PGS.TS Phan Tiến Dũng - Trưởng ban Ban Ứng dụng và Triển khai Công nghệ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho biết, trong kỷ nguyên số hóa, chuyển đổi số đã trở thành một yêu cầu bắt buộc mà các quốc gia cần phải tham gia để phát triển mạnh mẽ. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng phê duyệt ngày 03/6/2020 và Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/04/2022 lấy ngày 10/10 hằng năm là “Ngày chuyển đổi số quốc gia”. Hưởng ứng “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Ứng dụng các công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” để thảo luận các vấn đề về thực trạng và giải pháp đẩy nhanh việc ứng dụng các công nghệ mới nâng cao hiệu quả chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
PGS.TS Phan Tiến Dũng khẳng định, là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực với những thế mạnh về tiềm lực con người, cơ sở vật chất…, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực chuyển đổi số từ các ứng dụng công nghệ mới nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu. Đến nay, đã có rất nhiều các ứng dụng công nghệ mới được các đơn vị trực thuộc Viện phát triển thành sản phẩm như: hệ thống mô hình thực hành quản lý sản xuất, hệ thống thông tin nông nghiệp, nông nghiệp chính xác trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), hệ thống cảnh báo lũ và ngập lụt trực tuyến trên WebGIS, tự động hóa trong sản xuất, công nghệ thực tế ảo trong các bảo tàng...
Ông Dũng cũng cho rằng, tiềm năng các công nghệ chuyển đổi số trong Viện Hàn lâm là rất lớn, vì vậy, Viện rất mong nhận được sự hợp tác, trao đổi của các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp nhằm nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cũng như lựa chọn các công nghệ phù hợp để đáp ứng xu thế phát triển.
Tại Hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học cũng đã thẳng thắn chia sẻ và thảo luận các khía cạnh của chuyển đổi số như: phân loại phạm vi công nghệ blockchain khi áp dụng trong chuyển đổi số: hạ tầng - nền tảng - ứng dụng; ứng dụng hệ thống tích hợp và tìm kiếm thông tin trong chuyển đổi số; hệ thống mô hình thực hành quản lý sản xuất, tự động hóa trong nhà máy thông minh và mô phỏng số phục vụ nghiên cứu và đào tạo; ứng dụng công nghệ viễn thám và gis xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp…
Phong Vũ