Khai thác hiệu quả tài nguyên di sản, văn hoá
Thừa Thiên Huế là vùng đất có bề dày văn hóa, chiều sâu lịch sử, sở hữu 7 di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO công nhận. Nơi đây còn được mệnh danh là kinh đô ẩm thực của Việt Nam với hơn 1.300 món ăn; hội tụ nhiều nghệ nhân, tinh hoa văn hóa với 86 làng nghề thủ công truyền thống, hàng trăm ngôi chùa cổ, làng cổ, nhà rường, nhà vườn đi kèm với cốt cách con người và văn hóa đặc trưng.
Với nền tảng vốn quý đó, những năm qua, Thừa Thiên Huế luôn ý thức sâu sắc trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, luôn xem văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững. Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án cụ thể trong từng giai đoạn, trong đó, xác định văn hóa và con người xứ Huế là nguồn sức mạnh nội sinh, là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình khẳng định, tỉnh đang nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và toàn diện những quan điểm chỉ đạo, những nhiệm vụ và giải pháp mà văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, kiên trì mục tiêu phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, con người.
Để phát huy những giá trị TSTT vô giá, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển TSTT, đồng thời đẩy mạnh phát triển giá trị TSTT trên địa bàn tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Thừa Thiên Huế đã nghiên cứu, tham mưu Tỉnh uỷ, HĐND, UBND ban hành các văn bản liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động phát triển TSTT, hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ cho cộng đồng các tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Sở cũng đã tham mưu triển khai nhiều chương trình, hội thảo, tập huấn góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy hoạt động SHTT tại tỉnh Thừa Thiên Huế một cách sâu rộng và toàn diện, từng bước hình thành văn hoá tôn trọng quyền SHTT trong cộng đồng.
Một số thương hiệu mang đậm bản sắc văn hóa Huế là sản phẩm của các đề tài/dự án khoa học và công nghệ.
Song song đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh thực hiện các dự án KH&CN cấp quốc gia và cấp tỉnh về xác lập, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực, các làng nghề, điểm du lịch của tỉnh. Thông qua các dự án KH&CN, một số thương hiệu mạnh đã hình thành như Hoàng mai Huế; Thanh trà Huế; Dầu tràm Huế; Áo dài Huế; Sen Huế, Festival Làng nghề truyền thống Huế; Thủ công mỹ nghệ Huế…, tạo điều kiện phát triển cho các tổ chức và cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; góp phần nâng cao chất lượng, bảo vệ danh tiếng cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch của địa phương, từng bước tạo dựng thương hiệu du lịch Huế trên bản đồ trong nước và quốc tế.
Thừa Thiên Huế được tôn vinh là thành phố của lễ hội (thành phố Festival) của Việt Nam với hơn 500 lễ hội.
Mặc dù đã đạt được những bước phát triển đáng ghi nhận, song so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, việc tạo lập, quản lý và khai thác, phát triển các nhãn hiệu cộng đồng mang thương hiệu Huế vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế bởi các nguyên nhân:
Một là, một số tổ chức là chủ sở hữu, chủ thể quản lý và khai thác các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể vẫn chưa quan tâm, đầu tư để phát triển các thương hiệu đã xây dựng được, chưa ban hành đầy đủ các văn bản quản lý, khai thác sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ; chưa nhận thức được vai trò, lợi ích, tầm quan trọng của việc sử dụng và khai thác các nhãn hiệu.
Hai là, mô hình quản lý và hệ thống kiểm soát chưa thống nhất. Hoạt động tổ chức áp dụng các công cụ quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể chưa được thực hiện, hoặc thực hiện không thường xuyên. Trên thực tế, các hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp vẫn chưa được xử lý kịp thời, gây mất uy tín cho sản phẩm của các chủ thể đã được trao quyền sử dụng nhãn hiệu.
Ba là, chưa có các giải pháp đồng bộ để quy hoạch vùng nguyên liệu, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu một cách bền vững để tăng khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bốn là, vấn đề mở rộng thị trường cho các sản phẩm đã được bảo hộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc liên kết các sản phẩm gắn với các điểm đến du lịch vẫn còn rời rạc, đơn lẻ, chưa tạo thành chuỗi liên kết; hoạt động phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa có tính đột phá, thiếu chiều sâu.
Năm là, nhiều tổ chức, cá nhân chưa chủ động ứng dụng KH&CN để phát triển sản xuất, chưa đầu tư các trang thiết bị, chuẩn hóa quy trình sản xuất và thương mại sản phẩm ra thị trường…
Sở hữu trí tuệ gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học
Nhằm khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên bản địa, giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn gắn quyền SHTT với các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học thông qua việc tổ chức thường niên các cuộc thi về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Giải thưởng Cố đô về KH&CN; Giải thưởng sáng tạo nữ Cố đô Huế… nhằm khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà khoa học đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ trên địa bàn. Thông qua các hoạt động này, nhiều cá nhân, nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu đã được phát hiện, từ đó phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Huế.
