Thứ ba, 26/09/2023 16:10

Nâng cao kiến thức của người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long về biến đổi khí hậu

Chương trình Giáo dục môi trường vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) chủ trì, Cơ quan Phát triển quốc tế của Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) tài trợ nhằm triển khai các chương trình đào tạo và các hoạt động sáng tạo nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, môi trường và sự đa dạng sinh học cho giới trẻ.

Chương trình Giáo dục môi trường vùng ĐBSCL được thực hiện nhằm mục tiêu: xác định các vấn đề về môi trường, đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu tại 3 tiểu vùng sinh thái ở ĐBSCL, Việt Nam; phát triển tài liệu, tổ chức các buổi tập huấn/hội thảo nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng của thanh niên ở tất cả 13 tỉnh/thành phố trong khu vực ĐBSCL để góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, môi trường và đa dạng sinh học.

Tại Hội thảo tổng kết Chương trình giáo dục môi trường ĐBSCL vừa được tổ chức, các chuyên gia cho rằng, để thích ứng với biến đổi khí hậu, các cơ quan quản lý cần tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng (thanh niên, sinh viên và giới trẻ là trung tâm) thông qua việc đầu tư cho các hoạt động đào tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó, các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL cần chú trọng đầu tư cho các trường đại học, viện nghiên cứu trong vùng để phát huy hiệu quả thế mạnh nghiên cứu, cùng đồng hành với các doanh nghiệp. Liên kết này dưới sự hỗ trợ của Nhà nước qua những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp sẽ tạo ra năng lượng cộng hưởng lớn, tác động tích cực đến sự phát triển của vùng.

Hoàng Oanh

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)