Thứ năm, 20/04/2023 14:55

Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Góp phần nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào trí tuệ Việt Nam

Đã 10 năm trôi qua, kể từ khi Luật Khoa học và công nghệ (KH&CN) 2013 được thông qua và quy định ngày 18/5 hằng năm là Ngày KH&CN Việt Nam. Từ năm 2014, các hoạt động kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam được tổ chức thường niên trên toàn quốc.

Trong 10 năm qua, Ngày KH&CN Việt Nam đã thực sự trở thành ngày hội tôn vinh những người làm KH&CN; đồng thời là nguồn cảm hứng, tiền đề cho nhiều hoạt động có ý nghĩa ra đời, góp phần quan trọng khơi dậy niềm tự hào trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong xây dựng và phát triển đất nước. Tạp chí xin điểm lại một số hoạt động ý nghĩa, ra đời từ những dịp kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam và đang ngày càng phát triển, lan tỏa mạnh mẽ.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu: Giải thưởng uy tín tôn vinh nhà khoa học

Ngày 30/10/2013, Bộ KH&CN lần đầu tiên tổ chức họp báo giới thiệu về Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Giải thưởng được tổ chức hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam, nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, có đóng góp thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và KH&CN Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế, tạo tiền đề cho KH&CN của đất nước hội nhập và phát triển. Giải thưởng được trao cho 8 ngành trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Kỹ thuật bao gồm: toán học, khoa học máy tính và thông tin, vật lý, hóa học, khoa học trái đất và môi trường liên quan, sinh học nông nghiệp, y sinh dược học và cơ học kỹ thuật.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu mùa đầu tiên cho GS Nguyễn Hữu Việt Hưng (bìa trái) và PGS.TS Nguyễn Bá Ân (đứng giữa).

Sau 9 năm triển khai, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng khoa học Việt Nam. Tính đến hết năm 2022, đã có 18 nhà khoa học là tác giả của các công trình khoa học xuất sắc và 4 nhà khoa học trẻ được trao tặng Giải thưởng. Chất lượng của các công trình được trao tặng Giải thưởng là những dấu ấn rõ nét, góp phần quan trọng tạo nên uy tín của Giải. Các công trình đều được các hội đồng khoa học chuyên ngành đánh giá cao về chất lượng nghiên cứu, có ý nghĩa khoa học, tác động đến vấn đề, chuyên ngành nghiên cứu và đều được xếp thứ hạng cao trong danh mục tạp chí của Web of Science và Scimago (top 10%). Có thể nói, việc hình thành và triển khai Giải thưởng Tạ Quang Bửu là hoạt động hết sức ý nghĩa, khích lệ các nhà khoa học trong nước quyết tâm theo đuổi định hướng nghiên cứu của mình, lan tỏa những tấm gương về hoạt động KH&CN, được cộng đồng chờ đón và ủng hộ.

Năm 2023, Giải thưởng sẽ có thay đổi về quy định nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và quy mô của Giải thưởng. Hiện tại, Bộ KHCN đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2015/TT-BKHCN ngày 12/01/2015 về việc ban hành Quy chế giải thưởng Tạ Quang Bửu. Theo dự thảo, Giải thưởng sẽ được mở rộng sang cả lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học nhân văn. Dự kiến đến cuối năm 2023, Bộ KH&CN sẽ bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đề cử Giải thưởng theo quy định mới. Như vậy trong thời gian tới, Giải thưởng sẽ trở lại với một tầm cao và quy mô mới.

Chuỗi bài giảng đại chúng: Đưa kiến thức hàn lâm đến với công chúng

Từ nhiều năm nay, một trong những hoạt động rất có ý nghĩa thường được tổ chức mỗi khi tới dịp kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam là chuỗi bài giảng đại chúng, được tổ chức bởi các viện nghiên cứu, trường đại học lớn trên cả nước.

