Thứ ba, 07/05/2024 18:49

Tình hình chiến sự năm 1953 đầu 1954 - Yếu tố quan trọng đưa tới cuộc đụng đầu lịch sử tại Điện Biên Phủ

TS Phạm Thị Vượng

Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Tới đầu năm 1954, quân và dân Việt Nam liên tiếp giành chiến thắng, khiến quân đội Pháp rơi vào thế bị động: thất bại của thực dân Pháp trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm (từ ngày 19/12/1946 đến 17/2/1947) tại Thủ đô Hà Nội; thất bại của thực dân Pháp trong trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947; chiến thắng to lớn của quân và dân Việt Nam trong chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950. Tới cuối năm 1953, cục diện chiến trường khiến thực dân Pháp phải thay đổi kế hoạch, lập ra Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ là trận quyết chiến cuối cùng của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Bối cảnh lịch sử dẫn đến cuộc đụng đầu tại Điện Biên Phủ

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (02/09/1945), thực dân Pháp tiến đánh Sài Gòn, ngày 23/09/1945, mưu đồ quay trở lại xâm lược Việt Nam, đồng thời xâm lược trở lại Lào và Campuchia. Trong tính toán của chính quyền thực dân Pháp, Việt Nam cũng như Đông Dương sẽ nhanh chóng bị “hạ gục” bởi lực lượng quân đội thiện chiến và tinh nhuệ, bởi vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại của Pháp. Pháp sẽ nhanh chóng giành và thiết lập được chính quyền cai trị tại Việt Nam và Đông Dương. Tuy nhiên, đến năm 1953, trải qua 8 năm kháng chiến, quân và dân Việt Nam ngày càng trưởng thành, càng đánh càng mạnh; từ thế bị động phòng ngự dần chuyển sang thế chủ động tiến công và phản công. Trong khi đó, quân Pháp càng đánh càng thua, vùng chiếm đóng của thực dân Pháp ngày càng bị thu hẹp, từ thế chủ động tiến công dần chuyển sang thế bị động phòng ngự. Tình hình chiến sự năm 1953, đầu năm 1954 buộc chính quyền thực dân Pháp phải lựa chọn Điện Biên Phủ, quân và dân Việt nam cũng quyết tâm chiến đấu để giữ lại cứ điểm quan trọng này.

Mở đầu là chiến thắng của quân và dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm trong lòng Thủ đô Hà Nội. Trước âm mưu và hành động gây chiến của thực dân Pháp tại Hà Nội, đêm ngày 19/12/1946, Trung ương Đảng phát động toàn quốc kháng chiến. Cuộc chiến đấu đã diễn ra trong 60 ngày đêm (từ ngày 19/12/1946 đến 17/2/1947) kìm chân địch trong lòng Thủ đô Hà Nội để cơ quan đầu não kháng chiến của ta rút lui an toàn về khu Việt Bắc. Đây là chiến thắng có ý chiến lược đầu tiên của quân và dân Việt Nam, quyết định đến sống còn của cách mạng, của chính quyền nhân dân. Về phía thực dân Pháp, thất bại này đã làm phá sản một bước chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp

Chiến thắng lớn của quân và dân Việt Nam trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947. Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp chủ động tiến công quy mô lớn lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não cách mạng và giành chiến thắng quyết định. Tuy nhiên, thực dân Pháp đã phải chấp nhận thất bại lớn đầu tiên. Với thất bại Việt Bắc Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp không những không tiêu diệt được cơ quan đầu não kháng chiến mà còn bị tiêu hao sinh lực địch rất lớn. Với việc thất bại ở chiến dịch Việt Bắc, âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp bị phá sản hoàn toàn, Pháp buộc phải chuyển sang chiến lược đánh lâu dài, thực hiện “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”. Về phía ta, căn cứ địa Việt Bắc vẫn được giữ vững, lực lượng cách mạng dần phát triển. Một mặt, chiến tranh du kích phát triển rộng khắp các địa phương sau lưng địch; mặt khác, bộ đội chủ lực ngày càng trưởng thành, chuyển từ đánh du kích lên đánh tập trung quy mô nhỏ trên chiến trường. Sau chiến thắng Việt Bắc Thu Đông năm 1947, cuộc chiến đấu của quân và dân Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, từ bị động phòng ngự sang thế chủ động tiến công.

