Thứ hai, 27/07/2020 09:45

Coronavirus làm tăng nguy cơ huyết khối?

Trần Thụy Hương Quỳnh, Nguyễn Thanh Tùng

(tổng hợp)

Trong diễn biến dịch bệnh Covid-19 do vi rút SARS-CoV-2 gây ra, ước tính có tới 30% số ca bệnh nặng hình thành huyết khối (cục máu đông). Đây cũng là nguyên nhân làm tăng số trường hợp biến chứng nặng cũng như tăng nguy cơ tử vong ở các bệnh nhân mắc Covid-19. Tra theo từ khóa trên PubMed.gov 1, hiện có khoảng hơn 300 bài báo có đề cập đến rối loạn đông máu cho thấy các nhà khoa học rất quan tâm đến điều “bí ẩn” này.  

Hình ảnh minh họa cho cục máu đông trong mạch máu.

Huyết khối và giả thiết về sự hình thành huyết khối do SARS-CoV-2

Huyết khối là một phản ứng tự nhiên của cơ thể khi bị thương, được hình thành do thay đổi về lưu lượng máu, thay vì chảy với tốc độ thông thường, máu ở tình trạng tĩnh hơn (semi-solid state) để ngăn ngừa mất máu quá mức. Huyết khối hình thành trong tĩnh mạch sâu rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, trường hợp nặng là tử vong. Nếu kích thước lớn sẽ khiến dòng chảy của máu trong cơ thể tắc nghẽn và hoại tử chi là diễn tiến của bệnh. Trong một số trường hợp, huyết khối còn vỡ ra thành nhiều mảnh nhỏ và di chuyển tới các cơ quan khác, thậm chí gây tắc các mạch máu nhỏ hơn. Huyết khối bị tắc tại não, tim, phổi đều có thể dẫn đến truỵ tim, đột quỵ. Thông thường, triệu chứng của huyết khối gồm: ho, ho ra máu, đau nhói, chuột rút tại chi, đau nhói ở ngực, khó thở đột ngột, bề mặt da sưng, sậm màu và nóng lên tại vị trí quy chiếu quanh huyết khối.

Liên quan tới Covid-19, một kết quả công bố trên Nature cho biết, nhóm nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân huyết khối hình thành ở các bệnh nhân này mà nêu lên hai giả thiết. Giải thiết thứ nhất cho rằng huyết khối xảy ra khi vi rút tấn công các tế bào nội mô lót mạch máu. Để thực hiện điều này, vi rút sẽ gắn với thụ thể ACE2 hiện diện tại màng tế bào nội mô và khi gắn với thụ thể, mạch máu sẽ giải phóng protein kích hoạt hình thành huyết khối. Ở giả thiết thứ hai, các nhà nghiên cứu lý giải, Covid-19 gây tăng phản ứng viêm của hệ miễn dịch, dẫn đến kích hoạt hình thành huyết khối. Đồng thời, qua quan sát những bệnh nhân Covid-19 cũng đã phát hiện ra một số yếu tố nguy cơ hình thành huyết khối, như: cao tuổi, thừa cân, bệnh nền tăng huyết áp, huyết áp cao, bệnh nền đái tháo đường, sử dụng các loại thuốc tăng nguy cơ hình thành huyết khối. Tuy nhiên, không chỉ SARS-CoV-2 mà một số vi rút khác cũng có thể làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối 2.

Huyết khối hình thành tại các cơ quan nào

Qua các kết quả nghiên cứu cho thấy, thông thường huyết khối ở bệnh nhân Covid-19 thường hình thành ở 3 vị trí sau:

Tại phổi

Trong đại dịch Covid-19, nguyên nhân gây huyết khối là do vi rút SARS-CoV-2 xuất hiện ở khoảng 30% số bệnh nhân nặng. Một kết quả nghiên cứu khác đăng trên Tạp chí Huyết học (Anh) cho thấy, ở các bệnh nhân mắc Covid-19, huyết khối thường xuất hiện tại phổi. Hoặc trong các trường hợp điển hình, huyết khối có xu hướng hình thành tại các vị trí khác, sau đó vỡ ra và di chuyển đến phổi. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, huyết khối có xu hướng hình thành tại các mạch máu nhỏ ở phổi, khác với các trường hợp đột quỵ điển hình thông thường 3 là hình thành tại các mạch máu lớn ngoài phổi (hình 1).

Hình 1. Xu hướng hình thành huyết khối tại phổi dẫn tới đột quỵ ở bệnh nhân Covid-19.

