Thứ ba, 24/09/2024 15:41

Chuẩn mực đạo đức báo chí trong môi trường truyền thông số và gợi ý cho Việt Nam

Phan Thùy Linh1, Chu Đức Hà2, 3, Lưu Thị Thu Huyền3, Trần Thị Thanh Mai4, Vũ Thị Minh Tâm5

 

1Học viện Báo chí và Tuyên truyền

2Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội

3Học viện Hành chính Quốc gia

4Trường Đại học Luật Hà Nội

5Trường Đại học Hạ Long

 

Trong bối cảnh truyền thông số hiện đại, chuẩn mực đạo đức báo chí đang phải đối mặt với những thách thức sâu sắc do sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh cùng với việc áp dụng rộng rãi các mô hình học máy và phân tích dữ liệu lớn (big data). Mặc dù AI đã cách mạng hóa quy trình sản xuất và phân phối tin tức, song các công cụ này có nguy cơ bị lạm dụng để tạo ra thông tin sai lệch, làm mờ ranh giới giữa sự thật và giả dối, do đó, đòi hỏi việc bảo vệ và duy trì các chuẩn mực đạo đức báo chí.

Mở đầu

Đạo đức báo chí là đạo đức của một ngành, một lĩnh vực bao gồm những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ và hành vi ứng xử của nhà báo trong các mối quan hệ nghề nghiệp. Đạo đức báo chí không chỉ quyết định các giá trị và cân nhắc về mặt đạo đức của việc đưa tin mà còn xác định các chuẩn mực và thiết lập ranh giới của hoạt động báo chí [1]. Nền tảng đạo đức báo chí ở một xã hội được dựa trên cơ sở: lý luận theo nghĩa chung với những nguyên tắc phổ quát đã được thiết lập hay được thừa nhận ở một xã hội nhất định; đạo đức thông tin hay truyền thông mang tính chuyên biệt hơn với những định nghĩa cụ thể được dựa trên một học thuyết, một hệ tư tưởng đang chiếm ưu thế trong một xã hội và chi phối các phương tiện truyền thông; đạo đức nghề nghiệp đúng nghĩa, bao gồm những phương châm và những vận dụng thực tế được thể hiện trong các hiến chương hay những bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp [2].

Trước bối cảnh các hệ thống và nền tảng thuật toán được sử dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất, phân phối tin tức, thước đo chuẩn mực đạo đức báo chí đang đối mặt với những thách thức đáng kể [3]. Hiện nay trên toàn thế giới, AI và tự động hóa là hai xu hướng quan trọng làm đòn bẩy để tiến tới sự phát triển trên mọi lĩnh vực và làm đổi thay vận mệnh của một quốc gia, dân tộc. AI giúp máy móc học hỏi, ra quyết định như con người, trong khi tự động hóa kích hoạt máy móc tự thực hiện các nhiệm vụ với ít sự can thiệp từ con người. Xu hướng công nghệ này tạo nên sự tương tác thông minh giữa con người và máy móc. Trong lĩnh vực báo chí, AI tạo sinh giúp tạo ra nội dung, như văn bản, âm thanh, hình ảnh, video và mã được tích hợp sâu vào báo chí như các công cụ, nền tảng và hệ thống sẽ làm giảm vai trò của chuyên gia truyền thông, người làm báo, làm thay đổi quá trình sản xuất tin tức truyền thống và đặt ra các câu hỏi về ranh giới, chuẩn mực đạo đức báo chí trong bối cảnh mới [4].

Do đó, các chuẩn mực đạo đức báo chí vốn đã được thiết lập trong môi trường báo chí truyền thống, nay, một mặt chịu ảnh hưởng bởi AI tạo sinh, một mặt chịu áp lực và thử thách từ tốc độ lan truyền thông tin, sự đa dạng của nguồn tin và ảnh hưởng mạnh mẽ của truyền thông xã hội.

