Thứ hai, 25/03/2024 14:48

Hơn 70.000 giờ vận hành an toàn và hiệu quả Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.

Làm chủ các hệ thống công nghệ của Lò Phản ứng hạt nhân Đà Lạt, đảm bảo Lò vận hành gần 70.000 giờ an toàn và hiệu quả; làm chủ công nghệ sản xuất và cung cấp khoảng 17.500 Ci thuốc phóng xạ cho 23 bệnh viện phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh hiểm nghèo; phát triển thành công các kỹ thuật phân tích hạt nhân và liên quan, công nghệ đánh dấu đồng vị, ứng dụng chỉ thị đồng vị môi trường và đồng vị bền phục vụ nghiên cứu và dịch vụ cho các ngành trong cả nước; chế tạo thành công một số thiết bị đo đạc, phân tích phóng xạ phục vụ trong y tế, dầu khí, môi trường…; tạo ra được một số giống lúa, cây ăn trái có tính năng vượt trội về năng suất, chất lượng; đảm bảo an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, xử lý thải phóng xạ; quan trắc phóng xạ môi trường hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước… Đây là những kết quả nổi bật được báo cáo tại Lễ kỷ niệm 40 năm xây dựng và phát triển do Viện Nghiên cứu Hạt nhân, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa tổ chức.

TS Cao Đông Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân cho biết, lò phản ứng (LPƯ) TRIGA Mark-2 công suất 250 kWt của Hãng General Atomic được khởi công xây dựng ngày 12/04/1961 và đạt trạng thái tới hạn lần đầu lúc 12:40 ngày 26/02/1963. Ngày 28/10/1963, LPƯ TRIGA Mark-2 được khánh thành và đưa vào hoạt động với 3 chức năng chính là: đào tạo, nghiên cứu và sản xuất đồng vị phóng xạ. LPƯ TRIGA Mark-2 hoạt động cho đến cuối năm 1967 thì dừng do trục trặc kỹ thuật. Ngày 30/03/1975, toàn bộ 67 thanh nhiên liệu đã được tháo dỡ và chuyển về Mỹ, LPƯ không còn khả năng hoạt động. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, ngày 15/03/1982, công trình khôi phục và mở rộng LPƯ được khởi công. Sau 20 tháng thi công, LPƯ với tên mới là IVV-9 hay còn gọi theo địa danh là “LPƯ hạt nhân Đà Lạt” được nạp nhiên liệu độ giàu cao (36% U-235), đạt trạng thái tới hạn vào lúc 19:50 ngày 01/11/1983. Ngày 20/3/1984, LPƯ được chính thức đưa vào vận hành với công suất danh định 500 kWt, gấp 2 lần so với TRIGA Mark-2. Trải qua 40 năm hoạt động, tất cả các lĩnh vực nghiên cứu - triển khai của Viện đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi Lễ.

Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong 40 năm qua, LPƯ hạt nhân Đà Lạt đã hoạt động an toàn, đúng kế hoạch với gần 70.000 giờ. Lò đã được khai thác và sử dụng có hiệu quả để sản xuất đồng vị phóng xạ, phân tích kích hoạt, nghiên cứu khoa học, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành và đất nước. Cùng với thiết bị chính là LPƯ hạt nhân, một hệ thống các phòng thí nghiệm chuyên ngành hiện đại từng bước được hình thành và đưa vào hoạt động, phục vụ nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, đưa kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng khẳng định, ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam tự hào vì tập hợp được đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật đa ngành, được rèn luyện theo tác phong công nghiệp, từng bước làm chủ được một lĩnh vực khoa học tiên tiến, hiện đại, góp phần thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình giai đoạn đến năm 2020 và Bộ KH&CN cũng đang tiếp tục giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ KH&CN đang được giao nhiệm vụ quan trọng là xây dựng Trung tâm Nghiên cứu KH&CN hạt nhân với lò nghiên cứu công suất cao, quy mô lớn hơn nhiều lần so với LPƯ hạt nhân Đà Lạt hiện nay, nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng hạt nhân cho quốc gia, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực KH&CN phục vụ cho việc tiếp thu, làm chủ công nghệ hạt nhân để có thể nội địa hóa từng phần lò hạt nhân nghiên cứu; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các sản phẩm và dịch vụ để khai thác hiệu quả LPƯ nghiên cứu mới mà trước mắt là tham gia thực hiện Dự án với tinh thần trách nhiệm cao nhất, song song với việc tiếp tục đảm bảo vận hành an toàn và sử dụng hiệu quả LPƯ hạt nhân Đà Lạt đến năm 2033 theo Giấy phép đã được Bộ KH&CN cấp.

Bộ trưởng tin tưởng rằng, trên cơ sở các kết quả, thành tựu đã đạt được Viện Nghiên cứu Hạt nhân sẽ tiếp tục đảm bảo vận hành an toàn và khai thác có hiệu quả hơn nữa LPƯ hạt nhân Đà Lạt, cũng như xúc tiến Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu KH&CN hạt nhân với LPƯ nghiên cứu công suất cao, đa mục tiêu.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đình Văn phát biểu chúc mừng Viện Nghiên cứu Hạt nhân.

Chia sẻ niềm vui với Viện Nghiên cứu Hạt nhân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Trần Đình Văn khẳng định, tỉnh Lâm Đồng tự hào có Viện Nghiên cứu Hạt nhân đóng tại Đà Lạt. Trải qua 40 năm hoạt động, Viện đã đạt được những thành tích quan trọng trong làm chủ kỹ thuật và công nghệ, bảo đảm vận hành an toàn, sử dụng hiệu quả LPƯ hạt nhân duy nhất của cả nước; không để xảy ra sự cố nào ảnh hưởng đến con người và môi trường; luôn chú trọng đến việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và ứng dụng vào phát triển sản xuất. Viện đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học, kết quả của các đề tài nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn sản xuất và phục vụ đời sống; các hoạt động triển khai và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ của Viện đã góp phần tích cực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh Lâm Đồng nói riêng.

Ninh Diện

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)