PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm về nông nghiệp của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay khu vực này đang chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, xâm nhập mặn, xói lở bờ sông và các rủi ro khác có liên quan đến biến đổi khí hậu. Do đó, để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long rất cần những quan điểm về định hướng phát triển mới, chuyển đổi mô hình phát triển bền vững.
PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí cho rằng, việc ứng dụng nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu có thể giúp đạt đồng thời 3 mục tiêu chính gồm: đảm bảo tăng năng suất và thu nhập từ nông nghiệp bền vững; xây dựng khả năng phục hồi với biến đổi khí hậu; giảm hoặc loại bỏ phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, phụ nữ được xếp vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt tại vùng nông thôn - nơi điều kiện sản xuất còn nhiều khó khăn. Mặc dù là đối tượng dễ bị tổn thương nhưng phụ nữ lại đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động sản xuất, là lực lượng tiên phong trong giảm thiểu khí nhà kính. Do đó, các chính sách và chương trình về khí hậu, môi trường, rủi ro thiên tai cần đặt phụ nữ và trẻ em gái vào trung tâm của việc ra quyết định.
Ông Vũ Xuân Việt - Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, từ tháng 07/2023, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã hợp tác với Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu triển khai Dự án “Nâng cao năng lực cho thanh niên trong ứng dụng năng lượng tái tạo vào canh tác nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Đến nay, Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của giới, đặc biệt là nữ giới và các nhóm yếu thế, góp phần vào thực hiện các mục tiêu khí hậu và phát triển bền vững của Việt Nam.
Đan Thủy