Thứ hai, 26/09/2022 09:11

Nhân giống thành công cây Bò khai góp phần bảo vệ nguồn gen thực vật bản địa quý tại Vườn Quốc gia Cát Bà

Phạm Văn Phúc1, Lê Thanh Huyền2, Nguyễn Lư Giang2

1Ban quản lý Vườn Quốc gia Cát Bà

2Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng

 

Với mục tiêu bảo tồn, khôi phục nguồn gen thực vật bản địa quý hiếm, có giá trị sinh học và kinh tế cao tại Vườn Quốc gia Cát Bà, Ban quản lý Vườn Quốc gia Cát Bà đã đề xuất và được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hải Phòng phê duyệt thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng quy trình kỹ thuật nhân giống và trồng thương phẩm cây Bò khai bằng phương pháp giâm hom có nguồn gốc tại Vườn Quốc gia Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng”. Trải qua 18 tháng thực hiện, các nhà khoa học thuộc Vườn Quốc gia Cát Bà đã nhân giống thành công giống cây Bò khai với tỷ lệ sống lên tới 97,5%, góp phần khôi phục, bảo tồn loài cây quý hiếm này, cũng như tạo việc làm cho người dân địa phương, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

Thực trạng cây Bò khai tại Vườn Quốc gia Cát Bà

Vườn Quốc gia Cát Bà nằm trên địa bàn TP Hải Phòng, có diện tích 17.362,96 ha (phần đảo: 10.972,51 ha; phần biển: 6.450,45 ha), là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới. Quần đảo Cát Bà được Tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận vào năm 2004. Nơi đây có giá trị cao về đa dạng sinh học, với nhiều loài động thực vật quý, hiếm đặc hữu. Tuy nhiên hiện nay, việc khai thác sử dụng các loài rau và cây dược liệu trên đảo Cát Bà rất khó kiểm soát, gây nguy cơ cạn kiệt. Vấn đề đặt ra là cần có những biện pháp bảo tồn, duy trì, phát triển những loài rau, cây này, bởi đó là những nguồn gen bản địa, tự nhiên quý, có giá trị sinh học và kinh tế cao, một trong số đó là cây Bò khai.

Cây rau Bò khai là một loại đặc sản rau rừng của các tỉnh vùng núi phía Bắc, loại rau này còn được biết tới với nhiều tên gọi khác như: dây hương, rau dạ hiến, khau hương, rau ngót leo, rau nghiến… Rau Bò khai chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng, theo các nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng, trong 100 g rau Bò khai chứa các chất dinh dưỡng như nước (78,8 gr), protein (6 g), chất xơ (7,7 g), photpho (40,7 mg), canxi (138 mg), vitamin C (60 mg). Từ đó, rau Bò khai đem lại nhiều công dụng tới sức khỏe con người, cụ thể: nước rau Bò khai sau khi luộc có thể chữa các bệnh về sỏi thận, viêm gan do siêu vi, qua đó hỗ trợ cho bệnh nhân trong quá trình điều trị bệnh sỏi thận. Đặc biệt tới mùa đông, phụ nữ và trẻ nhỏ có thể đem cành cây Bò khai sau khi ngắt lá đun sôi để điều trị chứng bệnh tê thấp. Với mục tiêu bảo tồn giống cây Bò khai tại Vườn Quốc gia Cát Bà, giải pháp được các nhà nghiên cứu đưa ra là gây trồng loài cây bản địa này theo phương châm “lấy rừng nuôi rừng”, góp phần tạo nguồn hàng hóa có giá trị trên thị trường, hình thành nghề trồng rau mới, tạo cơ hội sinh kế lâu dài cho người dân.

Qua tìm hiểu, nhóm nghiên cứu Vườn Quốc gia Cát Bà nhận thấy, cây Bò khai thường được nhân giống và trồng bằng hom1, ưu điểm của phương pháp này là cây phát triển khỏe, chỉ hơn một năm sẽ cho thu hoạch, kỹ thuật nhân giống đơn giản, dễ áp dụng và tiết kiệm chi phí hơn so với nhân giống bằng nuôi cấy tế bào. Theo đó, trên cơ sở tiếp nhận quy trình chuyển giao công nghệ từ Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Cao trong Nông Lâm nghiệp (HaCen) thuộc Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, nhóm nghiên cứu Vườn Quốc gia Cát Bà đã thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng quy trình kỹ thuật nhân giống và trồng thương phẩm cây Bò khai bằng phương pháp giâm hom có nguồn gốc tại Vườn Quốc gia Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng”.

