Thứ ba, 06/02/2024 15:57

Một số kết quả hoạt động nổi bật của Cục Sở hữu trí tuệ trong năm 2023

Năm 2023, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã hoàn thành nhiều mục tiêu và nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ giao. Qua đó góp phần quan trọng đưa hoạt động SHTT ngày càng gắn kết vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Năm 2023, Cục SHTT đã hoàn thành việc xây dựng và trình ban hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT về sở hữu công nghiệp (SHCN), bảo vệ quyền SHCN, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về SHTT và Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN ngày 30/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về quy định chi tiết một số điều của Luật SHTT và biện pháp thi hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT về SHCN, bảo vệ quyền SHCN, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về SHTT liên quan đến thủ tục xác lập quyền SHCN và bảo đảm thông tin SHCN...

Năm 2023, lượng đơn xác lập quyền SHCN nộp vào Cục tăng khá cao (8,5%), đồng thời kết quả xử lý đơn xác lập quyền SHCN cũng tăng 13,2% so với năm 2022. Cụ thể, Cục đã tiếp nhận hơn 156 nghìn đơn các loại (tăng 11% so với năm 2022), trong đó đơn sáng chế tăng 10,6%, kiểu dáng công nghiệp tăng 11,8%; Cục đã xử lý được gần 126 nghìn đơn các loại, trong đó đơn đăng ký xác lập quyền SHCN tăng 13,2% so với năm 2022.

Bên cạnh đó, công tác hội nhập và hợp tác quốc tế về SHTT được duy trì và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của đất nước, của Bộ KH&CN nói chung và của Cục nói riêng. Trong năm 2023, Cục đã tham gia đàm phán nội dung SHTT trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; chủ trì xây dựng phương án đàm phán các văn kiện về nguồn gen, tri thức truyền thống và các hình thức biểu đạt của văn hóa dân gian trong khuôn khổ WIPO/IGC. Cục đã tích cực tổ chức/tham gia các buổi làm việc trong nhóm công tác của các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA…; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình phát triển của hệ thống SHTT với Ban Thư ký WTO và các đối tác thương mại; thực hiện rà soát và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định để thực hiện cam kết với các đối tác. Ngoài ra, các hoạt động hợp tác quốc tế của Cục tiếp tục được triển khai tích cực thông qua các diễn đàn đa phương về SHTT tại ASEAN và APEC. Các hoạt động hợp tác song phương tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh.

Công tác đào tạo, tập huấn về SHTT năm 2023 đã được triển khai một cách tích cực, phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức, phần nào đáp ứng được nhu cầu của hệ thống và xã hội, góp phần quan trọng trong việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao về SHTT.

Phát triển TSTT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được Cục quan tâm, thúc đẩy triển khai trong năm 2023 với các nội dung chính là hỗ trợ xác lập quyền SHCN thông qua việc cấp 202 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và 7 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù của địa phương. Cục cũng tích cực tham gia có ý kiến nhằm đề xuất cơ chế chính sách, giải pháp thúc đẩy công tác phát triển TSTT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết của Đảng và kế hoạch thực hiện của Chính phủ...

Sản phẩm Hoàng mai (mai vàng) của Thừa Thiên Huế mới được cấp chỉ dẫn địa lý.

Cục đã tích cực tham gia triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch phối hợp giữa Bộ KH&CN, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam, Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chương trình OCOP...

Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong năm 2024 Cục SHTT sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: i) Tổ chức triển khai có hiệu quả Luật SHTT năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các quy chế thẩm định đơn SHCN theo hướng tối ưu hóa quy trình, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác xử lý đơn; ii) Chủ động tham gia đàm phán và bảo đảm thi hành hiệu quả nội dung SHTT trong các điều ước quốc tế; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế để tranh thủ các nguồn lực quốc tế nhằm triển khai có hiệu quả Luật SHTT, Chiến lược SHTT và nâng cao năng lực của Cục; tăng cường hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đăng ký SHCN của các cá nhân, tổ chức Việt Nam ở nước ngoài; iii) Tăng cường quản lý nhà nước về công tác phát triển TSTT; tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trong Chiến lược SHTT đến năm 2030, Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030 và Kế hoạch phối hợp hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài và các Chương trình quốc gia khác, ưu tiên việc xem xét hỗ trợ các địa phương, chương trình hợp tác giữa Bộ với các tỉnh, và hỗ trợ phát triển TSTT cho các doanh nghiệp…

CT

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)