Thứ sáu, 25/09/2020 10:06

Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới góp phần phòng chống, giảm nhẹ thiên tai

ThS Nguyễn Đức Quang

Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai

Trong những năm qua, tình hình thiên tai diễn biến ngày càng khắc nghiệt, gây thiệt hại cả về người và kinh tế, trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Trước thực tiễn này, trong giai đoạn 2016-2020, Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ xây dựng nông thôn mới không chỉ tăng cường các hoạt động ứng dụng KH&CN vào sản xuất ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới mà còn phát triển các mô hình hiệu quả trong phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, diện mạo, đời sống kinh tế, xã hội ở khu vực nông thôn Việt Nam đã được nâng cao đáng kể. Cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, thương mại nông thôn, trường học, y tế... được cải tạo và nâng cấp. Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng KH&CN có hiệu quả cao đã góp phần cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu khả quan, nhưng công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay cũng phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn, trong đó có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai. Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và sự xuất hiện ngày càng nhiều loại hình thời tiết cực đoan và thiên tai quy mô lớn (hạn hán, cháy rừng, lũ lụt, siêu bão...) đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển của quốc gia. Nhiều địa phương đã đầu tư nguồn lực lớn cả về kinh tế và con người để hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới với hy vọng cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân. Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, tổng vốn ngân sách nhà nước các cấp đã bố trí cho Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2017 là hơn 30.000 tỷ đồng, thì cùng trong năm này thiên tai đã gây thiệt hại tới 60.000 tỷ đồng.

Trước thực tế đó, trong nhiều năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ưu tiên đầu tư, tổ chức thực hiện nhiều chương trình, dự án trọng điểm nhằm tạo dựng, bổ sung cơ sở vật chất, kỹ thuật, nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Đặc biệt, từ năm 2016, Đảng và Chính phủ đã dành nhiều sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề phát triển bền vững, chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc ban hành bổ sung tiêu chí “Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ” vào Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới cũng đã triển khai Dự án xây dựng mô hình thí điểm “Xã đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ” trong xây dựng nông thôn mới.

Mô hình thí điểm trên được xây dựng trên cơ sở những thành tựu và kinh nghiệm được đúc kết theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Đây là những kinh nghiệm đã được chứng minh có hiệu quả cao trong phòng chống, giảm nhẹ thiên tai từ xưa đến nay của người dân Việt Nam. Theo đó, một xã đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ trong xây dựng nông thôn mới phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu: i) Có tổ chức bộ máy thực hiện công tác phòng chống thiên tai được thành lập và kiện toàn theo quy định của pháp luật, có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng chống thiên tai tại địa phương; ii) Các hoạt động phòng chống thiên tai được triển khai chủ động và có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu dân sinh; iii) Có cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai.

Ban Chủ nhiệm Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới kiểm tra hiện trạng công tác phòng chống thiên tai tại Lào Cai.

Kết quả triển khai Dự án đến nay đã hình thành 6 mô hình điểm tại 6 xã đại diện cho các vùng thiên tai của Việt Nam gồm Lào Cai, Hải Dương, Nghệ An, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đồng Tháp. Từ những thành công đã đạt được và kinh nghiệm xây dựng các mô hình “Xã đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ”, Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới đã khẳng định những đóng góp quan trọng trong công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Những đóng góp nổi bật bao gồm:

Thứ nhất, củng cố và nâng cao năng lực bộ máy tổ chức phòng chống thiên tai cấp xã. Bộ máy tổ chức phòng chống thiên tai các cấp có vai trò quan trọng trong việc tổ chức, huy động, sử dụng các nguồn lực vật chất và con người hiệu quả để thực hiện các nhiệm vụ phòng chống thiên tai. Thông qua các hoạt động tư vấn tại chỗ cho các mô hình, cơ cấu tổ chức bộ máy phòng chống thiên tai tại cơ sở (đại diện là Ban chỉ huy phòng chống thiên tai cấp xã) được kiện toàn và củng cố qua từng năm, có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Do cấp xã là đơn vị quản lý nhà nước thấp nhất trong hệ thống hành chính nên yếu tố đầu tiên quyết định hiệu quả của công tác phòng chống thiên tai chính là năng lực thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ phòng chống thiên tai ở cấp này. Từ đó, Dự án ngay từ đầu đã đặt trọng tâm cho việc củng cố và nâng cao năng lực cho bộ máy phòng chống thiên tai cấp xã.

Một trong những nội dung quan trọng giúp công tác phòng chống thiên tai ở cơ sở đạt hiệu quả là cần có sự hiểu biết sâu sắc về điều kiện, đặc điểm thiên tai, cùng với nguồn lực sẵn có của địa phương. Những thông tin trên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và cụ thể để xây dựng các bản “kế hoạch phòng chống thiên tai” và “phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro”. Tại các mô hình của Dự án, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các xã được tập huấn, đào tạo, tư vấn đầy đủ các kiến thức, kỹ năng để xây dựng các bản kế hoạch và phương án phòng chống thiên tai hiệu quả, thực tế nhất đối với mỗi địa phương. Bên cạnh đó, bộ máy phòng chống thiên tai cũng cần được đầu tư trang, thiết bị, công cụ, dụng cụ, phương tiện chuyên dùng đầy đủ. Các mô hình Văn phòng thường trực của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai cấp xã (Đồng Tháp) do Dự án hỗ trợ thiết kế và một phần kinh phí xây dựng đã phát huy hiệu quả bước đầu cho công tác phòng chống thiên tai của địa phương.

