Tại Hội nghị, ông Trần Đức Hợp - Phó Giám đốc Sở KH&CN Yên Bái đề nghị các cơ quan quản lý nhãn hiệu tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị, thương hiệu của các sản phẩm; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy trình quản lý, sử dụng tem, nhãn đảm bảo theo đúng các văn bản quản lý đã xây dựng và quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hội sản xuất, người dân mở rộng quy mô sản xuất cho các sản phẩm, cũng như đẩy mạnh mở rộng thị trường, tiếp cận các thị trường mới để sản phẩm đến được tay nhiều người tiêu dùng. Ông Nguyễn Thành Lê - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cũng đề nghị các cơ quan chức năng, các HTX và hộ dân được trao quyền sử dụng nhãn hiệu phải nâng cao vai trò, trách nhiệm gìn giữ, mở rộng quy mô sản xuất và phát triển thương hiệu các sản phẩm được cấp.
Việc đón nhận văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm "Gà đồi Trấn Yên"; Nhãn hiệu tập thể "Mật ong Trấn Yên" và "Miến Đao Quy Mông" là tiền đề quan trọng để các sản phẩm này tiếp tục khẳng định vị thế, hình ảnh, giá trị của mình trên thị trường trong nước cũng như thị trường khu vực. Đây cũng là sự kiện quan trọng đáp ứng lòng mong đợi, sự kỳ vọng của các hộ dân; là hành động thiết thực thể hiện sự đổi mới về tư duy, cách nghĩ, cách làm trong việc sản xuất các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái nói chung và huyện Trấn Yên nói riêng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đinh Tiến