Thứ sáu, 10/05/2019 17:56

Sóc Trăng: Đẩy mạnh ứng dụng và nhân rộng kết quả của các đề tài/dự án KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

Vũ Thị Hiếu Đông

 

Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng

 

Trong những năm qua, việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN), ứng dụng nhân rộng kết quả nghiên cứu, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt về kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, trước tác động của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, việc ứng dụng các giải pháp KH&CN nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương là nông nghiệp và thủy sản là hai vấn đề tỉnh cần đặc biệt quan tâm.

Những kết quả nổi bật

Về lúa đặc sản

Những năm gần đây, Sóc Trăng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, chỉ thị phân tử, phương pháp PCR... để chọn tạo các dòng/giống lúa có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh; trong đó các giống lúa ST 3, ST đỏ, ST 5 và ST 20 đã được công nhận là giống quốc gia. Ngành nông ngiệp và phát triển nông thôn Sóc Trăng đã tiến hành khảo nghiệm sản xuất 6 dòng lúa và đã chọn tạo ra được một số giống lúa LP, trong đó giống LP16 đạt giải Ba trong Hội thi “Gạo ngon - Lúa thơm” được tổ chức trong khuôn khổ các sự kiện tại Lễ hội Oóc - Om - Bóc năm 2016. Đặc biệt, giống lúa ST 24 đã đạt giải Nhất tại Hội thi “Gạo ngon - Lúa thơm” trong khuôn khổ các sự kiện tại Lễ hội Oóc - Om - Bóc năm 2017. Tiếp đó, tại Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo tổ chức tại Ma Cau (Trung Quốc), gạo ST 24 đã được vinh danh “Top 3 gạo ngon nhất thế giới” năm 2017. Hiện nay, Sóc Trăng đang sử dụng phương pháp lai hồi giao cải tiến, phương pháp PCR… để lai tạo các giống lúa thơm có đặc điểm nông sinh học khác nhau, chịu được các điều kiện bất lợi của môi trường nhằm phục vụ các vùng trồng lúa thơm của tỉnh.

Nhằm nâng cao trình độ tổ chức sản xuất cho nông dân trong sản xuất lúa đặc sản, nâng cao chất lượng và vị thế cạnh tranh của hạt lúa trên thị trường, đồng thời làm cơ sở kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ lúa gạo…, tỉnh đã xây dựng mô hình ứng dụng KH&CN sản xuất và tiêu thụ lúa đặc sản cao cấp ST 19 và ST 20 tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng với quy mô 100 ha/vụ. Sau đó, mô hình sản xuất lúa ST 20 đã được duy trì và nhân rộng cho một số vùng trồng lúa ở thị xã Ngã Năm; các huyện Châu Thành, Mỹ Tú, Thạnh Trị. Đến vụ mùa năm 2017 và vụ đông xuân 2017-2018, tỉnh đã gieo trồng 1.983 ha lúa ST 20. Qua việc xây dựng mô hình đã giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và tăng hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh giống lúa đặc sản ST, tỉnh đã xây dựng và phát triển thành công nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị” - một giống đặc sản có giá trị kinh tế cao của huyện Thạnh Trị. Đây là cơ sở quan trọng bước đầu để từ một nhãn hiệu được bảo hộ, phát triển thành thương hiệu lúa gạo mạnh, là tiền đề tham gia vào chuỗi ngành hàng lúa gạo Việt Nam với mong muốn góp phần để thương hiệu lúa gạo Việt Nam được định hình trong nước và trên thế giới.

Về các loại rau màu

Là địa phương có thế mạnh trong việc canh tác và sản xuất các loại rau màu đặc sản, thời gian qua tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư cho việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các quy trình công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các mặt hàng này, điển hình như cây hành tím ở thị xã Vĩnh Châu. Năm 2009, “Hành tím Vĩnh Châu” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể; đến năm 2013, thị xã Vĩnh Châu đã nhân rộng mô hình trồng hành tím đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích sản xuất 1.834,65 ha. Để nâng cao chuỗi giá trị hành tím, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện một số nghiên cứu có liên quan nhằm tạo lập thương hiệu và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hành tím Vĩnh Châu - một đặc sản chỉ có ở Sóc Trăng. Bên cạnh đó, để nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng, giá trị của hành tím, tỉnh cũng đã tiến hành nghiên cứu về bệnh gây thối củ hành tím và biện pháp sinh học phòng trị bệnh; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa học, phương pháp sấy thăng hoa... để chế biến một số sản phẩm từ hành tím, góp phần nâng cao chuỗi giá trị gia tăng cho sản phẩm này.

Ngoài ra, để phát triển các sản phẩm rau màu đặc trưng khác, tỉnh đang đầu tư xây dựng các mô hình nhà lưới, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, các quy trình sản xuất tiên tiến... vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của các loại rau, quả đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, điển hình như mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng kết hợp với tưới nhỏ giọt tại huyện Châu Thành và Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN tỉnh Sóc Trăng; mô hình trồng màu áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt tại huyện Châu Thành; mô hình tưới tiết kiệm trên cây hẹ quy mô nông hộ ở huyện Mỹ Xuyên; mô hình trồng ớt phủ bạt trong nhà lưới tại huyện Long Phú... Bên cạnh việc ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, tỉnh đã kết hợp với hệ thống điều khiển tự động, thiết bị giám sát nhiệt độ, độ ẩm qua internet để xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.

