Thứ hai, 20/03/2023 15:56

Góp ý hoàn thiện dự thảo đề án Xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học

Ngày 16/03/2023, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành có liên quan nhằm làm rõ cơ sở pháp lý liên quan đến một số nội dung quan trọng trong đề án Xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học do Bộ GD&ĐT đang chủ trì soạn thảo. Cuộc họp có sự tham dự của đại diện các bộ: Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Tư pháp và các đơn vị liên quan thuộc Bộ GD&ĐT.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng, cần thiết của mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Với sự hỗ trợ của các bộ, ngành, các chuyên gia, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và hoàn thành dự thảo đề án Xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học để báo cáo Thủ tướng. Ngoài tài nguyên giáo dục mở, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ thúc đẩy mô hình giáo dục số. để học liệu được chia sẻ, mang lại lợi ích lớn cho các bên liên quan.

Cuộc họp này được tổ chức nhằm lắng nghe các bên liên quan làm rõ nội dung quan trọng của dự thảo đề án, hướng tới hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm thúc đẩy xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở. Trong đó có các quy định về cấp phép mở, giấy phép mở, truy cập mở, phát hành mở, xuất bản tài nguyên mở; quy định về năng lực số, quyền sử dụng tài liệu…

Tại cuộc họp, TS Lê Trung Nghĩa - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ khái niệm tài nguyên giáo dục mở và giấy phép mở. Theo đó, trong Tài liệu khuyến nghị tài nguyên giáo dục mở được 193 quốc gia thành viên UNESCO phê chuẩn vào ngày 25/11/2019, tài nguyên giáo dục mở được định nghĩa là các kinh nghiệm dạy, học và nghiên cứu ở bất cứ định dạng và phương tiện nào, hoặc là nằm trong phạm vi công cộng, có bản quyền đã được phát hành theo một giấy phép mở, cho phép những người khác không mất chi phí để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy chỉnh và phân phối lại. Từ đó, gắn giấy phép mở vào tài nguyên giáo dục của mình, tức là tác giả đã trao quyền trước cho người sử dụng; người sử dụng chỉ cần tuân thủ các điều khoản, điều kiện trong giấy phép đã được gắn vào tài nguyên đó chứ không cần xin phép tác giả nữa.

Cuộc họp đã ghi nhận nhiều trao đổi, đóng góp cụ thể từ đại diện các bộ, ngành, chuyên gia. Đa số ý kiến đều khẳng định sự cần thiết của đề án, đồng thời cho rằng, nếu thực hiện được, mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục.

PTT

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)