Thứ tư, 17/04/2024 15:55

Bộ Thông tin và Truyền thông trao giấy phép thiết lập mạng 5G

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa trao giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G cho Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, sau 15 năm có quy định về việc đấu giá tần số vô tuyến điện tại Luật Tần số vô tuyến điện 2009, lần đầu tiên Bộ TT&TT tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần triển khai 5G. Với việc đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Bộ TT&TT đã chính thức cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G từ ngày 11/04/2024 cho Viettel và VNPT. Các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng triển khai thương mại hoá 5G trên phạm vi toàn quốc trong năm 2024, hình thành một hạ tầng mới, thúc đẩy phát triển kinh tế số - xã hội số - chính phủ số tại Việt Nam.

Lãnh đạo VNPT nhận giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ.

Trước đó, trong tháng 03/2024, Bộ TT&TT đã tổ chức đấu giá băng tần cho 4G/5G. Theo kết quả được công bố, Tập đoàn Viettel trúng đấu giá khối băng tần B1 (2500 -2600 MHz); Tập đoàn VNPT trúng đấu giá khối băng tần C2 (3700-3800 MHz).

Riêng khối băng tần C3 (3800-3900 MHz), do chỉ có 1 doanh nghiệp nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá, theo quy định tại Khoản 1 Điều 52, Điều 59 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, không có đủ số lượng tối thiểu doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định nên cuộc đấu giá khối băng tần C3 không thành.

Việc triển khai 5G hiện đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhờ những lợi thế về tốc độ, kết nối và bảo mật, 5G kết hợp cùng với điện toán biên cho phép các doanh nghiệp xử lý và phân tích khối lượng dữ liệu lớn hơn với chi phí tối ưu. 5G sẽ cho phép sử dụng rộng rãi các công nghệ hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) và các ứng dụng Internet vạn vật (IoT) trong nhiều lĩnh vực. Sử dụng 5G có thể giúp doanh nghiệp tăng doanh thu và giá trị khi được trang bị tốt hơn để kiếm tiền từ lượng dữ liệu khổng lồ. Sự phát triển về công nghệ, được hỗ trợ bởi 5G sẽ mở rộng hệ sinh thái di động sang các ngành công nghiệp mới. Đặc biệt, 5G mang lại lợi ích to lớn cho các ngành kho vận và nông nghiệp công nghệ cao.

Trong lĩnh vực kho vận, 5G sẽ giúp các doanh nghiệp logistics hiện đang sử dụng thiết bị IoT phát triển lên một tầm cao mới. Giải quyết vấn đề phổ biến là sự chậm trễ trong khâu vận chuyển và thông tin đến khách hàng. Với độ trễ thấp, các nhà cung cấp dịch vụ kho vận có thể liên tục theo dõi và cập nhật tình trạng lô hàng, nâng cao khả năng dự đoán thông tin địa điểm và thời gian đến.

Đối với nông nghiệp, triển khai 5G là khâu then chốt để có được nền nông nghiệp công nghệ cao. Với tốc độ nhanh hơn 10 lần so với 4G, các cảm biến không dây được kết nối qua mạng 5G sẽ tăng lượng dữ liệu thời gian thực và tạo điều kiện cho việc canh tác chính xác, cho phép triển khai số lượng lớn các thiết bị IoT. Nông dân cũng có thể sử dụng các thiết bị theo dõi sức khỏe cho vật nuôi, thu được dữ liệu sức khỏe chính xác và kịp thời hơn nhiều. Điều này cho phép giảm đáng kể việc sử dụng kháng sinh mà không gây rủi ro cho sự an toàn của chuỗi cung ứng thực phẩm.

5G cũng giúp thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác như: chế tạo, quản lý giao thông thông minh, quản lý năng lượng, xây dựng và khai thác mỏ, giáo dục số hóa, chăm sóc sức khỏe từ xa, bán lẻ thông minh và thành phố thông minh... Thị trường viễn thông cũng được hưởng lợi, 5G sẽ là một nguồn doanh thu mới khi số lượng lớn các thuê bao quyết định chuyển sang sử dụng công nghệ mạng mới hơn và nhanh hơn.

PT

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)