Thách thức duy trì chuẩn mực đạo đức báo trí trong môi trường truyền thông số

Ngành báo chí đã trải qua những thay đổi cấu trúc nhanh chóng, theo đó, mỗi khía cạnh chính của sự thay đổi đều mang theo những hệ quả đạo đức riêng: Thứ nhất, cấu trúc kinh tế thay đổi. Cấu trúc nền kinh tế tác động đến mô hình kinh doanh, kết quả là sự sụp đổ của các mô hình kinh tế báo chí cũ tạo nên sự biến đổi cấp bách và đáng lo ngại. Theo đó, chiến lược phát triển nguồn thu mới và củng cố các nguồn thu cũ đã tạo ra áp lực về đạo đức đối với người làm báo nói riêng, cơ quan báo chí nói chung; Thứ hai, cấu trúc tổ chức thay đổi. Mô hình tòa soạn ngày càng tái cấu trúc mạnh mẽ, vai trò của từng bộ phận cũng được xem xét lại. Trách nhiệm trong vai trò mới và điều kiện lao động của nhà báo được quy định đã hình thành vấn đề về đạo đức báo chí; Thứ ba, cấu trúc tường thuật thay đổi. Nhà báo thích ứng với internet và các công nghệ truyền thông mới để tường thuật những câu chuyện báo chí linh hoạt và cởi mở hơn so với giai đoạn trước, kết hợp truyền tải dưới những hình thức hiện đại hơn [5]. Trên cơ sở đó, nguyên tắc đạo đức truyền thông trong quy trình sản xuất tác phẩm báo chí của nhà báo được xem xét lại. Thứ tư, cấu trúc mối quan hệ thay đổi. Điều này tác động vào nguyên tắc đạo đức về quan hệ giữa nhà báo và công chúng để duy trì khoảng cách và tạo nên sự chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí [3, 6].

Trong khuôn khổ tổng quan nghiên cứu, thách thức duy trì chuẩn mực đạo đức báo chí trong môi trường truyền thông số được khát quát ở hai khía cạnh:

Sự ra đời và tác động của báo chí thuật toán: Báo chí thuật toán được định nghĩa là quá trình bán tự động tạo ra ngôn ngữ tự nhiên thông qua việc lựa chọn dữ liệu điện tử từ cơ sở dữ liệu tư nhân hoặc công cộng (đầu vào), xác định mức độ quan trọng của các đặc điểm dữ liệu đã chọn trước hoặc không được chọn, xử lý và cấu trúc các tập dữ liệu liên quan thành một cấu trúc ngữ nghĩa (quá trình), và xuất bản văn bản cuối cùng trên nền tảng trực tuyến hoặc ngoại tuyến với phạm vi nhất định (đầu ra). Trong chu trình báo chí thuật toán, dữ liệu có cấu trúc là điều kiện tiên quyết của hệ thống sinh văn bản tự nhiên và việc sử dụng nó trong báo chí, các câu hỏi về nguồn gốc dữ liệu xuất hiện. Mặt khác, ngôn ngữ tự nhiên không có tính sáng tạo hoặc tự học nên vẫn còn yếu tố con người trong báo chí thuật toán dưới dạng mã hóa. Trong khi, nguồn tin trong báo chí là yếu tố rất quan trọng, thể hiện tôn chỉ của cơ quan báo chí và đạo đức của người làm báo. Các câu hỏi về nguồn gốc và chất lượng dữ liệu thường được đặt ở cấp độ trách nhiệm cá nhân trong báo chí truyền thống. Với báo chí thuật toán, trách nhiệm này chuyển sang cấp độ quản lý của cơ quan báo chí hoặc bên thứ ba khi quyết định dữ liệu nào sẽ được sử dụng cho sản phẩm của mình. Vậy việc khắc họa các giá trị đạo đức cho các sản phẩm phức tạp hơn của báo chí thuật toán khó khăn đến mức nào? Các tổ chức truyền thông có thể hiểu lập trình và họ có thể tiết lộ mức độ liên quan và phân bổ nguồn theo yêu cầu của công chúng không? Những nghi vấn này đặt ra yêu cầu định hình lại, thiết lập hội tụ quy trình làm việc của kỹ sư, lập trình viên với các bộ phận, phòng ban sản xuất tin tức.

Một ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong quá trình xuất bản ấn phẩm.