Quân và dân Việt Nam tiếp tục giành chiến thắng trong chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950. Đây là chiến dịch đầu tiên mà quân và dân Việt Nam chủ động tấn công. Thời điểm này, được Mỹ giúp sức, thực dân Pháp tập trung lực lượng mở rộng chiếm đóng vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, ra sức phong tỏa biên giới nhằm ngăn chặn sự chi viện, bao vây, cô lập căn cứ địa Việt Bắc, chuẩn bị lực lượng tấn công Việt Bắc lần hai. Nhằm phá thế bao vây khu căn cứ Việt Bắc, năm 1950, quân và dân Việt Nam chủ động mở chiến dịch biên giới Thu Đông 1950. Kết quả, quân và dân Việt Nam đã giải phóng hoàn toàn khu vực biên giới, khoảng 4.000 km2 với 40 vạn dân, trong đó có 5 thị xã (Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Hoà Bình) và 13 thị trấn [1], từ thị xã Cao Bằng đến thị trấn Đình Lập (Lạng Sơn). Đây là một địa bàn chiến lược trọng yếu, tạo nên thế trận mới vững chắc; làm phá sản âm mưu “khóa chặt biên giới Việt - Trung” và chọc thủng “hành lang Đông - Tây” của thực dân Pháp. Tuyến biên giới phía Bắc dài 750 km được khai thông liên lạc. Căn cứ địa Việt Bắc không những được giữ vững, mà còn được củng cố, mở rộng, trở thành vùng tự do, an toàn. Chiến thắng Biên giới Thu Đông năm 1950 có ý nghĩa bản lề, quan trọng, tạo ra bước ngoặt cho cuộc chiến tranh, làm thay đổi cục diện chiến trường: Quân và dân Việt Nam bắt đầu giành thế chủ động trên chiến trường Bắc Bộ. Thế bị bao vây 4 phía của quân và dân Việt Nam đã được phá vỡ một mảng lớn.

Sau chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950, phát huy quyền chủ động chiến lược, quân và dân Việt Nam mở một loạt các chiến dịch lớn tấn công và phản công quân Pháp: Chiến dịch Trần Hưng Đạo (Chiến dịch Trung du), Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (Chiến dịch đường số 18), Chiến dịch Quang Trung (Hà Nam Ninh), Chiến dịch Lý Thường Kiệt (từ ngày 29/09 đến ngày 31/10), Chiến dịch Hòa Bình (Đông Xuân năm 1951-1952). Thắng lợi của các chiến dịch trên làm thay đổi cục diện trên chiến trường chính Bắc Bộ, buộc địch từ tiến công chuyển sang phòng ngự.

Về phía thực dân Pháp, đây là thất bại lớn của quân Pháp về cả quân sự và chính trị. Thực dân Pháp bị tổn thất rất lớn, bị loại ra khỏi vòng chiến đấu 8 tiểu đoàn Âu - Phi tinh nhuệ bậc nhất của quân đội Pháp và 2 tiểu đoàn quân đội tay sai; diệt và bắt gần 12.000 tên lính, thu hơn 3.000 tấn vũ khí và đồ dùng quân sự, 500 tấn đạn; hạ và bức rút 217 vị trí [1]; chiến dịch đã khai thông một đoạn biên giới dài, nối liền đường giao thông quốc tế giữa căn cứ địa Việt Bắc với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu; đồng thời nối liền Việt Bắc với Đồng bằng Bắc Bộ và Liên khu 4. Sau thất bại ở chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950, thực dân Pháp từ thế chủ động tiến công dần bị đẩy vào thế phòng ngự bị động.

Điện Biên Phủ là trận quyết chiến cuối cùng của quân và dân Việt Nam. Năm 1953, thực dân Pháp rơi vào tình thế nguy khốn ở chiến trường Đông Dương. Những chuỗi dài thất bại trên chiến trường buộc thực dân Pháp phải có những phương sách mới, cần thiết để cứu vãn tình thế. Giữa năm 1953, tướng Navarre thay cho tướng Raoul Salan làm Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Theo Kế hoạch Navarre, bước 1: Quân đội Pháp trong Thu Đông năm 1953 sẽ tiến hành phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, đến mùa Xuân năm 1954 sẽ tiến công chiến lược ở miền Nam; bước 2: vào mùa Thu năm 1954, quân Pháp sẽ chuyển lực lượng cơ động chiến lược ra Bắc Bộ thực hiện đòn tiến công chiến lược, giành thắng lợi quân sự, kết thúc chiến tranh. Navarre tập trung 44 tiểu đoàn ở Đồng bằng Bắc Bộ (chiếm trên 50% lực lượng cơ động toàn Đông Dương).