Hai nghiên cứu mới đây dựa trên khám nghiệm tử thi (33 người) tử vong vì Covid-19 cho thấy nguyên nhân là viêm phổi và thuyên tắc phổi. Mô học phổi cũng cho thấy tổn thương phế nang lan tỏa phù hợp với hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) 4, và mức độ thâm nhiễm, viêm nhiễm phù hợp với viêm phổi. Trong cả hai nghiên cứu, độ tuổi trung bình vào khoảng 70 và hầu hết rơi vào nam giới đã mắc bệnh nền (tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường và béo phì). Mặc dù cả hai nghiên cứu này có quy mô vừa phải, nhưng cho thấy sự nguy hiểm của viêm phổi và tình trạng tăng đông máu trong các nguyên nhân gây tử vong khi mắc Covid-19.

Tại não

Khi huyết khối gây tắc mạch máu ở não hay quanh não có thể dẫn đến đột quỵ. Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Neurosurgery khẳng định, những bệnh nhân trẻ mắc Covid-19 trước đó không có nguy cơ đột quỵ sẽ tăng nguy cơ này, thậm chí cả khi không xuất hiện triệu chứng dẫn tới đột quỵ. Nghiên cứu này còn cho biết, các bệnh nhân từ 30-50 tuổi có xu hướng xuất hiện đột quỵ điển hình như ở người cao tuổi (70-80 tuổi). Lý giải nguyên nhân, các tác giả cho rằng, có thể là do coronavirus xâm nhập vào tế bào thông qua thụ thể trung gian ACE2. Ngoài việc sử dụng ACE2 như một cửa ngõ để xâm nhập vào tế bào và sao chép, vi rút còn can thiệp vào chức năng bình thường của protêin, điều khiển lưu lượng máu trong não. Nghiên cứu đưa ra đề xuất “cần cảnh giác và phản ứng nhanh với các dấu hiệu đột quỵ” cho các trường hợp mà cơn đột quỵ có thể xảy ra ở những người không biết rằng họ có thể nhiễm Covid-19 (thời kỳ ủ bệnh). Nguy cơ đột quỵ có thể thay đổi tùy theo mức độ nghiêm trọng của Covid-19. Đối với bệnh nhân mắc bệnh nhẹ, nguy cơ vào khoảng <1%, trong khi đối với bệnh nhân nặng cần được điều trị tích cực trong phòng hồi sức, nguy cơ có thể lên tới 6%.

Tại tim

Huyết khối tại động mạch có thể gây ra trụy tim cũng như một số nguy cơ cho hệ tim mạch. Theo một nghiên cứu trên 187 bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Vũ Hán (Trung Quốc), có tới 27,8% bệnh nhân có tổn thương tim mạch. Có khá nhiều bằng chứng cho thấy Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến hệ tim mạch, đặc biệt là tim. Các cơ chế tiềm ẩn gây ra các rối loạn hệ tim mạch đã được xác định là tổn thương cơ tim trực tiếp do rối loạn huyết động hoặc giảm oxy máu, viêm cơ tim, rối loạn chức năng vi mạch máu hoặc huyết khối do tăng đông, hoặc cơn bão cytokine trong phản ứng viêm toàn thân (bản thân các bệnh nhân bị viêm phổi và nhiễm cúm thông thường cũng có nguy cơ tăng nhồi máu cơ tim gấp 6 lần). Ngoài ra, ở các bệnh nhân bị Covid-19 nặng với các triệu chứng sốt cao, hoặc thiếu oxy do tổn thương phổi, cần được tăng cung lượng tim 5 một cách đáng kể như một cách bù trừ của cơ thể.

Các phương pháp điều trị và tiềm năng   

Mặc dù chưa đủ thời gian và bằng chứng một cách hệ thống để tìm ra liệu có mối liên quan trực tiếp giữa Covid-19 với huyết khối và đưa ra các liệu pháp chính thức nhưng thuốc chống đông hiện vẫn là ưu tiên hàng đầu trong điều trị. Trong công trình đăng trên Nature, các nhà khoa học tại Trường Đại học Y khoa Mount Sinai (Hoa Kỳ) cho rằng, ở nhóm bệnh nhân cần thông khí cơ học 6 được điều trị bằng thuốc chống đông có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với nhóm bệnh nhân không sử dụng thuốc. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu chưa đưa ra giải đáp cụ thể cho hiện tượng này, và trên thực tế là sử dụng thuốc chống đông liều cao sẽ đi kèm với các nguy cơ, trong đó có xuất huyết. Tổ chức Y tế thế giới cũng cho rằng, hầu hết bệnh nhân mắc Covid-19 có các triệu chứng hô hấp từ nhẹ đến nặng, tuy nhiên không cần đến các phương pháp điều trị đặc biệt. Một số trường hợp nguy cơ gia tăng là các trường hợp nặng, trong đó hình thành huyết khối. Hình 2 là hình ảnh SARS-CoV-2 có liên quan đến hiện tượng tăng đông máu diễn ra trong cơ thể người bệnh.

