Tại chương trình, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN (Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh) Đặng Thị Luận cho biết: Giải thưởng I-Star tiếp tục nhấn mạnh đến các giải pháp chuyển đổi số trong nhiều ngành/nghề, lĩnh vực. Ban tổ chức kỳ vọng sẽ nhận được nhiều bài dự thi giúp giải quyết các vấn đề mà TP đang rất quan tâm như: xây dựng hạ tầng số để thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số, cải cách hành chính và quản trị đô thị hiện đại, y tế và giáo dục thông minh, các giải pháp công nghệ cho thành phố thông minh, giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI)… Đối tượng tham dự Giải thưởng I-Star 2023 gồm 4 nhóm: các doanh nghiệp khởi nghiệp và ĐMST; các giải pháp ĐMST; các tác phẩm báo chí truyền thông về ĐMST và khởi nghiệp; các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp và ĐMST có đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Năm 2023 là năm thứ 6 Giải thưởng I-Star được tổ chức. Riêng năm 2022, giải thưởng đã nhận được 370 hồ sơ đăng ký dự thi của các cá nhân, tổ chức, trong đó hơn 60% các dự án tham gia tập trung cho chuyển đổi số trong mọi ngành/nghề, lĩnh vực. Đặc biệt, có rất nhiều dự án ĐMST trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, tài chính, nông nghiệp… có tính ứng dụng cao, sẵn sàng chuyển giao cho các cơ quan, doanh nghiệp để triển khai vào thực tiễn. Thành công của Giải thưởng I-star cho thấy ý tưởng ĐMST có thể đến từ bất cứ nơi đâu, không chỉ trong khu vực doanh nghiệp, trường, viện mà kể cả ở các em học sinh, cộng đồng dân cư đều có thể có những mô hình ĐMST hết sức thiết thực.
Tôn vinh Top 10 và trao giải thưởng I-Star 2022 ở nhóm đối tượng 2.
MN