Thứ sáu, 20/09/2024 15:13

Những lưu ý khi tham gia đề xuất và tuyển chọn nhiệm vụ thuộc các Chương trình Khoa học xã hội và nhân văn cấp quốc gia

PGS.TS Đỗ Hương Lan*

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Bài viết cập nhật và hệ thống hóa một số điểm cơ bản trong các thông tư hướng dẫn liên quan đến quy trình đề xuất và tuyển chọn nhiệm vụ thuộc các Chương trình Khoa học xã hội và nhân văn cấp Quốc gia, giai đoạn từ nay đến 2030 (Chương trình KX), đồng thời giải đáp một số băn khoăn và chia sẻ kinh nghiệm với các nhà khoa học khi đề xuất và tham gia tuyển chọn nhiệm vụ thuộc các Chương trình KX.

PGS.TS Đỗ Hương Lan.

Những thông tư mới nhất liên quan đến đề xuất và tuyển chọn nhiệm vụ

Thông tư số 20/2023/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN): Quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) (sau đây gọi tắt là Thông tư số 20/2023/TT-BKHCN) đã giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà khoa học. Các quy định mới đã giảm thiểu những yêu cầu không cần thiết, cho phép các nhà khoa học tập trung hơn vào nội dung và chất lượng nghiên cứu thay vì phải lo lắng quá nhiều về các thủ tục hành chính như hồ sơ có thể nộp trực tuyến; chuyển 2 nhóm tài liệu sang hậu kiểm, chỉ phải bổ sung, hoàn thiện sau khi Hội đồng tư vấn tuyển chọn kiến nghị trúng tuyển để phục vụ cho tổ thẩm định họp thẩm định kinh phí nhiệm vụ là: i) Lý lịch khoa học của thành viên chính và thư ký khoa học; ii) Báo giá thiết bị máy móc, vật tư nguyên vật liệu (Điều 5); iii) Bỏ quy định có Báo cáo tài chính đối với loại hình nhiệm vụ là đề tài, đề án được tài trợ 100% từ NSNN; iv) Điều chỉnh thời hạn nộp hồ sơ từ 60 ngày xuống còn 30 ngày để đẩy nhanh tiến độ triển khai các nội dung xét duyệt; v) Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học bằng việc bỏ quy định phạt 2 năm không được tham gia tuyển chọn nếu có nhiệm vụ trước đó nghiệm thu không đạt; vi) Nhằm đảm bảo tính minh bạch, khách quan và công khai trong quy trình tuyển chọn, tất cả các thông tin liên quan đến tiêu chí tuyển chọn, yêu cầu hồ sơ và đánh giá đều được công khai rộng rãi, giúp các nhà khoa học dễ dàng nắm bắt và chuẩn bị tốt hơn.

Về quy định liên quan đến đề xuất nhiệm vụ trong Thông tư số 06/2023/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ KH&CN: Quy định trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng NSNN (sau đây gọi tắt là Thông tư số 06/2023/TT-BKHCN), biểu mẫu mới với các quy định rõ ràng và khoa học hơn, giúp nhà khoa học có thể trình bày ý tưởng nghiên cứu một cách đầy đủ và có luận cứ khoa học tường minh hơn so với biểu mẫu ở thông tư cũ, đồng thời giúp cho các chuyên gia ở hội đồng tư vấn có đủ thông tin và dễ dàng hơn trong việc đánh giá đề xuất.

Về các quy định liên quan đến tài chính, Thông tư 02/2023/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ KH&CN hướng dẫn một số nội dung chuyên môn phục vụ công tác xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng NSNN (sau đây gọi tắt là Thông tư số 02/2023/TT-BKHCN), đã có những quy định và hướng dẫn khá chi tiết về các chức danh khoa học, cách tính công lao động khoa học, hợp lý và dễ áp dụng hơn các quy định cũ, giúp cho các nhà khoa học thuận lợi và dễ dàng hơn trong việc lập dự toán.

