Vùng đất giàu tiềm năng với nhiều điểm đến hấp dẫn
Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/12/2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng”.
Thừa Thiên Huế là vùng đất giàu tiềm năng với nhiều điểm đến hấp dẫn.
Tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch nơi đây không chỉ được thể hiện ở bản sắc văn hóa truyền thống từ xa xưa mà còn được thể hiện qua sự đa dạng về địa lý của vùng đất này. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch gắn với cộng đồng như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch lịch sử, du lịch nông nghiệp… Điều này đã được minh chứng khi Thừa Thiên Huế được tôn vinh là thành phố của lễ hội (thành phố Festival) của Việt Nam với trên 500 lễ hội, gồm: các lễ hội cung đình, dân gian, truyền thống, tôn giáo... Trong đó, quy mô và ấn tượng nhất là Festival Huế (tổ chức định kỳ 2 năm một lần vào các năm chẵn) và Festival Nghề truyền thống (tổ chức định kỳ 2 năm một lần vào các năm lẻ). Với nhiều hoạt động phong phú, quy mô, các lễ hội đã góp phần nâng cao vị thế, giới thiệu về văn hóa và vùng đất con người Thừa Thiên Huế đến du khách trong nước và quốc tế.
Với những tài sản văn hóa vô giá mà trung tâm là TP Huế, tỉnh đã xác định và từng bước xây dựng để phát triển theo hướng đô thị di sản, văn hóa sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Đặc biệt, di sản - văn hóa chính là hạt nhân để phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng bền vững. Tất cả những yếu tố này là lợi thế lớn của Thừa Thiên Huế để phát triển du lịch theo hướng xanh, cộng đồng, sinh thái… hấp dẫn, thích ứng với sự thay đổi của khu vực và thế giới.
Thúc đẩy ngành du lịch bằng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Thừa Thiên Huế và các sở, ngành, các địa phương của tỉnh đã triển khai khá đồng bộ nhiều nội dung phục vụ xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương. Từ đó, các tổ chức và cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã đăng ký nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản của địa phương. Điển hình có thể kể đến như: chỉ dẫn địa lý nón lá Huế, dầu tràm Huế; nhãn hiệu tập thể Áo dài Huế, “Sen Huế”; nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế;... qua đó nâng cao thu nhập cho người dân và doanh nghiệp, góp phần hình thành và phát triển giá trị thương hiệu, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ phục vụ ngành du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Du lịch cộng đồng gắn với sinh thái và nông nghiệp.
Tỉnh Thừa Thiên Huế luôn phấn đấu theo hướng: bảo vệ môi trường sống, môi trường du lịch xanh, sạch; trở thành đô thị du lịch sinh. Năm 2016, Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) đã vinh danh Huế là "Thành phố xanh quốc gia". Tiếp đó, Huế 2 lần liên tiếp được trao danh hiệu Thành phố du lịch sạch ASEAN giai đoạn 2018-2020 và 2020-2022; giai đoạn 2022-2024 tỉnh Thừa Thiên Huế vinh dự nhận 3 giải thưởng: Sản phẩm du lịch bền vững thành thị, Khách sạn Xanh ASEAN, và Địa điểm tổ chức MICE ASEAN (hạng mục phòng họp, hội nghị, hội thảo). Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do WWF-Na Uy tài trợ thông qua WWF-Việt Nam giai đoạn 2021-2024 với mục tiêu hỗ trợ thành phố Huế trong việc bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái vùng đất ngập nước và ven biển khỏi bị ô nhiễm do rác thải.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh, ngành du lịch Thừa Thiên Huế vẫn còn một số hạn chế như chất lượng dịch vụ tại một số điểm đến chưa cao; sản phẩm du lịch chưa đa dạng; chưa thu hút khách ở lại lâu dài... Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở lưu trú chưa thực sự đồng bộ, việc triển khai một số dự án phát triển du lịch còn chậm, dẫn đến thiếu khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng quy mô lớn, ảnh hưởng tới mục tiêu thu hút du khách lưu trú tại Huế dài ngày. Kết cấu hạ tầng du lịch, đường giao thông đến các bãi biển, các điểm du lịch suối, thác còn gặp khó khăn do hệ thống giao thông chưa đáp ứng. Vì thế, các sản phẩm, dịch vụ vùng ngoại ô thành phố chưa được quan tâm đầu tư, khai thác.
Từ sau đại dịch COVID-19 thói quen và hành vi của khách du lịch đã có nhiều thay đổi, xu hướng du lịch xanh, du lịch bền vững dựa trên các nền tảng du lịch thông minh ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, tác động mạnh mẽ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi đáng kể phương thức quản lý và khả năng tăng trưởng của ngành du lịch. Trong đó, du lịch thông minh đặt nền tảng cho nhiều mô hình kinh doanh du lịch mới đang nổi lên, các hoạt động quảng bá, giao tiếp và xúc tiến thương mại trên nền tảng kỹ thuật số ngày càng phát triển. Các trang thương mại điện tử về dịch vụ du lịch cũng sẽ có cơ hội phát triển khi hoạt động kết nối chuỗi du lịch và dịch vụ tăng lên. Ngoài ra, việc phát triển các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành cho du lịch mới, những giải pháp kinh doanh số, phát triển thương hiệu địa phương, phát triển sở hữu trí tuệ, kết nối mạng lưới toàn cầu… sẽ tăng trưởng một cách mạnh mẽ.
“Đi tắt đón đầu” bằng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo mở
Để thích ứng với sự phát triển và hướng tới mục tiêu du lịch xanh, du lịch bền vững, việc phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc của tỉnh được ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng các chương trình, sản phẩm du lịch là yếu tố thiết yếu để thu hút du khách và phục vụ việc tái định vị thương hiệu du lịch Huế. Điều này đòi hỏi những cách tiếp cận mới như du lịch thông minh, du lịch an toàn, du lịch bền vững và du lịch bản địa bằng cách sử dụng các mô hình mới được thúc đẩy mạnh mẽ dựa trên chuyển đổi kỹ thuật số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST).
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực chính để thúc đẩy quá trình thay đổi tư duy nhằm tái cấu trúc ngành du lịch. Trong đó, thay đổi các phương thức nghiên cứu, tiếp cận thị trường, vận hành doanh nghiệp, liên kết các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng dựa trên nền tảng công nghệ và văn hóa đổi mới sáng tạo là ưu tiên hàng đầu. Định hướng phát triển hệ sinh thái KNĐMST mở sẽ hỗ trợ hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ mới, phát triển các mô hình kinh doanh có hàm lượng công nghệ, góp phần quảng bá các xu hướng công nghệ mới, thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đa dạng nguồn lực theo hướng KNĐMST mở sẽ thu hút đầu tư chuyển giao công nghệ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; kết nối các hoạt động của doanh nghiệp với cộng đồng KNĐMST trong nước và quốc tế.
*
* *
Có thể nhận định rằng, chính những hạn chế, tồn tại và thách thức mới trong hoạt động du lịch sẽ là đầu bài đặt ra cho doanh nghiệp KNĐMST, để họ dùng năng lực, kiến thức và sự sáng tạo của mình giải quyết các bài toán đặt ra đối với ngành du lịch. Khi các doanh nghiệp KNĐMST giải quyết được những bài toán đó, thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp khác tiếp cận, học hỏi và cùng phát triển. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội mới, tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế cho người lao động dựa trên chính tài nguyên, nguồn lực của quê hương mình. Đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa để tạo ra giá trị mới, cách làm mới, hiệu quả mới.