Từ kết quả của dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hoàn thiện quy trình kỹ thuật trổng bưởi Năm Roi giai đoạn trưởng thành tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng”, tỉnh đã xây dựng được quy trình trồng bưởi Năm Roi giai đoạn trưởng thành. Hiện nay, quy trình này đang được nhiều nông dân áp dụng vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất và chất lượng quả bưởi. Đồng thời, tỉnh đã điều tra tình hình phân bố và gây hại của sâu đục trái trên cây bưởi ở huyện Kế Sách; xác định diễn biến sự gây hại của sâu đục trái trên cây bưởi, đánh giá hiệu lực của các loại nông dược đối với sâu đục trái... để xây dựng quy trình phòng trừ. Từ quy trình này, các nhà vườn đã chủ động áp dụng biện pháp phòng trừ sâu đục trái trên cây bưởi, phun thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, giúp giảm được 50% số lần phun thuốc so với trước đây.

Về thủy sản

Tỉnh Sóc Trăng là vùng nuôi tôm nước lợ đứng đầu cả nước, với sản lượng tôm chế biến xuất khẩu chiếm 20% giá trị xuất khẩu tôm của cả nước. Đạt được thành tựu đó, ngành KH&CN đã có những đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng các quy trình nuôi tôm thâm canh, thuần dưỡng và sản xuất giống tôm sú; không ngừng đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng các công nghệ IoT vào sản xuất,  như lắp đặt thí điểm hệ thống quan sát nồng độ oxy hòa tan (E-Aqua) cho ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại Hợp tác xã Hưng Phú, huyện Cù Lao Dung; triển khai việc ứng dụng công nghệ điện tử, thông tin để quản lý một số chỉ số môi trường trong ao nuôi tôm nước lợ. Với việc ứng dụng các công nghệ mới đã giúp cho người nuôi tôm kiểm soát được lượng thức ăn, chế độ quạt nước, các chỉ tiêu môi trường ao nuôi tôm, hạn chế được dịch bệnh trên tôm nuôi. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục thực hiện dự án Xây dựng mô hình tự động quản lý môi trường nước trong ao nuôi tôm tại Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản ở thị xã Vĩnh Châu, góp phần nâng cao hiệu quả cho người nuôi tôm.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh đã và đang áp dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất, như ứng dụng công nghệ nuôi tôm trong nhà kính, công nghệ Biofloc, công nghệ nuôi tôm hai giai đoạn, nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP... nhằm kiểm soát dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Hướng tới mô hình nuôi Artemia đạt năng suất ổn định và bền vững, tỉnh đã xây dựng và áp dụng quy trình nuôi Artemia thâm canh với quy mô 2,8 ha, năng suất bình quân đạt 151,8 kg trứng bào xác Artemia tươi/ha/vụ tại thị xã Vĩnh Châu. Sau khi nhãn hiệu “Artemia Vĩnh Châu” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu đã đầu tư mở rộng công suất chế biến và từ năm 2014 đến nay đã sấy được 7,5 tấn trứng bào xác Artemia khô (tương đương 30 tấn trứng bào xác Artemia tươi). Thị trường tiêu thụ trứng bào xác Artemia Vĩnh Châu đã được mở rộng không chỉ trong nước mà xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... với sản lượng tiêu thụ trứng bào xác bình quân từ 3.000-4.000 kg trứng bào xác Artemia khô/năm... Với mục tiêu phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù mang địa danh của từng địa phương, Bộ KH&CN đã ra quyết định phê duyệt triển khai dự án Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm Artemia. Diều kiện tự nhiên của thị xã Vĩnh Châu rất phù hợp để sản xuất Artemia và tạo ra sản phẩm có những đặc trưng riêng, đáp ứng yêu cầu để xây dựng chỉ dẫn địa lý, giúp nâng cao giá trị của sản phẩm.

Giải pháp phát triển trong thời gian tới

Để đẩy mạnh việc ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống, các giải pháp chủ đạo trong thời gian tới mà ngành KH&CN tỉnh Sóc Trăng cần phải đẩy mạnh bao gồm:

Một là, xác định các đề tài/dự án theo hướng giải quyết các nhu cầu cấp thiết của tỉnh, phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương; tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN nhằm hình thành vùng sản xuất sản xuất/hàng hóa tập trung, tạo sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm/hàng hóa theo chuỗi từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế/chế biến cho đến tiêu thụ.

Hai là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về kết quả thực hiện các đề tài/dự án, các thông tin về những thành tựu KH&CN, những mô hình ứng dụng KH&CN có hiệu quả trong sản xuất để phổ biến đến các tổ chức, cá nhân. Đối với các đề tài/dự án được đánh giá, nghiệm thu đạt yêu cầu, cần kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh có kế hoạch chuyển giao kết quả cho các đơn vị có liên quan để ứng dụng, nhân rộng vào sản xuất và đời sống.

Ba là, có cơ chế phù hợp nhằm hỗ trợ cho các đơn vị trong việc ứng dụng, nhân rộng kết quả của các đề tài/dự án; xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm/hàng hóa đảm bảo cho việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm/hàng hóa; phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Bốn là, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc tổ chức và triển khai ứng dụng các tiến bộ KH&CN bằng nguồn vốn sự nghiệp KH&CN hỗ trợ có mục tiêu và các nguồn kinh phí khác. Trong đó, chú trọng việc xây dựng, triển khai ứng dụng kết quả của các đề tài/dự án cấp tỉnh đã được nghiệm thu và nhân rộng các mô hình ứng dụng KH&CN có hiệu quả vào thực tế sản xuất ở địa phương, đặc biệt là các mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên, phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.         

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)