Đối phó với Kế hoạch Navarre, quân và dân Việt Nam chủ trương mở những cuộc tấn công vào các hướng địch tương đối yếu nhằm tiêu diệt một phần sinh lực, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó với ta; đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích sau lưng địch. Vào mùa khô năm 1953-1954, quân và dân Việt Nam mở các hướng tiến công tại Tây Bắc, Hạ Lào, Trung Lào, Thượng Lào và Tây Nguyên. Navarre buộc phải phân tán lực lượng cơ động đối phó với những cuộc tiến công của quân và dân Việt Nam. Tại Lai Châu, ngày 10/12/1953, quân ta tấn công và giải phóng thị xã Lai Châu, bao vây Điện Biên Phủ. Navarre buộc phải điều thêm quân ở Đồng bằng Bắc Bộ lên tăng cường cho Điện Biên Phủ, biến đây thành nơi tập trung quân thứ hai của Pháp. Tại Trung Lào, đầu tháng 12/1953, quân và dân Việt Nam phối hợp với bộ đội Pha-Thét Lào mở chiến dịch Trung Lào, uy hiếp mạnh Sê-nô, buộc Navarre phải điều 2 binh đoàn cơ động và một số đại đội lẻ sang tăng cường cho Sê-nô, biến đây thành nơi tập trung quân lớn thứ ba của Pháp. Tại Tây Nguyên, tháng 01/1954, quân và dân Việt Nam mở chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng Kon Tum và uy hiếp Pleiku, Navarre phải điều lực lượng ở Nam bộ và Bình Trị Thiên lên tăng cường cho Tây Nguyên, biến An Khê và Pleiku thành nơi tập trung quân lớn thứ tư của Pháp. Tại Thượng Lào, cuối tháng 01/1954, quân và dân Việt Nam tiến quân sang thượng Lào, phối hợp với Pha-Thét Lào tấn công và uy hiếp Luông-pha-băng, Navarre phải tăng quân cho Luông-pha-băng, biến căn cứ này trở thành nơi tập trung quân lớn thứ năm của Pháp. Đến đầu năm 1954, lực lượng của Pháp bị phân tán trên khắp chiến trường Đông Dương.

Vậy là, thay vì tập trung lực lượng lớn quân cơ động để đến Thu Đông năm 1954 tiến công chiến lược đánh phủ đầu Bắc Bộ, nhanh chóng kết thúc chiến tranh trong thế thắng, thì đến đầu năm 1954, lực lượng của Pháp bị phân tán trên khắp chiến trường Đông Dương. Đồng thời, với 5 đòn phản công trên, quân và dân Việt Nam tiến công ở chiến trường trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ. Kế hoạch Navarre bước đầu đã bị thất bại.

Vào thời điểm đó, Chính quyền thực dân Pháp rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài. Chính phủ của Thủ tướng Rene Mayer sau 4 tháng cầm quyền và tiếp tục chiến tranh xâm lược Đông Dương theo đường lối của các Thủ tướng trước đó không làm thay đổi được tình hình của quân Pháp ở Đông Dương. Ngày 21/05/1953, Thủ tướng Rene Mayer buộc phải từ chức do không giải quyết được những khó khăn nghiêm trọng về chính trị và tài chính. Nội bộ thực dân Pháp chia rẽ, mâu thuẫn giữa phái chủ hòa và chủ chiến. Trong hàng ngũ lính Pháp và Phi, tinh thần chán ghét chiến tranh ngày càng phát triển. Do tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh, Chính phủ Pháp ngày càng vấp phải sự phản đối của nhân dân tiến bộ trên thế giới, cũng như của chính nhân dân yêu chuộng hòa bình ở nước Pháp. Ngay trong lòng nước Pháp, hàng loạt cuộc đấu tranh diễn ra để phản đối chiến tranh ở Đông Dương.

