Quả Thanh trà là món ăn biểu trưng đặc biệt của văn hoá ẩm thực cố đô.
Thanh trà - thứ quả đặc sản, tao nhã của người cố đô
Diện tích trồng Thanh trà ở Thừa Thiên Huế hiện nay khoảng 1.000 ha, Thanh trà được trồng ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, điển hình như các vùng: Thủy Biều (TP Huế), Phong Thu (huyện Phong Điền), Hương Vân (thị xã Hương Trà), Dương Hòa (thị xã Hương Thủy). Theo các tư liệu lịch sử, dưới thời Nguyễn, hàng năm, quả Thanh trà đều được tuyển chọn kỹ càng để làm vật phẩm dâng tiến vào cung vua. Ngày nay, Thanh trà đã trở thành biểu tượng đặc trưng của cố đô Huế. Năm 2014, đặc sản thanh trà của tỉnh Thừa Thiên - Huế được công nhận vào top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam.
Cứ mỗi độ tháng 7 âm lịch thì những vườn Thanh trà của vùng cố đô lại bắt đầu chín mọng, mùa thu hoạch Thanh trà kéo dài khoảng 2 tháng và chỉ có duy nhất 1 mùa trong năm. Nhìn bên ngoài, quả Thanh trà nhỏ hơn quả bưởi, hình thon giống quả lê, da màu vàng nắng chứ không xanh. Trọng lượng quả nhỏ, trung bình khoảng 0,7-1 kg. Bù lại, quả có cùi thơm, múi vàng trong; tuy không mọng nước như một số loại bưởi nhưng lại cho vị ngọt thanh, thơm dịu, mát họng. Thanh trà không chỉ thơm ở những múi ruột, mà thơm từ vỏ quả cho tới lá, hoa. Thanh trà ngon là những quả có vỏ mỏng, láng bóng và mang màu nắng. Nhờ ít nước nên Thanh trà Huế có thể để dành ăn vài ba tháng. Để càng lâu, quả càng ngọt, hương vị đậm đà gần như vẫn được giữ vẹn nguyên. Ngoài ăn quả tươi, người xứ Huế còn dùng Thanh trà làm các món gỏi, đặc biệt là gỏi mực khô, gỏi tôm... Hiện Thanh trà là một loại trái cây quý để làm quà tặng của người dân xứ Huế, là món hàng đặc sản để phục vụ khách du lịch, đồng thời cũng là món ăn biểu trưng đặc biệt của văn hoá ẩm thực cố đô.
Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm quả Thanh trà
Nhờ vào giá trị lịch sử và tiềm năng kinh tế, mới đây, ngày 18/01/2024, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã cấp Giấy Chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm quả Thanh trà.
Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ trao Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm quả Thanh trà.
Phát biểu tại Lễ Công bố văn bằng bảo hộ chỉ dẫn “Huế” cho sản phẩm quả Tranh trà diễn ra trước đây, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Lê Hồng cho biết, sản phẩm Thanh trà mang chỉ dẫn địa lý “Huế” là chỉ dẫn địa lý thứ 135 được bảo hộ tại Việt Nam. Đây cũng là tiền đề tạo cơ hội để phát triển thương hiệu sản phẩm Thanh trà. Để bảo tồn, phát triển và xây dựng thương hiệu Thanh trà Huế, cần sự quan tâm vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương và những người sản xuất, kinh doanh sản phẩm; địa phương cũng cần quan tâm, đầu tư một cách toàn diện và đúng mức để phát triển và nâng cao chất lượng của sản phẩm; chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với phát triển du lịch và ẩm thực; xây dựng kênh tiêu thụ bền vững. Ông Trần Lê Hồng khẳng định, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục đồng hành cùng với địa phương trong việc củng cố, sử dụng và bảo vệ chỉ dẫn địa lý "Huế" cho quả Thanh trà.
Ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên Huế cho biết, việc xác lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Thanh trà Huế” là cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị của loại quả đặc hữu của địa phương và phát huy giá trị của sản phẩm phục vụ du lịch. Qua đó, các hội, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp đóng trên địa bàn, cùng các nhà vườn, hợp tác xã, hộ dân cần nâng cao sản lượng, chất lượng quả để đáp ứng nhu cầu thị trường nhằm phát triển chỉ dẫn địa lý “Huế” đối với sản phẩm Thanh trà của tỉnh. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu Thanh trà Huế, xác lập quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Huế" cho sản phẩm quả Thanh trà là nhu cầu cấp thiết, khẳng định vị thế và thương hiệu sản phẩm Thanh trà Huế trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, văn hóa ẩm thực, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên Huế phát biểu tại sự kiện.
Tại sự kiện này, Hội Thanh trà Huế cũng đã được thành lập với mục đích góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho các hội viên trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm quả Thanh trà, thông qua việc phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, đào tạo và đề xuất chính sách. Đồng thời góp phần tạo nên một sân chơi hữu ích, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác theo Tiêu chuẩn VietGAP, hướng đến sản xuất hữu cơ, cải tiến mẫu mã bao bì đóng gói, đăng ký mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, lựa chọn cây giống đạt chuẩn Thanh trà Huế. Từ đó, đảm bảo chất lượng ổn định, nâng cao uy tín và thương hiệu cho sản phẩm. Đồng thời xây dựng Hội trở thành địa chỉ cần thiết, tin tưởng của các đối tác trong và ngoài nước liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, liên kết sản xuất sản phẩm Thanh trà Huế; Hoạt động của Hội có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển thương hiệu quả Thanh trà Huế.
Xuân Bình