Nhân giống thành công cây Bò khai bằng phương pháp giâm hom

Trải qua 18 tháng thực hiện (12/2020-5/2022), nhóm nghiên cứu đã tiếp nhận 2 quy trình công nghệ gồm: quy trình nhân giống Bò khai bằng phương pháp giâm hom và quy trình trồng, chăm sóc cây Bò khai. Cụ thể, quy trình nhân giống Bò khai bằng phương pháp giâm hom được chuyển giao gồm 4 giai đoạn: công tác chuẩn bị (chuẩn bị giá thể; chọn thuốc xử lý giá thể, hom; chuẩn bị khung vòm, nilon mái che); chọn và xử lý hom giâm; chăm sóc luống bầu giâm (che sáng; chế độ phun tưới cho hom giâm) và điểu chỉnh ánh sáng thích hợp. Theo nhóm nghiên cứu tìm hiểu, giá thể giâm hom Bò khai tốt nhất là giá thể đất tầng B2 trộn với rơm mục, phân chuồng hoai theo tỷ lệ 7:2:1. Giá thể được xử lý bằng dung dịch thuốc tím KMnO4 nồng độ 0,3% trước khi cắm hom 12 tiếng. Trước thời điểm cắm hom, hom giâm được tưới nước sạch để rửa phần thuốc tím còn đọng lại, giúp bổ sung độ ẩm cây hom.

Mô hình trồng thử nghiệm rau Bò khai tại vườn Quốc gia Cát Bà.

Hom giâm tốt nhất là loại bánh tẻ (5-6 tháng tuổi), sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh hại, đường kính từ 0,5-1 cm. Hom được cắt thành đoạn có chiều dài 15-18 cm, thường có 3 đốt, vết cắt vát 45 độ, bỏ đi 1/2-2/3 diện tích lá, đồng thời loại bỏ các chồi sẵn có trên hom nhằm tránh sự mất nước và dinh dưỡng của hom. Các hom được ngâm thuốc xử lý nấm dung dịch Vinbenc50 nồng độ 0,3% có tác dụng chống thoát hơi nước, đồng thời xử lý bằng một trong các loại thuốc kích thích ra rễ như Kina R206, Fitomix, B5, Atonik 1.8SL.

Luống xếp bầu có kích thước 1-1,2 m, phía trên có mái che được làm bằng tre, mai, vầu… chiều cao vòm 80-120 cm cách mặt bầu, hai đầu que tre được cắm sâu xuống phía nền, khoảng cách giữa các que 50-60 cm. Mái che được thiết kế có thể điều chỉnh các mức độ che khác nhau. Ngay sau khi cắm hom, các luống được phủ kín bằng nilon trắng, bên trên che lưới đen trực tiếp.

Về chăm sóc luống bầu giâm, nhóm nghiên cứu cho biết, chế độ che sáng và phun tưới đảm bảo theo các tiêu chuẩn sau sẽ cho tỷ lệ sống cao: cây hom 3 tuần che phủ toàn bộ giàn che, luống giảm 15%; giai đoạn 21-35 ngày hé dần lớp che sáng; giai đoạn 35-49 ngày bỏ vòm che chỉ để lại vật liệu che sáng; từ 50 ngày tuổi, bỏ hoàn toàn vật liệu ra khỏi hòm che, chỉ để lại lớp che phía trên. Về chế độ phun tưới, 10 ngày đầu căn cứ vào điều kiện khí hậu để điều chỉnh lượng nước tưới, dùng bình phun sương để tưới cho hom; 10-15 ngày tuổi, lượng nước tưới cần vừa phải 1,5 l/m2, 1 ngày 1 lần, độ ẩm ước tính đạt 70-80%; 15-58 ngày tuổi, 1-2 ngày tưới 1 lần với lượng 2 l/m2; 58 ngày trở đi, tưới 3 l/m2 bầu, 3-4 ngày tưới 1 lần. Sau 1 tháng, tiến hành làm cỏ xung quanh rễ cây và phá váng3 lúc trời râm mát, đất đủ ấm.

Với quy trình nhân giống Bò khai bằng phương pháp giâm hom, nhóm nghiên cứu phối hợp với đơn vị chuyển giao tiến hành nhân giống 2 đợt. Đợt 1 thực hiện với 2.800 hom giống, cho tỷ lệ nảy chồi đạt 40,57%, số chồi tung bình 1,2 chồi/hom, chiều dài chồi trung bình 10,2 cm, chỉ số ra chồi đạt 12,24. Qua đó, tỷ lệ ra rễ đạt 38,86%, số rễ trung bình/hom đạt 4,3; chiều dài rễ trung bình 3,5 cm, chỉ số ra rễ và đạt tỷ lệ sống lần lượt là 13,33 và 36,5% với 1.022 hom giống thu về. Đợt 2, tiến hành trên gồm 1.800 hom, tỷ lệ nảy chồi đạt 68.61%, số chồi trung bình 1,3 chồi/hom, chiều dài chồi đạt 12,7 cm và chỉ số ra chồi đạt 16,51. Từ đó, tỷ lệ ra rễ đạt 64,33%, số rễ trung bình/hom đạt 5,2, chiều dài rễ đạt 3,8 cm, chỉ số ra rễ đạt  và tỷ lệ sống tăng cao so với đợt 1 lần lượt là 19,76 và 62,8% với 1.130 hom giống thu về.

