Thứ bảy, 04/05/2024 08:51

Bến Tre: Đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

PGS.TS Lâm Văn Tân

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre

Những năm gần đây, các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) tại Bến Tre được triển khai đồng bộ, có tính cấp thiết, ứng dụng cao phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, góp phần nâng cao vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Những kết quả nổi bật

Sở KH&CN đã tích cực tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, kế hoạch, giải pháp trọng tâm, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để KH&CN phát triển bền vững, góp phần xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển KT-XH tỉnh nhà, trong đó nền tảng là Đề án số 04-ĐA/TU ngày 29/01/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre về phát triển KH&CN tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

Ngành KH&CN Bến Tre đã triển khai khá tốt các nhiệm vụ KH&CN, nhất là hoạt động nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai thí điểm, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết của địa phương. Trong 03 năm qua, Sở KH&CN tham mưu quản lý, triển khai 122 nhiệm vụ KH&CN, gồm 08 nhiệm vụ cấp nhà nước, 108 nhiệm vụ cấp tỉnh, 06 nhiệm vụ cấp cơ sở và đã nghiệm thu 56 nhiệm vụ, trong đó có 02 nhiệm vụ được đánh giá đạt xuất sắc.

Hầu hết các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN được triển khai đã và đang ứng dụng vào thực tế, góp phần thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận những thành tựu KH&CN mới; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nhiều loại cây trồng, vật nuôi và các sản phẩm, hàng hóa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Thông qua việc đầu tư đổi mới công nghệ, đóng góp tích cực trong việc tiêu thụ nông thuỷ sản đầu ra, tiết kiệm tiêu hao nguyên nhiên liệu, giúp giảm chất thải, tìm kiếm nguồn năng lượng, vật liệu mới thay thế các nguồn lực truyền thống và không gây ô nhiễm môi trường. Kết quả thể hiện rõ nét ở một số lĩnh vực như:

Lĩnh vực khoa học nông nghiệp: Tập trung nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN để phát triển các cây, con chủ lực và có tiềm năng phát triển theo hướng bền vững thông qua tuyển chọn bộ giống có chất lượng, xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, liên kết trong sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm và có giá trị kinh tế cao, góp phần đa dạng đối tượng nuôi cho vùng nước mặn lợ, tận dụng tối đa tiềm năng mặt nước và phát triển nghề nuôi từ các ao nuôi tôm kém hiệu quả, hạn chế được rủi ro, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân trên diện tích đất canh tác. Nổi bật là kết quả nghiên cứu thành công quy trình nhân giống cua biển góp phần đảm bảo nguồn sản phẩm chất lượng mang chỉ dẫn địa lý Bến Tre; nghiên cứu quy trình thu giống tự nhiên, nuôi hàu thương phẩm tỷ suất lợi nhuận đạt 2,45 lần; các mô hình nuôi tôm càng xanh thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; nghiên cứu ứng dụng quy trình nuôi cá Hồng Mỹ thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp đạt 08 tấn/ha với sản phẩm khô một nắng đạt chứng nhận OCOP 4 sao; nghiên cứu đánh giá mức độ gây hại và đề xuất các giải pháp phòng trị của sâu ăn lá dừa theo hướng an toàn sinh học (thu thập 10 loài thiên địch tự nhiên), xây dựng mô hình phóng thích ong ký sinh và sử dụng các biện pháp tổng hợp, góp phần kiểm soát sâu đầu đen hạn chế diện tích lây lan mới và tăng dần diện tích vườn dừa phục hồi trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu xác định các tác nhân gây bệnh và xây dựng các biện pháp phòng trị bệnh tiêu chảy trên bò; hoàn thiện 02 quy trình nuôi gà Nòi thả vườn thương phẩm và sinh sản, được Chi cục Thú y đưa vào ứng dụng phục vụ công tác quản lý, góp phần hạn chế dịch bệnh trong chăn nuôi…

Đối với lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ: Tập trung triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm, hoàn thiện, chuyển giao công nghệ, các mô hình mới gắn với sản xuất trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến… tiêu biểu như nghiên cứu quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm từ bưởi da xanh tỉnh Bến Tre được doanh nghiệp ứng dụng, đăng ký sản phẩm OCOP và đang xây dựng nhà máy để đưa vào sản xuất quy mô lớn; quy trình sản xuất các sản phẩm thực phẩm từ tôm thẻ chân trắng như tôm khô ăn liền, tôm khô xẻ bướm, chà bông tôm, snack tôm, bột gia vị tôm đạt tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng chỉ tiêu vi sinh theo quy định của Bộ Y tế; ứng dụng các giải pháp KH&CN hỗ trợ đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký mã số, mã vạch; truy xuất nguồn gốc, hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa cho các cơ sở sản xuất thiết kế sản phẩm tham gia đăng ký Chương trình OCOP tỉnh; hỗ trợ hoàn thiện 30 hệ thống quản lý tiên tiến; 10 bảo hộ kiểu dáng công nghiệp bao bì; 30 bộ nhận diện sản phẩm; in ấn tem nhãn hỗ trợ sản xuất; xây dựng phần mềm tích hợp, cơ sở dữ liệu và bản đồ điện tử số hóa vùng trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Bến Tre phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành nông nghiệp tại địa chỉ httpt://caytrongbentre.vimap.vn; xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về quản lý hệ thống kinh doanh trong và ngoài khu/cụm công nghiệp, thực hiện số hóa, biên tập, nắn chỉnh tọa độ theo quy định, quy chuẩn về dữ liệu GIS.

Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thực hiện chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm cung cấp luận cứ khoa học phục vụ quá trình lãnh đạo và điều hành của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương. Kết quả nghiên cứu đánh giá thực trạng hoạt động cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy và đề xuất giải pháp thực hiện được Công an tỉnh đưa vào ứng dụng phục vụ công tác quản lý của ngành. Xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, hoạt động du lịch mang tính trải nghiệm sản xuất, chế biến, thưởng thức nông sản... Nghiên cứu thí điểm và đề xuất mô hình kiêm nhiệm hợp nhất bản mô tả công việc, khung năng lực tương ứng với 14 chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính tại 03 xã, 01 phường được Sở Nội vụ ứng dụng phục vụ công tác quản lý....

Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên: Chủ yếu tập trung vào điều tra cơ bản, cung cấp cơ sở dữ liệu quan trọng ban đầu về tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái của tỉnh, làm luận cứ khoa học cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển KT-XH, bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường. Các đề tài trong lĩnh vực này mặc dù khó đo đếm được hiệu quả cụ thể nhưng có ý nghĩa khoa học lâu dài, cung cấp số liệu phục vụ cho các nghiên cứu về sau. Nhất là cung cấp cơ sở khoa học, phương pháp luận cho việc đánh giá và quan trắc chất lượng môi trường thủy vực thuộc tỉnh Bến Tre thông qua quy trình quan trắc sinh học của các quần xã thủy sinh và loài chỉ thị, góp phần phục vụ công tác giám sát môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen của các loài quý hiếm, bảo tồn đất ngập nước và các nguồn lợi thủy sinh, thủy sản có giá trị. Đánh giá tổng thể tình hình sạt lở, bồi tụ bờ biển hiện trạng và dự báo diễn biến bờ biển trong điều kiện biến đổi khí hậu - nước biển dâng; xác định nguyên nhân, dự báo tình hình xâm nhập mặn vào đất và nước góp phần phục vụ công tác quản lý tài nguyên môi trưng trên địa bàn tỉnh.

Song song đó, công tác chuyển giao và ứng dụng KH&CN vào quản lý sản xuất, kinh doanh được chú trọng, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao đời sống, phát triển sản xuất, phục vụ tích cực cho phát triển KT-XH địa phương. Tập trung triển khai các đề tài, dự án phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực, tiềm năng; hoàn thiện, làm chủ quy trình công nghệ sản xuất và thương mại được các dòng sản phẩm chế biến khác nhau từ các loại nông sản.

Thay lời kết

Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định, hoạt động KH&CN của Bến Tre đã và đang phát huy tích cực vai trò và vị thế của mình, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp thiết thực cho các mục tiêu phát triển KT-XH tỉnh nhà.

Để có được kết quả đó, yêu cầu đặt ra là các nhiệm vụ KH&CN cần đi vào trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đối với mỗi nhiệm vụ triển khai phải luôn có địa chỉ ứng dụng, sản phẩm có tính thương mại và thực hiện theo chuỗi giá trị, tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp nâng cao tiềm lực KH&CN vào sản xuất và kinh doanh, tạo tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa Sở KH&CN với các cơ quan, ban, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học ngoài tỉnh trong quá trình nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ về kỹ thuật cần thực hiện đồng bộ, nhịp nhàng. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và đổi mới sáng tạo vào sản xuất phải giúp tạo ra nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh.

Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ hiệu quả, rõ nét mục tiêu phát triển KT-XH, mang lại những giá trị cao hơn nữa, Bến Tre cần tập trung một số định hướng cụ thể sau:

Một là, tích cực tham mưu đổi mới công tác quản lý hoạt động nghiên cứu KH&CN từ khâu đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ đến việc tuyển chọn, tổ chức thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, nghiệm thu; chuyển giao nhân rộng kết quả nhiệm vụ KH&CN vào sản xuất và đời sống.

Hai là, đa dạng hình thức thông tin, tuyên truyền kết quả nghiên cứu, ứng dụng của các nhiệm vụ KH&CN nhằm đưa thông tin nhanh và kịp thời đến cơ sở, doanh nghiệp và nhân dân; tạo sự lan tỏa tích cực hơn nữa về hiệu quả ứng dụng của các nhiệm vụ KH&CN sau khi được bàn giao ứng dụng.

Ba là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu triển khai trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo hướng trọng tâm, trọng điểm; chú trọng công tác xã hội hóa các hoạt động KH&CN, từng bước góp phần đưa tri thức khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đi vào cuộc sống. Chú trọng ứng dụng các mô hình, giải pháp đổi mới sáng tạo, công nghệ số và các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển KT-XH của tỉnh.

Bốn là, chú trọng triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ IoT, ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Năm là, phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp về tổ chức quản lý, quy hoạch vùng sản xuất; logictics, xúc tiến thương mại…; tiếp tục đổi mới công tác quản lý hoạt động nghiên cứu KH&CN, chuyển giao nhân rộng kết quả nhiệm vụ KH&CN vào sản xuất và đời sống, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thương mại hóa và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)