Thứ bảy, 31/12/2022 09:16

Hiệu quả từ các đề tài KH&CN trong nông nghiệp

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã mang lại những kết quả thiết thực. Những sản phẩm, quy trình kỹ thuật, giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao từ các đề tài KH&CN đã và đang giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Những kết quả đạt được

Với chức năng khảo nghiệm, tuyển chọn những giống cây trồng mới, giai đoạn 2021-2022, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã triển khai đề tài “Nghiên cứu, xây dựng mô hình trồng cỏ voi, ngô sinh khối cho năng suất, chất lượng cao phục vụ chăn nuôi trâu bò, phù hợp với điều kiện sinh thái tỉnh Thái Bình” và áp dụng tới một số hộ nông dân tại xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà. Mục tiêu của đề tài nhằm chọn được một số giống cỏ voi, ngô sinh khối trồng làm thức ăn cho trâu, bò có đặc điểm sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, chất lượng tốt phù hợp với từng loại đất và điều kiện sinh thái tại Thái Bình.

Trước đây, thức ăn cho trâu, bò của các hộ gia đình thuộc thôn Tịnh Thủy, xã Hồng Minh chủ yếu là rơm rạ và đồng cỏ tự nhiên. Tuy nhiên, đàn trâu, bò phát triển chậm bởi rơm rạ không đủ chất, đồng cỏ tự nhiên ngày càng thu hẹp. Vì vậy, các hộ dân đã chuyển đổi diện tích sản xuất sang trồng 2 loại cỏ voi VA06 và cỏ voi xanh Thái Lan, vừa chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi giàu dinh dưỡng vừa giúp đàn bò phát triển tốt. Hai loại cỏ này chứa 17 loại axit amin và nhiều loại dưỡng chất tốt rất cần cho vật nuôi. Ông Sáng, một trong các hộ nuôi trồng cho biết: gia đình tôi trồng thử nghiệm giống cỏ voi VA06 và cỏ voi xanh Thái Lan làm thức ăn cho trâu, bò trên diện tích 0,4 ha. So với việc trồng các loại cỏ thông thường trước đây, tôi thấy 2 loại cỏ này cho hiệu quả cao hơn, bò ăn mượt lông và phát triển nhanh hơn.

Đối với hộ gia đình ông Vũ Đức Liễn, thôn Tịnh Xuyên, xã Hồng Minh việc trồng ngô sinh khối đã giúp gia đình ông cải thiện nguồn thu nhập đáng kể. Đến nay, sau gần 3 tháng trồng và chăm sóc, ông Liễn đang chuẩn bị tiến hành thu hoạch để xuất bán cho các cơ sở chăn nuôi gia súc. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc nên vườn ngô sinh trưởng và phát triển tốt. Với thời gian sinh trưởng ngắn, mỗi năm ông Liễn có thể sản xuất được từ 2-3 vụ. Ông chia sẻ: Nhà tôi trồng ngô sinh khối với diện tích hơn 2 ha. Tôi thấy hiệu quả của cây ngô sinh khối rất tốt, nếu thời tiết thuận lợi chỉ từ 75-80 ngày là đã có thể thu hoạch, ước tính khoảng 2,4 tấn/sào. Sau khi trừ mọi chi phí, gia đình tôi thu nhập từ 100-150 triệu đồng/năm.

Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết: để triển khai đề tài, năm 2021, Trung tâm đã khảo nghiệm, đánh giá 5 giống cỏ voi và 5 giống ngô sinh khối. Trong đó, đã lựa chọn 2 giống cỏ voi là VA06, cỏ voi xanh Thái Lan và 2 giống ngô là LCH9 và ĐH17-5 để tiếp tục triển khai trong vụ xuân năm 2022. Bước đầu Trung tâm đánh giá, cỏ voi và ngô sinh khối phát triển rất tốt, trâu, bò ăn lớn rất nhanh và khỏe mạnh. Trong 1 năm, có thể thu hoạch từ 3-4 lần đối với cỏ voi, năng suất đạt từ 35-40 tấn/lần thu hoạch. Đối với 2 giống ngô sinh khối, năng suất đạt trung bình từ 44-54 tạ/ha. Đến thời điểm hiện tại, các giống cỏ voi và ngô sinh khối được những hộ gia đình thực hiện đề tài đánh giá cao, muốn tiếp tục nhân rộng.

Ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm

Việc chuyển đổi và áp dụng mô hình trồng cỏ voi, ngô sinh khối làm nguyên liệu phục vụ thức ăn chăn nuôi đã mở ra hướng sản xuất mới cho bà con nông dân, góp phần nâng cao thu nhập và chủ động được nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Có thể nói, thời gian qua, việc triển khai các đề tài nghiên cứu KH&CN trong nông nghiệp là hướng đi đúng nhằm tăng năng suất và giá trị sản phẩm. Thực tế trên địa bàn tỉnh có nhiều đề tài, mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã và đang được xây dựng, phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, điển hình như: mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp kết hợp chất thải trong chăn nuôi nhằm phòng, trừ bệnh hại vùng rễ và nâng cao năng suất, chất lượng một số cây trồng thuộc họ cà (cà chua, ớt, khoai tây) tại Thái Bình mang lại hiệu quả kinh tế cao, được người dân đón nhận; đề tài nghiên cứu hiện trạng sinh vật gây hại cây trang, cây bần chua...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, cũng có nhiều đề tài đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, điển hình như: đề tài nghiên cứu ứng dụng nguồn gen mới để tạo đàn bê lai cao sản nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò thịt tại tỉnh Thái Bình. Kết quả, trên 100 con bê lai được sinh sản, các quy trình lai tạo, nuôi dưỡng bê lai được xây dựng và tập huấn cho người dân. Đề tài nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò và xây dựng mô hình nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAP đã mang đến hiệu quả rõ rệt cho một số hộ dân tại xã An Mỹ (Quỳnh Phụ). Qua đó, quy trình thụ tinh nhân tạo, quy trình ấp nở nhân tạo trứng gà Tò được hoàn thiện, tỷ lệ trứng nở nhiều hơn, gà con khỏe hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nuôi gà Tò tại huyện Quỳnh Phụ... Thông qua việc triển khai nghiên cứu các đề tài KH&CN, nhiều quy trình kỹ thuật sản xuất các giống cây, con được xây dựng và hoàn thiện, phù hợp điều kiện của Thái Bình giúp người dân dễ tiếp nhận và ứng dụng vào sản xuất.

Giai đoạn 2021-2022, Sở KH&CN Thái Bình thực hiện quản lý 56 đề tài cấp tỉnh, trong đó có nhiều đề tài về lĩnh vực nông nghiệp. Đối với các đề tài, nhiệm vụ KH&CN thực hiện từ năm 2022, Sở KH&CN Thái Bình đã triển khai kế hoạch đến các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, bảo đảm việc thực hiện các đề tài chất lượng, hiệu quả. Việc đẩy nhanh ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp không chỉ là giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề quá trình đô thị hóa, biến đổi khí hậu, cùng những yêu cầu khắt khe của thị trường… mà còn là yếu tố để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông phẩm, bảo đảm cho kinh tế nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

Thu Hoài

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)