Lưu ý khi viết đề xuất và làm hồ sơ tuyển chọn

Viết đề xuất là bước đầu tiên trong quy trình tham gia vào các Chương trình KX. Các quy định về đề xuất được ban hành trong Thông tư số 06/2023/TT-BKHCN. Có một số điểm các nhà khoa học cần lưu ý khi viết và nộp đề xuất: i) Bám sát khung Chương trình về mục tiêu và nội dung cũng như sản phẩm. Các nhà khoa học lựa chọn các hướng nghiên cứu trong Khung Chương trình phù hợp với sở trường, chuyên môn của mình, sau đó cụ thể hóa thành chủ đề nghiên cứu của đề xuất; ii) Các đề xuất phải xứng tầm với quy mô và tính chất của một đề tài cấp nhà nước, phải giải quyết vấn đề mang tính chất vùng, liên vùng, quốc gia hoặc có thể liên ngành; iii) Các đề xuất phải đảm bảo tính mới, không trùng lặp với những đề tài đã và đang thực hiện và đảm bảo tính khả thi khi thực hiện; iv) Chủ đề đề xuất phải có giá trị khoa học và giá trị thực tiễn, đặc biệt chú ý đến giá trị ứng dụng trong việc hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, địa phương; v) Các đề xuất nên có mục tiêu hàm ý, kiến nghị phục vụ soạn thảo văn kiện và báo cáo chính trị của Đại hội Đảng; vi) Thời hạn nộp đề xuất phải đảm bảo đúng theo quy định của Bộ KH&CN. Đề xuất đến sau thời hạn quy định sẽ không được xem xét

Khi chuẩn bị hồ sơ tuyển chọn, có một số điểm quan trọng cần được chú ý để đảm bảo hồ sơ đề tài đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và quy định: i) Hồ sơ phải bám sát mục tiêu, nội dung và sản phẩm được công bố trong đặt hàng của Bộ KH&CN; ii) Tuân thủ theo các Thông tư hiện hành như: hồ sơ cần được xây dựng theo đúng các hướng dẫn về Thuyết minh và yêu cầu tuyển chọn được quy định trong Thông tư 20/2023/TT-BKHCN; phần kinh phí cần được xây dựng theo hướng dẫn của Thông tư 02/2023/TT-BKHCN và Thông tư 03/2023/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính: Quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí NSNN thực hiện nhiệm vụ KH&CN, cùng các văn bản pháp lý liên quan; ii) Đảm bảo điều kiện của tổ chức đăng ký chủ trì: Tổ chức đăng ký chủ trì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định, đặc biệt lưu ý điều kiện về đăng ký kết quả ứng dụng; iv) Đảm bảo thuyết minh đáp ứng các yêu cầu khoa học: tính khả thi, tính mới và tính ứng dụng của đề tài. Đối với tính ứng dụng: cần chỉ rõ các sản phẩm ứng dụng của đề tài, địa chỉ chuyển giao kết quả và sản phẩm ứng dụng; v) Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về thể thức và quy định hành chính, cụ thể: về số lượng thành viên chính: mỗi nội dung trong thuyết minh phải do một thành viên chính đảm nhiệm vai trò chủ trì;  về tổ chức phối hợp: Ngoài việc cung cấp giấy xác nhận phối hợp, tổ chức phối hợp còn cần phải nộp lý lịch khoa học của tổ chức phối hợp; về nội dung phối hợp: các nội dung phối hợp với từng cơ quan phải được làm rõ trong thuyết minh; về các thủ tục hành chính khác: tất cả giấy tờ trong hồ sơ phải được ký tươi và đóng dấu, kèm theo ngày, tháng, năm đầy đủ. Điểm này tưởng không quan trọng nhưng lại vô cùng quan trọng. Có trường hợp hồ sơ bị loại vì thiếu con dấu hoặc chữ ký bằng bút đen, hoặc thiếu thông tin ngày, tháng, năm trên giấy tờ kèm theo…vi) Ngoài ra, hồ sơ phải được nộp kèm theo công văn của tổ chức đăng ký chủ trì đúng hạn, đảm bảo chính xác từng giờ, từng phút.

Hội thảo khoa học “Một số Chương trình khoa học xã hội và nhân văn cấp quốc gia phục vụ mục tiêu đổi mới, hội nhập và phát triển” tổ chức ngày 12/08/2024.