Như vậy có thể thấy, trong 2 đợt nhân giống, nhóm nghiên cứu thu được 2.152 hom giống đảm bảo chất lượng, tỷ lệ sống trung bình đạt 54,6%, số rễ trung bình được tạo ra là 4,75 rễ/hom, chiều dài rễ trung bình 2,65 cm, chiều dài chồi trung bình đạt 11,5 cm.

Bên cạnh đó, đối với quy trình trồng và chăm sóc cây Bò khai thương phẩm, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công quy trình trồng, chăm sóc cụ thể: thời điểm trồng tốt nhất đối với cây Bò khao là từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch hằng năm, khoảng cách mỗi hố cách nhau 1 m, hàng cách hàng 1,5 m. Mỗi hố được bón lót phân chuồng hoại mục 2-5 kg; 0,5-1 kg NPK. Sau 1 năm chăm sóc và trồng thương phẩm, nhóm nghiên cứu đã thu hoạch 2.152 hom giống đạt tiêu chuẩn trên vùng đất thuộc Vườn Quốc gia Cát Bà với diện tích 3.000 m2; kích thước hố trồng là 40x40x40 cm. Số cây sống là 1.755 cây (tỷ lệ sống lên tới 97,5%). Cây sinh trưởng, phát triển tốt, trung bình 12 chồi/cây, chiều dài chổi trung bình đạt 65,9 cm và bắt đầu cho thu hoạch.

Ban quản lý Vườn Quốc gia Cát Bà kiểm tra tiến độ phát triển của cây.

Cây Bò khai của nhóm nghiên cứu thu hoạch.

Ngoài ra, từ việc triển khai thực hiện mô hình ứng dụng quy trình kỹ thuật nhân giống và trồng thương phẩm cây Bò khai bằng phương pháp giâm hom có nguồn gốc tại Vườn Quốc gia Cát Bà, nhóm nghiên cứu đã đề xuất, hoàn thiện quy trình nhân giống Bò khai bằng phương pháp giâm hom gồm 7 bước: i) chọn và lập vườn ươm; ii) làm đất vườn ươm; iii) tạo bầu nhân giống; iv) chọn nguồn giống/cây lấy giống; v) giâm hom; vi) chuẩn bị khung vòm làm mái che; vii) chăm sóc luống bầu giâm. Quy trình kỹ thuật trồng thương phẩm Bò khai cũng được đề xuất gồm các nội dung về lựa chọn các điều kiện sinh thái, nước, chuẩn bị và tiến hành lựa chọn đất phù hợp; chuẩn hóa các kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất, xây dựng thành công 2 nhóm giải pháp về sản xuất và vận hành mô hình, gồm: nhóm giải pháp về sản xuất (các giải pháp về kỹ thuật liên quan tới giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…; mở rộng diện tích, tăng năng suất cây trồng; các giải pháp về lao động, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, vốn đầu tư, chính sách); nhóm giải pháp về vận hành, nhân rộng mô hình đưa ra các giải pháp về tiêu thụ sản phẩm, tổ chức quản lý, giao thông).

Đề tài đã đào tạo thành công cho 10 kỹ thuật viên của Vườn Quốc gia Cát Bà nắm vững được 2 quy trình công nghệ được chuyển giao. Đồng thời, tập huấn cho hơn 60 người lao động/công nhân nắm vững các quy trình kỹ thuật  nhân giống và trồng cây Bò khai. Thành công của đề tài trong việc nhân giống Bò khai bằng phương pháp của nhóm nghiên cứu đã góp phần khôi phục và bảo vệ nguồn gen loài thực vật bản địa quý, có giá trị sinh học và kinh tế cao này trước nguy cơ đang dần cạn kiệt. Mô hình được nhân rộng sẽ tạo sinh kế lâu dài, hình thành một nghề trồng rau mới và gia tăng thu nhập cho người dân địa phương.

 

 

1Giâm hom là phương pháp nhân giống vô tính cây trồng bằng cơ quan sinh dưỡng, được sử dụng rộng rãi trong nghề trồng trọt, nhất là trong sản xuất cây ăn quả, cây công nghiệp và cây cảnh.

 

2Tầng đất B là tầng tích tụ điển hình, chứa một số chất bị rửa trôi từ các tầng đất phía trên xuống.

 

3Phá váng là dùng cuốc, bừa hoặc lưỡi xới phá mảng đất mặt bó chặt gốc cây sau cơn mưa to, nhằm tạo một lớp đất nhỏ trên mặt, cắt đứt mao quản, hạn chế bốc hơi, giữ ẩm và độ thoáng xốp cho vùng rễ cây.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)