Doanh thu thị trường quảng cáo Việt Nam so với các quốc gia Đông Nam Á cũng có sự chênh lệch đáng kể. Cụ thể, tại thị trường Indonesia, doanh thu quảng cáo năm 2022 là 5,56 tỷ USD (tăng 8,1%), Thái Lan 4,301 tỷ USD (tăng 3,9%), Singapore 2,578 tỷ USD (tăng 8,4%), Philipines 2,551 tỷ USD (tăng 7,3%). Mặc dù đạt doanh thu thấp nhưng tốc độ tăng trưởng ngành quảng cáo của Việt Nam trong năm 2022 lại khá cao (12,7%), chỉ thấp hơn Malaysia (18,9%) và cao hơn các quốc gia còn lại của khu vực Đông Nam Á.
Phân khúc quảng cáo lớn nhất trong năm 2022 là quảng cáo tivi (TV) và video. Cụ thể, doanh thu phân khúc quảng cáo TV và video trên thế giới đạt khoảng 325,8 tỷ USD, tại thị trường Mỹ đạt 143,3 tỷ USD và tại thị trường Việt Nam đạt khoảng 1,19 tỷ USD. Theo dự báo, cơ cấu ngành quảng cáo đang có sự thay đổi, thị phần quảng cáo số trên toàn cầu sẽ chiếm khoảng 82% tổng doanh thu ngành quảng cáo vào năm 2027; tại Mỹ chiếm khoảng 86% và tại Việt Nam sẽ chiếm khoảng 62%.
Như vậy, quảng cáo số đang dần trở thành xu hướng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong thời gian tới. Trong khi đó, quảng cáo qua kênh truyền thống sẽ dần “co lại”, nguyên nhân là bởi quảng cáo số có nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng, mang lại hiệu quả cao và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp. Theo các chuyên gia tại Toạ đàm, xu hướng quảng cáo trên nền tảng trực tuyến phát triển nhanh, dự báo vượt cả quảng cáo truyền hình, nên chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng và là xu hướng tất yếu đối với ngành quảng cáo hiện nay. Chính vì vậy, việc chú trọng và đầu tư vào công nghệ sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành truyền thông quảng cáo tại Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo các đại biểu thì khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số trong ngành quảng cáo hiện nay là vấn đề pháp lý, vì mọi hành vi kinh doanh hiện nay đều phải tuân thủ theo nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”, trong đó quảng cáo lại liên quan đến rất nhiều bộ luật khác nhau.
VVH