Thứ hai, tổ chức và tăng cường hiệu quả hoạt động của các lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại chỗ. Từ kinh nghiệm thực tế của nhiều địa phương trong ứng phó thiên tai những năm trước kia cho thấy, lực lượng tại chỗ ứng phó ngay từ những giờ đầu xảy ra tình huống thiên tai đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong mô hình “Xã đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ”, việc thành lập, kiện toàn và xây dựng năng lực cho các lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cơ sở là một đóng góp quan trọng nhất của Dự án. Lực lượng xung kích phòng chống thiên tai được xây dựng từ chính đội ngũ cán bộ và người dân gồm các thành phần như: cán bộ công chức, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên, thành viên các đoàn thể xã hội như hội phụ nữ, hội nông dân... Lực lượng này trước đây vẫn tham gia các hoạt động phòng chống thiên tai nhưng chưa được tổ chức một cách có hệ thống và bài bản. Tại các mô hình của Dự án, lực lượng này được tổ chức thành các đội (ở cấp xã), tổ/nhóm (ở cấp thôn), cùng các nhóm chuyên môn (hậu cần, y tế, cứu trợ...). Nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động cho các đội xung kích, việc tập huấn, huấn luyện kỹ năng, diễn tập cũng đã được Dự án lên kế hoạch và tổ chức thường xuyên, định kỳ hàng năm.

Tập huấn cộng đồng phòng chống thiên tai tại Lào Cai.

Kinh nghiệm xây dựng đội xung kích phòng chống thiên tai tại 6 xã mô hình điểm đã góp phần khẳng định hiệu quả và sự cần thiết phải xây dựng lực lượng này ở cấp xã để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai. Đặc biệt, mô hình tổ chức đội xung kích tại 6 xã điểm đã được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đánh giá cao và dựa trên đó ban hành “Hướng dẫn xây dựng và củng cố đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã” theo Quyết định số 08/QĐ-TWPCTT ngày 27/3/2020 nhằm nhân rộng, phát huy hiệu quả của lực lượng này tại cơ sở.

Thứ ba, tăng cường nhận thức, năng lực phòng chống thiên tai của người dân và cộng đồng. Cộng đồng, người dân là những đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên và thường xuyên của thiên tai cũng như biến đổi khí hậu. Xác định người dân và cộng đồng vừa là mục tiêu vừa là chủ thể của công tác phòng chống thiên tai, Dự án đã xây dựng các chương trình đào tạo, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, năng lực và kỹ năng cho người dân và cộng đồng về thiên tai và các biện pháp giảm thiểu rủi ro khi có thiên tai. Việc nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng chống thiên tai có ý nghĩa quan trọng giúp huy động đóng góp công sức, kinh phí cùng với Nhà nước để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt ở một số nơi còn gặp nhiều khó khăn.

Tập huấn nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai tại Đồng Tháp.

Thứ tư, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng đảm bảo các yêu cầu của công tác phòng chống thiên tai. Để công tác phòng chống thiên tai có hiệu quả một cách toàn diện, không thể thiếu hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, phát triển, đảm bảo đủ các yêu cầu phòng chống thiên tai của địa phương. Thông qua nhiều phương thức (cả trực tiếp và gián tiếp), Dự án đã hỗ trợ các địa phương nâng cấp và phát triển các công trình hạ tầng phục vụ công tác phòng chống thiên tai. Dự án đã hỗ trợ xây dựng mới hay cải tạo, nâng cấp các công trình như trạm cảnh báo dông sét, trạm quan trắc mực nước tự động, cột thủy chí tại xã Tân Quới, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp; trạm đo mưa tự động tại Lào Cai... Các trạm này sau khi được đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai của địa phương (cung cấp cảnh báo, dự báo), đồng thời góp phần phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Trạm cảnh báo dông sét tại xã Tân Quới (Đồng Tháp).

Kết quả của Dự án xây dựng mô hình thí điểm “Xã đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ” nói riêng và Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới nói chung đã giúp tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai, nâng cao năng lực chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai của chính quyền, người dân tại cấp xã. Khi người dân và chính quyền địa phương hiểu và chủ động hành động để ứng phó với thiên tai sẽ giảm tối đa các thiệt hại về người và của cải do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó, khi chính quyền và người dân địa phương cấp xã nắm vững được quy trình tiếp nhận, quy trình hành động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo về phòng chống thiên tai từ Trung ương đến địa phương được xuyên suốt, hiệu quả. Sự hiệu quả trong công tác phòng chống thiên tai từ Trung ương đến địa phương giúp giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cả nước nói chung, người dân khu vực nông thôn nói riêng an tâm sản xuất, giữ vững an ninh quốc phòng, thúc đẩy nền kinh tế cả nước phát triển.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)