Một buổi giảng đại chúng kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam, tổ chức tại hội trường của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Điển hình như năm 2021, Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học UNESCO và Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF), Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VinBigData) đã đồng tổ chức Chương trình Ngày KH&CN Việt Nam năm 2021 với chủ đề: “Đổi mới sáng tạo để kiến tạo tương lai”. Nội dung chính của sự kiện là chuỗi các bài giảng đại chúng với các chủ đề về ứng dụng của KH&CN vào nhiều lĩnh vực khác nhau như: “Công nghệ sản xuất vắc-xin COVID: Bối cảnh Việt Nam - thế giới trong sản xuất vắc-xin và những điều cần lưu ý khi tiêm vắc-xin COVID-19 tại Việt Nam” do TS.BS Phạm Quang Thái, (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) trình bày; “Từ khảo cổ đến công nghệ thực tế ảo: Trường hợp chùa Một Cột thời Lý năm 1105” do PGS.TS. Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) trình bày; “Giải mã gen Việt trong kỷ nguyên khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo” do TS Võ Sỹ Nam (VinBigdata) trình bày… Hay trong dịp kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam năm 2022, Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học UNESCO, Viện Toán học và Trung tâm Vật lý Quốc tế UNESCO đã đồng tổ chức chuỗi bài giảng đại chúng về những vấn đề thú vị và gần gũi với cuộc sống như: “Vật lý trong quan trắc môi trường không khí” do PGS.TS Đinh Văn Trung (Viện trưởng Viện Vật lý, giám đốc Trung tâm Vật lý quốc tế) thuyết trình; “Bài toàn ngược ở quanh ta” do GS.TSKH Đinh Nho Hào (Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Toán học) thuyết trình…

Các chuỗi bài giảng đại chúng mỗi khi tới dịp kỷ niệm Ngày KH&CN, luôn được công chúng mong chờ và đón nhận. Hoạt động ý nghĩa này không chỉ góp phần truyền bá kiến thức KH&CN tới đại chúng, mà còn tiếp thêm động lực cho các bạn sinh viên, các nhà khoa học trẻ.

Ngày hội STEM: Lan tỏa và khơi nguồn sáng tạo

Năm 2015, trong chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng và Liên minh STEM, dưới sự bảo trợ của Bộ KH&CN đã lần đầu tiên tổ chức Ngày hội STEM1. Kể từ đó, sự kiện này được tổ chức hằng năm vào dịp 18/5.

Các em học sinh tham gia Ngày hội STEM TP Vinh năm 2023.

Sau 8 năm tổ chức, bên cạnh Ngày hội STEM quốc gia đã xuất hiện thêm rất nhiều Ngày hội STEM cấp tỉnh, cấp huyện... Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, trong đó đề cập đến việc đẩy mạnh giáo dục STEM tại Việt Nam, ngày hội STEM càng được tổ chức rộng rãi, từ thành phố tới các vùng sâu, vùng xa, từ bậc mầm non tới đại học. Đã có hàng vạn lượt trẻ em được tiếp cận với Ngày hội STEM, với sự tham gia của hàng nghìn thầy/cô giáo. Hoạt động STEM không còn giới hạn trong các Ngày hội STEM mà đã đi vào đời sống, hình thành các câu lạc bộ STEM và trở thành chương trình học của nhiều trường. Ngày hội STEM cũng là cơ hội để các em học sinh được tham quan, thực nghiệm các thí nghiệm tại những phòng lab hiện đại của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu như Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia Enzyme và protein, Phòng thí nghiệm trọng điểm Phân tích phục vụ kiểm định môi trường và an toàn thực phẩm… Chắc chắn trong tương lai, các hoạt động này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, vì sự phù hợp và cần thiết trong bối cảnh thế giới đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư với những bước tiến vượt bậc về KH&CN.

Sản phẩm trưng bày tại Ngày hội STEM năm 2021 của học sinh Trường Tiểu học Đồng Phú, Đồng Hới, Quảng Bình.