8 năm tham chiến tại Đông Dương, chính quyền thực dân Pháp bị thiệt hại rất lớn về người và của1. Chính quyền thực dân Pháp ngày càng gặp khó khăn lớn về tài chính. Vì vậy, thực dân Pháp buộc phải nhận sự viện trợ của đế quốc Mỹ, đồng nghĩa với việc chấp nhận phụ thuộc vào Mỹ. Viện trợ của Mỹ cho Pháp ở Đông Dương ngày càng tăng, năm 1951 là 12% ngân sách chiến tranh của Pháp ở Đông Dương, năm 1952 là 16% ngân sách chiến tranh của Pháp ở Đông Dương (200 tỷ phơ-răng), đến năm 1953 chiếm đến 46% ngân sách chiến tranh của Pháp ở Đông Dương (170 tỷ phơ-răng). Trung bình mỗi ngày, hàng viện trợ của Mỹ được chở tới Đông Dương từ 20.000 đến 40.000 tấn các loại [2, 3]. Càng tăng viện trợ, Mỹ càng can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương, Pháp càng trở nên lệ thuộc. Mỹ tăng viện trợ cho Pháp nhằm ép Pháp phải kéo dài và mở rộng chiến tranh, tích cực chuẩn bị thay thế Pháp. Được sự đồng ý của Mỹ, Pháp đưa tướng Navarre sang Đông Dương. Thực chất Kế hoạch Navarre là âm mưu của cả Mỹ và Pháp.

Như vậy, đến cuối năm 1953, đầu năm 1954, kế hoạch tập trung lực lượng cơ động đến Thu Đông 1954 tiến công Bắc Bộ đánh đòn quyết định của Navarre bị thất bại hoàn toàn. Thị xã Lai Châu quay trở lại sự kiểm soát của quân và dân Việt Nam. Để giữ vững Tây Bắc và bảo vệ được Thượng Lào, Navarre buộc phải chọn cứ điểm Điện Biên Phủ làm trận quyết chiến với quân và dân Việt Nam. Tại thời điểm đó, Navarre chỉ có thể dùng Điện Biên Phủ nhằm lật ngược thế cờ đang trên đà thua trận. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được thực dân Pháp xây dựng trong tình thế như vậy.

Bài học rút ra

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được xây dựng sau những chuỗi thất bại của thực dân Pháp. Trong những trận đánh và chiến dịch lớn, thực dân Pháp không giành được thắng lợi quyết định. Từ thế chủ động tiến công, thực dân Pháp dần chuyển sang thế bị động phòng ngự. Nhất là cuối năm 1953, đầu năm 1954, Kế hoạch Navarre bước đầu bị thất bại hoàn toàn. Thực dân Pháp đang đứng trước nguy cơ bị thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

Trong khi đó, lực lượng cách mạng Việt Nam ngày càng trưởng thành lớn mạnh, từ thế bị động phòng ngự chuyển sang chủ động tiến công; từ đánh du kích tiến lên đánh tập trung quy mô nhỏ, tiếp đến là mở các phản công quy mô lớn làm cho quân Pháp trở tay không kịp. Đến đầu năm 1954, quân và dân Việt Nam hoàn toàn giành thế chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ.

Điện Biên Phủ không nằm trong Kế hoạch Navarre. Theo kế hoạch, Navarre chuẩn bị lực lượng từ năm 1953 đến đầu năm 1954, sau đó tập trung lực lượng cơ động mạnh tiến công chiến lược Bắc Bộ vào Thu Đông năm 1954 nhằm kết thúc chiến tranh trong thế thắng. Những cuộc phản công và chiến thắng của quân và dân Việt Nam cuối năm 1953 đầu năm 1954 buộc Navarre phải phân tán lực lượng ra khắp các chiến trường để giữ vùng chiếm đóng. Sau khi phát hiện ra quân đội Việt Nam hành quân lên Tây Bắc, ngày 20/11/1953, Navarre vội vã điều 6 tiểu đoàn tinh nhuệ nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ để giữ địa bàn Tây Bắc và bảo vệ thượng Lào. Sau khi phân tích tình hình, Navarre quyết định xây dựng Điện Biên Phủ trở thành cứ điểm. Đến tháng 12/1953, Navarre tập trung 12 tiểu đoàn tại Điện Biên Phủ, hình thành một hệ thống tập đoàn cứ điểm lớn tại núi rừng Tây Bắc. Đến tháng 03/1954, Điện Biên Phủ trở thành căn cứ quân sự lớn nhất Đông Dương với lực lượng lúc cao nhất lên đến 16.200 quân, được bố trí thành một hệ thống phòng thủ chặt chẽ gồm 49 cứ điểm, chia thành 3 phân khu với các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại. Điện Biên Phủ được ví như “con nhím khổng lồ”, “pháo đài bất khả xâm phạm”, “máy nghiền thịt”.

