Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp thay mặt nhóm nghiên cứu của CIEM trình bày tóm tắt báo cáo và đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2023. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47% với kịch bản 1, và 6,83% với kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 7,21% với kịch bản 1 và tăng 8,43% với kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,64 tỷ USD và 8,15 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2023 dự báo lần lượt ở mức 4,08% và 3,69%.
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp thay mặt nhóm nghiên cứu của CIEM trình bày tóm tắt báo cáo tại hội thảo.
Báo cáo đã phân tích thực trạng thương mại không giấy tờ xuyên biên giới ở Việt Nam cho thấy thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, dịch Covid-19 đã đẩy nhanh xu hướng thay đổi thói quen mua sắm và kinh doanh trực tuyến. Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới như: vượt tiến độ thực hiện các cam kết trong Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); cải thiện về thương mại không giấy tờ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn kém các quốc gia trong ESCAP và Đông Nam Á (thiếu cơ chế hỗ trợ cho thương mại kỹ thuật số)… Chính vì vậy, Việt Nam cần hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng và một số nội dung khác cần xem xét nhằm tăng mức độ sẵn sàng về kỹ thuật.
Báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023: đổi mới nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng" cũng đưa ra một số kiến nghị chính sách: 1) tập trung cải cách nền tảng kinh tế vi mô như: sửa đổi các luật quan trọng (Luật Giao dịch điện tử, Luật Chứng khoán, Luật Các tổ chức tín dụng...), hoàn thiện khung chính sách và chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm hình thành một hệ sinh thái hiện đại cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở Việt Nam, mạnh dạn ban hành quy định về cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh tế mới (fintech, kinh tế tuần hoàn), thúc đẩy Chương trình tăng năng suất lao động quốc gia; 2) thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP...) và nghiên cứu, đàm phán nâng cấp một số hiệp định thương mại tự do của ASEAN; 3) giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô: chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại, giá cả, tiền lương và đầu tư...
VVH