Lưu ý đối với các nhà nghiên cứu

Thứ nhất, các nhà khoa học cần nghiên cứu kỹ các khung Chương trình, các Thông tư có liên quan và nên mạnh dạn đăng ký nếu thấy mình đáp ứng đủ yêu cầu đối với chủ nhiệm đề tài theo Thông tư số 20/2023/TT-BKHCN, gồm: i) Có trình độ đại học trở lên;  ii) Có chuyên môn trong lĩnh vực KH&CN phù hợp với nội dung nhiệm vụ và hoạt động trong lĩnh vực định tham gia trong 05 năm gần nhất, tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ; iii) Có khả năng và bảo đảm thời gian để tổ chức thực hiện nhiệm vụ; iv) Tại thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn không đang làm chủ nhiệm nhiệm vụ cấp quốc gia khác; v) Tại thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn đã nộp hồ sơ đề nghị đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ cấp quốc gia khác do mình làm chủ nhiệm sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian thực hiện nhiệm vụ theo Hợp đồng, bao gồm thời gian được gia hạn (nếu có); (vi) Không có sai phạm dẫn đến bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ do mình làm chủ nhiệm trong thời gian 03 năm kể từ khi có quyết định đình chỉ của cơ quan có thẩm quyền.

Thứ hai, nhiều nhà khoa học có suy nghĩ khá phổ biến là chỉ có TS hoặc PGS.TS mới có thể đăng ký làm chủ nhiệm đề tài nhà nước. Tuy nhiên trong các văn bản pháp quy, không có quy định nào như vậy, chỉ yêu cầu từ trình độ đại học. Mặc dù vậy, các nhà khoa học cũng cần lưu ý tiêu chí về năng lực của tổ chức và cá nhân chủ nhiệm. Theo quy định trong Thông tư số 20/2023/TT-BKHCN, trong tiêu chí chấm điểm hồ sơ tuyển chọn, phần năng lực của tổ chức và cá nhân thực hiện chiếm 1/5 tổng số điểm của hồ sơ (20 điểm).

Thứ ba, đối với tổ chức chủ trì, bên cạnh những quy định như trước, điểm mới trong Thông tư 20/2023/TT-BKHCN mà các tổ chức chủ trì cần lưu ý là: các tổ chức chủ trì cần rà soát và đảm bảo  đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, đã báo cáo đẩy đủ việc ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia khác theo quy định hiện hành

Thứ tư, về sự băn khoăn liên quan đến ưu tiên cho hồ sơ của đơn vị đề xuất ý tưởng nghiên cứu, khoản 7 điều 11 của Thông tư 20/2023/TT-BKHCN quy định: “Trường hợp hồ sơ của tổ chức chủ trì là tổ chức đề xuất nhiệm vụ có điểm trung bình đạt từ 70/100 điểm, tổng điểm của hồ sơ được cộng thêm 10% điểm trung bình của hồ sơ đó”.

 

*

*         *

Những năm gần đây, các đơn vị chức năng quản lý các Chương trình KX thường xuyên phối hợp với Ban Chủ nhiệm các Chương trình KX cũng như Chương trình KC tổ chức các hội thảo giới thiệu chương trình, phổ biến các quy định về quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước. Đặc biệt, từ giai đoạn mới này còn có thêm hoạt động khảo sát, tìm kiếm các nhiệm vụ KH&CN tại các địa phương. Trong khuôn khổ hoạt động này, các ban chủ nhiệm cùng đại diện Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước và vụ chức năng của Bộ KH&CN tổ chức các buổi làm việc với sự tham gia của các sở, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học và các chuyên gia, nhà khoa học tại các vùng miền, địa phương trên toàn quốc để lan tỏa thông tin về các chương trình, trao đổi, hướng dẫn đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu và nắm bắt các thông tin về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, KH&CN, nhu cầu đặt hàng nghiên cứu để hỗ trợ cho các địa phương… Ngoài ra, trên trang thông tin của Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước cũng có các thông tin hướng dẫn kịp thời, các nhà khoa học nên thường xuyên cập nhật và tham dự các hoạt động khoa học của các chương trình để có thể tiếp cận thông tin, nhờ tư vấn, giải đáp trực tiếp từ phía ban chủ nhiệm cũng như các đơn vị quản lý của Bộ KH&CN.

 

 

 

*PGS.TS Đỗ Hương Lan hiện là thư ký của Chương trình KX.06/21-30 “Nghiên cứu các vấn đề quốc tế và khu vực nhằm chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”; Trước đó, PGS.TS Đỗ Hương Lan có 3 năm đảm nhiệm vai trò thư ký Chương trình KX.01/16-20 “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” giai đoạn 2016-2020.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)