Thứ năm, 30/05/2024 11:00

Tăng tốc đào tạo nhân lực và mở rộng hợp tác công nghiệp bán dẫn

Trong khuôn khổ diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024 (Vietnam - Asia DX Summit 2024) do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức, ngày 29/05/2024, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn”.

Quang cảnh tại Hội thảo.

Theo ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, thị trường bán dẫn toàn cầu với những cơ hội to lớn và truyền cảm hứng đối với các doanh nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia vào hệ sinh thái công nghệ bán dẫn. 25 năm trước đây, Việt Nam bắt đầu gia nhập lĩnh vực phần mềm công nghệ thông tin từ con số 0. Nhưng hiện tại, với công nghiệp bán dẫn, Việt Nam chắc chắn không bắt đầu với con số 0, bởi hiện tại, chúng ta đang có nhiều lợi thế trong lĩnh vực công nghệ “vừa mềm, vừa cứng” sẽ thay đổi cả tương lai của thế giới.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Hiện nay, số lượng chip bán dẫn tăng gấp đôi sau mỗi 2 năm và dữ liệu của thế giới sẽ tăng gấp đôi sau mỗi năm. Trong thế giới công nghệ toàn cầu, đang diễn ra “cuộc chiến bán dẫn” bởi đây là công nghệ sẽ làm chủ tương lai. Ấn Độ đang là quốc gia đứng đầu về sở hữu lượng kỹ sư thiết kế chip bán dẫn, nhưng 70% chip trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc. Với sức nóng của hệ sinh thái sản phẩm bán dẫn, các quốc gia trên thế giới đều đầu tư vào bán dẫn với nhiều tham vọng, ông Trương Gia Bình nói.

Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên thế giới, thị trường chip đang giữ tốc độ tăng trưởng cao (hằng năm đạt 14% trong suốt 20 năm qua) và có tiềm năng trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Dự báo nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực bán dẫn sẽ liên tục tăng cao, trong đó những quốc gia lớn trong lĩnh vực bán dẫn như Trung Quốc ước tính đến năm 2030 cần đến 400.000 nhân sự, Mỹ cần 67.000 nhân sự, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… cũng có cạnh tranh cao về nhân sự bán dẫn. Theo bà Quyên, trong bối cảnh cuộc đua bán dẫn toàn cầu đang nóng dần, các tập đoàn chip hàng đầu thế giới đang gia nhập vào thị trường Việt Nam, đem đến nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam đặc biệt trong việc đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, để giải quyết vấn đề nhân lực bán dẫn, Việt Nam không chỉ đầu tư cho đào tạo mà còn cần thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam để phát triển thị trường bán dẫn trong nước. Bởi lẽ, dù có nhiều lợi thế trong công nghệ bán dẫn, nhưng tỷ trọng đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực này với toàn cầu là không đáng kể.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa nhấn mạnh, thúc đẩy hình thành một hệ sinh thái hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất chip sẽ giúp Việt Nam tăng tính thu hút với các tập đoàn sản xuất chip lớn, đưa Việt Nam thành một quốc gia có nhiều hoạt động sản xuất chip bán dẫn hơn. Việt Nam gần đây được xem là nơi hội tụ thiên thời - địa lợi - nhân hoà với nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam cần giải quyết những thiếu hụt về cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp bán dẫn, tăng tốc đào tạo nhân sự và mở rộng hơn nữa các cơ hội hợp tác, đầu tư phát triển trong hệ sinh thái công nghệ bán dẫn.

PT

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)