Rõ ràng, lựa chọn Điện Biên Phủ là trận đánh quyết định không phải là kế hoạch ban đầu của cả chính quyền thực dân Pháp cũng như của Navarre. Điện Biên Phủ là “kế hoạch phát sinh”2 của Navarre và Pháp. Từ chỗ không có trong kế hoạch, Điện Biên Phủ đã trở thành trung tâm của kế hoạch Navarre.

Điện Biên Phủ được xây dựng trên thế bị động của thực dân Pháp. Đến cuối năm 1953, sau những thất bại liên tiếp, thực dân Pháp không thể xây dựng căn cứ, tập trung quân cơ động mạnh ở vùng đồng bằng như Kế hoạch Navarre đề ra. Hơn nữa, sau khi quân và dân Việt Nam tiến quân lên Tây Bắc, giải phóng thị xã Lai Châu, thực dân Pháp buộc phải tập trung quân lên Điện Biên Phủ để giữ vững vùng đất Tây Bắc và thượng Lào đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nếu Tây Bắc và thượng Lào rơi vào tay  lực lượng cách mạng thì Pháp sẽ gặp rất nhiều bất lợi trong cuộc chiến ở Đông Dương. Thấy được tầm quan trọng của Điện Biên Phủ, vừa có giá trị phòng thủ, vừa có giá trị tấn công, vừa là chìa khóa để bảo vệ vùng đất Tây Bắc và khu vực thượng Lào, Navarre phải thay đổi kế hoạch, chuyển hướng tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành cứ điểm quân sự để quyết chiến với quân đội Việt Nam với hy vọng lật ngược thế cờ đang trên đà thua trận. Thực tế thì Navarre đã bị cuốn theo các hoạt động trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954 của quân và dân Việt Nam.

Về phía Việt Nam, sau khi biết Navarre tập trung xây dựng Điện Biên Phủ trở thành một cứ điểm quân sự lớn, hiện đại, Bộ Chính trị cũng quyết định lựa chọn Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược. Đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị hạ quyết tâm tập trung lực lượng mở chiến dịch tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Điều này không phải sự lựa chọn một cách ngẫu nhiên, mà là kết quả của cả một quá trình phân tích, họp bàn kỹ lưỡng của Bộ Chính trị. Trong khi Navarre bị cuốn theo các hoạt động phân tán quân của quân và dân Việt Nam trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954, thì đối với Việt Nam, trận đối đầu tại Điện Biên Phủ xảy không không bất ngờ, mà nằm trong dự tính của quân đội nhân dân Việt Nam khi quân và dân Việt Nam mở các hướng tiến công tại Lai Châu, Hạ Lào, Trung Lào và Thượng Lào. Về phía Việt Nam, Điện Biên Phủ có thời gian chuẩn bị tương đối dài (từ tháng 12/1953 đến đầu tháng 05/1954), từ việc điều động lực lượng ở các mặt trận, vận tải lương thực, đạn dược, kéo pháo ra, kéo pháo vào…

Như vậy, từ tình hình chiến sự căng thẳng tại Đông Dương năm 1953 - đầu năm 1954 đã đưa tới cuộc đụng đầu lịch sử và quyết định tại Điện Biên Phủ. Cuộc đụng đầu lịch sử tại Điện Biên Phủ đã được dự báo trước sự thất bại của thực dân Pháp và chiến thắng của quân và dân Việt Nam.

 

1Đến năm 1953, Pháp bị loại khỏi vòng chiến đấu hơn 39 vạn quân, tiêu tốn hơn 2.000 tỉ phơ-răng.

2Cụm từ do tác giả dùng, ý chỉ đây là tình huống phát sinh không nằm tong tính toán ban đầu của Kế hoạch Navarre.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đinh Thu Cúc (Chủ biên), Đỗ Nguyệt Quang, Đinh Quang Hải (2017), Lịch sử Việt Nam, tập 10, từ năm 1945 đến năm 1950 (Tái bản lần thứ nhất có bổ sung, sửa chữa), Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.592 và 591.

[2] Nguyễn Văn Nhật (chủ biên), Đỗ Nguyệt Quang, Đinh Quang Hải (2017), Lịch sử Việt Nam, tập 11, từ năm 1951 đến năm 1954 (Tái bản lần thứ nhất có bổ sung, sửa chữa), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.356 và 365.

[3] Đại tướng Võ Nguyên Giáp (2018), Điện Biên Phủ (Xuất bản lần thứ tám), NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội, tr.42.

 

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)