Hình 2. SARS-CoV-2 có liên quan đến hiện tượng tăng đông trong cơ thể người bệnh.

Biện pháp tránh các biến chứng và nguy cơ có thể gặp phải trong điều kiện dịch bệnh hiện nay là phòng bệnh, tránh lây nhiễm. Một số phương pháp đã và đang được khuyến khích trong cộng đồng như: cách ly, tránh tập trung đông người, đeo khẩu trang, vệ sinh tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay khô. Đối với các trường hợp có nguy cơ tăng hình thành huyết khối cần tham vấn bác sĩ. Trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ phải sử dụng thuốc ngăn ngừa hình thành huyết khối. Bên cạnh đó là một số phương pháp để giảm thiểu hình thành huyết khối khá đơn giản được khuyến khích áp dụng như: vận động càng nhiều càng tốt (trong giới hạn sức khỏe cho phép của từng người), mang tất y khoa 7, uống nhiều nước để tránh tình trạng mất nước cho cơ thể và giúp cho máu loãng, dễ lưu thông, giảm cân (dựa trên chỉ số khối cơ thể BMI 8) cũng như tuyệt đối tránh sử dụng rượu, bia và thuốc lá.

Ghi chú:

1 Cơ sở dữ liệu miễn phí về các tài liệu tham khảo và tóm tắt về các chủ đề khoa học đời sống và y sinh học do Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ tập hợp.
2 Ví dụ H1N1, SARS…
3 Đột quỵ gây ra do cục máu đông là khá phổ biến.
4 Hội chứng này có tỷ lệ dẫn đến tử vong lên tới 45%.
5 Cung lượng tim, tính bằng lít/phút, là lượng máu mà tim bơm trong 1 phút. Cung lượng tim tương đương logic với tích số của thể tích nhát bóp và số nhịp đập mỗi phút (tần số tim). Có bốn yếu tố quyết định cung lượng tim - tần số tim, sức co bóp, tiền tải và hậu tải.
6 Phương tiện cơ học được sử dụng để hỗ trợ hoặc thay thế nhịp thở tự nhiên.
7 Tất y khoa giúp ngăn máu chảy trong tĩnh mạch chân, giảm sưng chân và huyết áp thế đứng, gây chóng mặt hoặc ngăn ngừa loét tĩnh mạch.
8 Tiếng Anh là Body Mass Index, trung bình ở mức 24,5-24,9.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. F. A. Klok, et al. (2020), “Incidence of thrombotic complications in critically ill ICU patients with Covid-19”, Thrombosis Research, 191, pp.145-147.

2. J. Poissy, et al. (2020), “Pulmonary embolism in patients with Covid-19”, Circulation,  DOI: 10.1161/CIRCULATIONAHA.120.047430

3. https://www.nature.com/articles/d41586-020-01403-8.

4. Helen Fogarty, et al. (2020), “Covid-19 coagulopathy in caucasian patients”, British Journal of Haematology, DOI: 10.1111/bjh.16749

5. Sigurd F. Lax, et al. (2020), “Pulmonary arterial thrombosis in Covid-19 with fatal outcome: results from a prospective, single-center, clinicopathologic case series”, Annals of Internal Medicine, DOI: 10.7326/M20-2566

6. Ahmad Sweid, et al. (2020), “Thrombotic neurovascular disease in Covid-19 patients”, Neurosurgery, DOI: 10.1093/neuros/nyaa254.

7. Tao Guo, et al. (2020), “Cardiovascular implications of fatal outcomes of patients with coronavirus disease 2019 (Covid-19)", JAMA cardiology,  DOI:10.1001/jama.2020.1585 2020.

8. https://www.who.int/health-topics/coronavirus#tab=tab_1.

9. Các trang: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32364264/;

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32374815/;

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30336831/;https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32275288/;

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30625066/.

10. https://hospitals.jefferson.edu/news/2020/06/coronavirus-linked-to-stroke-in-otherwise-healthy-young-people.html.

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)