Thứ hai, 22/04/2024 15:42

Tháo gỡ vướng mắc để bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen tại Việt Nam

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chương trình) vẫn còn nhiều bất cập, quá trình triển khai còn chậm, thủ tục hành chính còn vướng mắc… Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội thảo góp ý Đề cương báo kết quả thực hiện Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa tổ chức.

Báo cáo của Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN) cho thấy, mục tiêu mà Chương trình đặt ra là thu thập, nhập nội, lưu giữ an toàn được ít nhất 70.000 nguồn gen sinh vật; đánh giá, xác định giá trị nguồn gen, trong đó đánh giá ban đầu được ít nhất 20.000 (khoảng 30%) nguồn gen sinh vật đã thu thập (tập trung vào nguồn gen có giá trị kinh tế, khoa học, môi trường và y - dược); đánh giá chi tiết được ít nhất 10% trong tổng số nguồn gen sinh vật đã đánh giá ban đầu; đánh giá tiềm năng di truyền được ít nhất 300 nguồn gen sinh vật có giá trị khoa học và kinh tế; giải mã, xây dựng bản đồ gen của ít nhất 5 nguồn gen đặc hữu hoặc có giá trị kinh tế cao hoặc là các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của Việt Nam…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Ninh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), việc duy trì lưu trữ nguồn gen không thể ngắt quãng vì nguồn gen quý hiếm. Ông Nguyễn Hữu Ninh nhấn mạnh, cần tiếp tục đầu tư nguồn nhân lực thực hiện thu thập, đánh giá cơ sở dữ liệu gen trong thời gian tới bởi nếu không tiếp tục lưu giữ nguồn gen sẽ mất đi và không có cơ hội phục hồi.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, để triển khai Chương trình, Bộ Y tế đã ban hành đề án khung bảo tồn nguồn gen, giao các đơn vị liên quan triển khai. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc thu thập nguồn gen tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa nên rất khó huy động được nguồn lực xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp tham gia triển khai.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng, để bảo tồn và phát triển nguồn gen, việc chia sẻ cơ sở dữ liệu và số hóa nguồn gen đã thu thập được là rất cần thiết. Chương trình được triển khai trong giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, cần phải điều chỉnh nội dung và cách triển khai trong thời gian tới, đồng thời đề nghị có cơ chế đặc thù cho việc phát triển nguồn gen tại Việt Nam.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái đánh giá cao những kết quả mà Chương trình đã đạt được trong thời gian qua và khẳng định, Bộ KH&CN sẽ đồng hành cùng các nhà khoa học trong từng lĩnh vực bảo tồn gen để triển khai các nội dung đã được phê duyệt trong thời gian tới. Thứ trưởng đề nghị, các bộ/ngành, các nhà khoa học sẽ cùng nhau chia sẻ, chung tay điều chỉnh những bất cập trong quá trình thực hiện về mục tiêu, khung thực hiện… hướng tới xây dựng Chương trình trong giai đoạn mới phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế. Thứ trưởng Trần Hồng Thái thống nhất quan điểm cần phải sớm hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tạo hành lang pháp lý tiếp tục triển khai Chương trình trong giai đoạn tiếp theo.

Phong Vũ

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)