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của SHTT trong cuộc sống, là động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều văn bản nhằm thúc đẩy hoạt động quản lý SHTT trên địa bàn tỉnh như: Quyết định số 2898/QĐ-UBND ngày 16/11/2020 của UBND tỉnh về phê duyệt Chương trình phát triển TSTT tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021-2025, trong đó có mục tiêu xây dựng và phát triển một số thương hiệu mạnh, thương hiệu đặc sản của tỉnh nhằm nâng cao vị thế và sức cạnh tranh cho các sản phẩm của tỉnh nhà. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết 22/2020 NQ-HĐND ngày 13/12/2020 về Quy định một số chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển TSTT trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021-2030; và nhiều chương trình, đề án quan trọng khác.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy mạnh việc xác lập, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Nhìn chung, hoạt động tạo lập, bảo hộ xây dựng các nhãn hiệu cộng đồng đã được quan tâm, tuy nhiên việc quản lý, khai thác và phát triển các nhãn hiệu chưa thực sự tương xứng so với tiềm năng của tỉnh Thừa Thiên Huế. Do đó, trong thời gian tới, địa phương cần tăng cường thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, đề ra các chiến lược phát triển bền vững, để dẫn dắt và định vị hướng đi đúng trong việc tạo lập, bảo hộ và phát huy tốt các giá trị TSTT gắn với bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch; tăng cường lồng ghép chính sách, giải pháp thúc đẩy sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT trong các chiến lược, chính sách phát triển KH&CN, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và các ngành, lĩnh vực; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, xác định và ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển một số sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với bản sắc văn hóa Huế, các sản phẩm chủ lực có tiềm năng xuất khẩu để hình thành và xây dựng một số thương hiệu mạnh cho tỉnh; tăng cường công tác quản lý nhà nước về SHTT, thiết lập cơ chế khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia đóng góp sáng kiến, thiết kế và xây dựng được các sản phẩm du lịch, độc đáo và đa dạng dựa trên các giá trị văn hóa, bản sắc Cố đô Huế; nghiên cứu các cơ chế phân chia lợi ích hợp lý giữa các nhóm chủ thể liên quan trong thương mại hóa các quyền sở hữu, sử dụng và hưởng lợi đối với TSTT cũng như các quy chế trong quản lý, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu trên thị trường.
Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện các dự án nghiên cứu KH&CN trong xây dựng các quy chuẩn chất lượng gắn với phát triển các thương hiệu hiệu đặc sản; các dự án hỗ trợ phục hồi, phục tráng, chọn lọc các giống cây bản địa, vật nuôi đặc thù. Tăng cường đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN để tạo ra các sáng chế, giải pháp hữu ích, các công nghệ lõi, quy trình sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế giúp tạo ra và bồi tụ thêm giá trị TSTT; các công nghệ kiểm soát các hành vi xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt là xâm phạm quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số. Hỗ trợ thực hiện các dự án KH&CN đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể ra nước ngoài.
Thứ ba, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước tham gia vào hoạt động SHTT. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ quyền SHTT. Xây dựng một số cơ sở đào tạo chuyên sâu về SHTT gắn với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phù hợp cho từng nhóm đối tượng cụ thể nhằm nâng cao nhận thức về SHTT, khuyến khích đổi mới sáng tạo; xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT, hình thành văn hóa SHTT trong xã hội. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn đối thoại, chia sẻ các kinh nghiệm quản lý, phát triển TSTT; nâng cao khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa công nghệ truyền thống trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ tư, xây dựng và hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ ổn định cho sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT; hình thành và phát triển mạng lưới, mô hình trung tâm chuyển giao công nghệ và SHTT tại các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy việc tạo ra và khai thác TSTT; xây dựng mô hình kinh doanh kết hợp với du lịch tham quan trải nghiệm các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; xây dựng các hệ thống phân phối, bán hàng cung cấp các sản phẩm đặc sản địa phương mang nhãn hiệu cộng đồng trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng truyền thông xã hội; tăng cường hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tham gia trưng bày, triển lãm giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện, lễ hội, các phiên chợ đặc sản trong và ngoài nước.
Thứ năm, tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về SHTT, học hỏi các kinh nghiệm, mô hình mới của các quốc gia có hệ thống SHTT phát triển; thiết lập cơ chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy hợp tác, thu hút các chuyên gia giỏi, các công nghệ mới về Huế, phục vụ quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Cuối cùng, phát huy vai trò của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân, chủ sở hữu nhãn hiệu về xây dựng văn hóa SHTT. Mỗi người dân đều phải hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc khôi phục, gìn giữ và bồi tụ thêm giá trị TSTT, tài nguyên bản địa tại địa phương. Tập trung nâng cao chất lượng, quy trình sản xuất, cải tiến mẫu mã sản phẩm, đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời trao quyền cho cộng đồng khai thác và phát huy tốt những giá trị TSTT gắn với bản sắc, văn hóa vùng đất Cố đô Huế để phát triển kinh tế bền vững.