Cuộc thi Sáng kiến khoa học: Sân chơi dành cho các nhà khoa học trẻ

Hướng tới Ngày KH&CN Việt Nam, năm 2022, Báo VnExpress đã lần đầu tổ chức Cuộc thi Sáng kiến khoa học. Cuộc thi nhằm tạo sân chơi cho những người trẻ yêu khoa học - công nghệ, hướng tới các nhà khoa học trẻ chuyên hoặc không chuyên với các giải pháp và sản phẩm có giá trị ứng dụng trong cuộc sống. Những lĩnh vực của cuộc thi gồm: y sinh, hóa sinh; công nghệ; nông nghiệp; môi trường; vật liệu mới. Ngay lần đầu tiên tổ chức, cuộc thi đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu trẻ từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và nước ngoài, với hơn 100 hồ sơ tham gia, trong đó 7 sáng kiến đã được chọn để trao giải.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy (thứ 8 từ trái qua) cùng đại diện Ban tổ chức, Ban giám khảo và các tác giả đoạt giải mùa 1 (ảnh: Vnexpress.net).

Theo đó, giải Đặc biệt (trị giá 100 triệu đồng) được trao cho sáng kiến "Giải pháp kết hợp công nghệ vệ tinh và chà nổi truyền thống giúp khai thác cá hiệu quả" của tác giả Đồng Quang Hùng, Công ty TNHH Zunibal Việt Nam. Với giải pháp này, ngư dân chỉ cần thả 3-5 phao dò cá đặt cạnh 3-5 chà tại các vị trí khác nhau. Dựa vào các dữ liệu phao dò cá gửi về thông qua sóng vệ tinh, chủ tàu có thể xác định vị trí đánh bắt, các tín hiệu dự báo như: tọa độ, cá ở độ sâu bao nhiêu, khối lượng cá dự kiến, nhiệt độ nước, dòng chảy... Khi có tín hiệu cá, ngư dân mới thực hiện đánh bắt, vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm nhiên liệu, chi phí cho mỗi chuyến đi. Ưu điểm lớn của giải pháp là chi phí đầu tư thấp2 nhưng có thể tăng sản lượng đánh bắt cá từ 3-5 lần, đồng thời tiết kiệm 40% nhiên liệu. Giải pháp cũng giúp cung cấp nguồn dữ liệu có ý nghĩa trong việc đánh giá dự báo ngư trường, phục vụ cơ quan nghiên cứu và dự báo nguồn lợi khai thác hải sản.

Giải Nhất cuộc thi (trị giá 50 triệu đồng) được trao cho sáng kiến "Chiết tách lycopen từ quả gấc" của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Giải pháp giúp tách chiết thành công lycopen tinh khiết 98% và nano lycopen dễ tan trong nước. Nếu áp dụng trên quy mô lớn, có thể cung cấp nguồn nguyên liệu có độ tinh khiết cao, giá cả hợp lý cho các công ty hóa mỹ phẩm, thực phẩm trong nước. Có thể thấy, các sáng kiến được vinh danh từ cuộc thi đều có giá trị thiết thực giải quyết vấn đề từ cuộc sống, tiềm năng ứng dụng cao.

Tiếp nối thành công, năm 2023, Giải thưởng không chỉ nâng giá trị kinh tế lên 300 triệu đồng, mà còn mở thêm hạng mục "Giải sáng kiến" dành cho sản phẩm, sáng kiến đặc biệt phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi.

*

*       *

Ngoài các hoạt động tiêu biểu trên, để kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường học… trên cả nước còn có nhiều hoạt động thiết thực khác như: gặp mặt các nhà khoa học, nhà quản lý KH&CN với học sinh, sinh viên; triển lãm các kết quả nghiên cứu khoa học, sáng chế hữu ích; triển lãm sách KH&CN; tổ chức tọa đàm, hội nghị, hội thảo, triển lãm không gian văn hóa, sáng tạo KH&CN… Tất cả các hoạt động này đều hướng tới việc biểu dương và tôn vinh các nhà khoa học, đội ngũ cán bộ KH&CN; khơi dậy tinh thần đam mê lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, nâng cao văn hóa đổi mới sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu, sản xuất kinh doanh nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới cho đất nước.

 

1 STEM là mô hình giáo dục hiện đại, trang bị cho các em học sinh những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Math). Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

 

2 Với khoảng 100 triệu đồng, ngư dân có thể tiếp cận và sử dụng công nghệ.

 

 

 

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)