu bảo vệ của từng quốc gia, đồng thời chú trọng đặc biệt tới những khó khăn mà các quốc gia đang phát triển như Việt Nam phải đối mặt. Những tuyên bố, chính sách tại COP27 sẽ đóng vai trò không nhỏ vào việc hình thành và định hướng cho các hành động chiến lược để bảo vệ khí hậu từ các quốc gia trong tương lai.

Bà Trương Hà An - Chuyên gia nghiên cứu của VIETSE cho rằng, mặc dù không phải là một hội nghị COP bản lề như COP21 tại Paris hay COP26 tại Glasgow, nhưng COP27 vẫn thu hút nhiều sự quan tâm đến những thảo luận còn bỏ ngỏ tại COP26 và hành động của các nước hướng đến mục tiêu bảo vệ khí hậu trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều xung đột, lạm phát cao, khủng hoảng năng lượng, tác động của biến đổi khí hậu...  Đặc biệt, lần đầu tiên chủ đề năng lượng được xuất hiện với một chương trình nghị sự riêng biệt. Ngoài khuyến khích năng lượng tái tạo và chuyển dịch năng lượng công bằng, COP27 còn đề cập đến năng lượng “phát thải thấp” (gồm khí, hạt nhân, thu hồi và lưu trữ carbon). Tại phiên khai mạc COP27, ông Sameh Shoukry -  Chủ tịch COP27 đã kêu gọi các quốc gia cùng nhau giải quyết các vấn đề mới về năng lượng, lương thực và nhanh chóng thực hiện chuyển đổi năng lượng. Các vấn đề này cần được giải quyết đồng loạt, nhanh chóng và không tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến các cam kết, hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay. Bên cạnh các hoạt động theo quy định, tại COP27, các chủ đề nổi bật đã được tổ chức gồm:

Một là, ngày về tài chính: thảo luận các nội dung liên quan tới các công cụ tài chính; khả năng tiếp cận, mở rộng quy mô tài chính và đóng góp vào quá trình chuyển đổi.

Hai là, ngày về thích ứng và nông nghiệp: thảo luận các vấn đề liên quan đến thích ứng bao gồm nông nghiệp, dinh dưỡng, sinh kế và bảo vệ vùng ven biển, tổn thất và thiệt hại giảm thiểu rủi ro thiên tai và các giải pháp tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp và hệ thống lương thực trước các tác động bất lợi của khí hậu như hạn hán, lũ lụt.

Ba là, ngày về nước: thảo luận các vấn đề liên quan đến quản lý tài nguyên nước bền vững; khan hiếm nước, hạn hán, hợp tác xuyên biên giới và cải thiện hệ thống cảnh báo sớm.

Bốn là, ngày về khử carbon: giới thiệu các công nghệ nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế carbon thấp.

Năm là, ngày về khoa học và công nghệ: giới thiệu các công nghệ mới, đưa ra các khuyến nghị trên cơ sở những hiểu biết mới nhất của loài người về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sáu là, ngày về giải pháp: đại diện chính phủ, các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng về các giải pháp khả thi như xanh hóa ngân sách quốc gia; thành phố bền vững; giao thông bền vững; quản lý chất thải; các giải pháp thay thế cho nhựa và công trình xanh…

Bảy là, ngày về giới: thảo luận về những thách thức hiện có và chia sẻ những câu chuyện thành công từ khắp nơi trên thế giới nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy các chính sách, chiến lược và hành động nhạy cảm về giới, đặc biệt là vai trò của phụ nữ trong thích ứng với biến đổi khí hậu. Tám là, ngày về năng lượng: trình diễn về năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng công bằng; phát triển hydro xanh; hiệu quả năng lượng; quản lý quá trình chuyển đổi toàn cầu về năng lượng; phát triển lưới điện thông minh; lưu trữ năng lượng...

Chín là, ngày về đa dạng sinh học: chia sẻ giải pháp dựa vào tự nhiên và các hệ sinh thái; tác động của biến đổi khí hậu đối với đa dạng sinh học, đại dương, các rạn san hô; dịch vụ hệ sinh thái; tác động của rác thải nhựa...

Những nền tảng quan trọng để Việt Nam thực hiện cam kết

Việt Nam đã trở thành điểm sáng tại COP26 với tuyên bố mục tiêu đưa phát thải ròng về "0” vào năm 2050. Cam kết này đã góp phần định hình các chiến lược bảo vệ khí hậu của Việt Nam ngay sau COP26 thông qua việc ban hành những chính sách, hành động để tạo cơ sở cụ thể hóa cam kết, như thành lập Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện cam kết COP26, ban hành một số văn bản quan trọng như Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030…

Chia sẻ của VIETSE sau COP27 tại Hà Nội.

Trong bối cảnh hiện nay, phát triển bền vững ứng phó biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa chiến lược và là trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia, các nền kinh tế và doanh nghiệp. Để hiện thực hóa các cam kết nêu trên, các chuyên gia đều cho rằng, nhà nước cần khuyến khích bằng cách tạo dựng thể chế, lợi ích phù hợp để huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, người dân, phát huy các dự án công tư cho tăng trưởng xanh. Đặc biệt, với vai trò quan trọng của mình, các doanh nghiệp nên có kế hoạch và lộ trình cắt giảm khí thải tuân thủ mục tiêu, các chỉ số quy định của quốc gia về kiểm soát mức phát thải khí nhà kính, tiêu hao năng lượng, xanh hoá các ngành kinh tế, lối sống và tiêu dùng; cần đầu tư cho tương lai khi hướng vào các dự án năng lượng sạch, phát triển công nghệ mới với “giá trị xanh” ngày càng cao, xây dựng nền nông nghiệp xanh thông minh; hình thành các chuỗi cung ứng xanh và khuyến khích thay đổi hành vi thân thiện với môi trường của người tiêu dùng… Việc Việt Nam cam kết mạnh mẽ đến 2050 đạt cân bằng phát thải (Net Zero), nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên trên 30% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp và tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 43%... thì việc phát triển xanh, lấy con người làm trung tâm; dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao… chính là nền tảng quan trọng để hiện thực hóa các cam kết đó.

Phong Vũ

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)