Thứ sáu, 24/03/2023 15:57

Nâng cao nhận thức về tiêu thụ đồ uống có đường

Ngày 23/3/2023, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo khoa học về tiêu thụ đồ uống có đường với sức khỏe và tác động của chính sách thuế, giá. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Quyền Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam bà Leslay Miller, cùng đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, lãnh đạo các bộ/ban/ngành cơ quan Trung ương…

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: cùng với lượng đường được tìm thấy tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm trái cây và sữa, việc bổ sung đường vào các sản phẩm thực phẩm sẽ làm tăng tổng hàm lượng năng lượng của sản phẩm. Mức tiêu thụ đồ uống có đường gia tăng nhanh là yếu tố quan trọng góp phần làm gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì ở Việt Nam. Thực trạng trên đã đặt ra yêu cầu bức thiết để giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường, từ đó góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe trẻ em.

Những năm gần đây, gánh nặng thừa cân, béo phì trên toàn thế giới đã và đang gia tăng nhanh chóng và có xu hướng chuyển dịch từ các nước thu nhập cao sang các nước thu nhập trung bình và thấp. Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã khá nhanh ở thanh thiếu niên 5-19 tuổi (từ 2,6% năm 2002 lên 19% năm 2020), tăng từ 10,9% năm 2002 lên 18,3% năm 2016 ở người lớn. Đặc biệt, thừa cân, béo phì làm tăng các yếu tố nguy cơ của một số bệnh không lây nhiễm (ung thư, bệnh tim), trẻ hóa độ tuổi mắc nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường tuýp 2…

Theo TS Nguyễn Hồng Diễm - Phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, một lon nước ngọt 300 hoặc 330 ml cung cấp đến 30-40 g đường. Trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị mỗi ngày chỉ nên ăn 25 g đường (tương đương 5 thìa cà phê), mức tối đa là 50 g/ngày. Đường chuyển hóa trong cơ thể từ miệng qua dạ dày, ruột non vào hệ tuần hoàn. Ở hệ tuần hoàn, đường vào gan, đặc biệt là đường fructose hấp thụ gần như chủ yếu ở gan, quá thừa thì sẽ chuyển thành chất béo, đây là nguyên nhân chủ yếu gây béo phì.

Trước thực trạng này, để bảo vệ sức khỏe người dân, đại diện Bộ Y tế cho rằng, cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường theo hàm lượng đường. Theo đó, tất cả các đồ uống có đường theo định nghĩa của WHO có mặt trên thị trường đồ uống Việt Nam, kể cả các loại nước hoa quả lên men có cồn, đều cần chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Sẽ quy định ngưỡng, dưới ngưỡng không đánh thuế, trên ngưỡng này thì đánh thuế và đánh theo mức thuế càng nhiều đường càng cao. Bên cạnh đó, các sản phẩm sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm dạng lỏng dùng mục đích dinh dưỡng… sẽ không bị đánh thuế.

BL

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)