Rủi ro từ sử dụng dữ liệu lớn: Không thể phủ nhận, dữ liệu lớn (big data) là “hạt nhân” của chuyển đổi số báo chí, song nó đã khiến các cơ quan báo chí, tổ chức truyền thông thực dụng trong việc chuyển đổi các hoạt động sản xuất phương tiện truyền thông, chuyển đổi các chuẩn mực và giá trị hướng dẫn hành vi [7]. Hơn nữa, hiện tượng dữ liệu lớn mang trong mình một tập hợp các vấn đề đạo đức riêng - về quyền riêng tư của người dùng, bảo mật thông tin và thao túng dữ liệu. Theo vai trò của nguồn mở, các nhà báo dữ liệu thường tìm cách công khai toàn bộ bộ dữ liệu và mã lập trình để công chúng xem xét, trong một số trường hợp, tạo ra lời mời người dùng đóng góp và cộng tác - giúp báo chí tự đổi mới trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, thường có những vấn đề tiềm ẩn với dữ liệu công khai, một số vấn đề không được chú ý bởi quy mô dữ liệu liên quan hoặc do tính hấp dẫn của việc cung cấp dữ liệu miễn phí. Trong khi đó, các nhà báo phải cân nhắc lợi ích của dữ liệu mở so với rủi ro gây tổn hại cá nhân có thể xảy ra khi xuất bản, đặc biệt là vào thời điểm thông tin riêng tư dễ dàng được chia sẻ và tìm kiếm. Nhìn chung, những nỗ lực thiện chí nhằm sửa đổi các chuẩn mực báo chí thông qua dữ liệu lớn cũng vấp phải những câu hỏi về đạo đức gắn liền với phân tích và phổ biến dữ liệu đó.

Hai thách thức trong việc đảm bảo chuẩn mực đạo đức người làm báo.

Khuyến nghị nâng cao chuẩn mực đạo đức báo chí ở Việt Nam

Từ những phân tích nêu trên, để góp phần nâng cao chuẩn mực đạo đức báo ở nước ta hiện nay, chúng tôi xin đưa ra một số khuyến nghị như sau:

Thứ nhất, về mặt pháp lý, cần bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định đối với báo chí và quy định đạo đức nghề nghiệp đối với người làm báo: Để báo chí thực hiện tốt vai trò của mình trong việc xây dựng một nhà nước trong sạch và vững mạnh, nhà báo cần trung thực, kiên định và tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp (Luật Báo chí 2016; 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam). Những quy định này đều gắn liền với trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam, là cơ sở quan trọng để Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp ở các cấp căn cứ để xử lý những hành vi vi phạm đạo đức của người làm báo khi tham gia mạng xã hội, góp phần quan trọng trong công tác giữ gìn, bảo vệ đạo đức nghề nghiệp và uy tín của người làm báo Việt Nam.

Đến nay nghiệp vụ báo chí đã thay đổi rất nhiều để thích ứng với môi trường truyền thông số, đồng thời vấn đề theo dõi, giám sát, kiểm tra đạo đức nghề nghiệp của nhà báo cũng trở thành một thách thức lớn. Về mặt pháp lý, cần bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định đối với báo chí và quy định đạo đức nghề nghiệp đối với người làm báo. Cụ thể là sửa đổi, bổ sung Điều 8 Luật Báo chí 2016 hiện hành theo hướng nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam trong giáo dục, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo; thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra kết luận hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp và tăng cường xử lý vi phạm của hội viên, nhà báo. Đồng thời, cần luật hóa các quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo đáp ứng yêu cầu truyền thông số, hình thành biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nhà báo vi phạm các quy định đạo đức nghề nghiệp. Từ đó, Chính phủ tiếp tục xây dựng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân nhà báo về hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp như thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng… thay vì phạt chung mức với cá nhân khác như hiện nay.

Thứ hai, về công tác quản lý báo chí, cần điều chỉnh, xây dựng quy tắc đạo đức cho người làm báo trong việc sử dụng AI và dữ liệu lớn: Việc điều chỉnh và xây dựng quy tắc đạo đức cho người làm báo trong bối cảnh sử dụng AI và dữ liệu lớn đang là một yêu cầu tất yếu và cấp bách để bảo vệ tính liêm chính và trách nhiệm xã hội của báo chí [6]. Khi AI tham gia vào quá trình sản xuất tác phẩm báo chí sẽ tạo nên sự phụ thuộc quá mức, làm mất đi tính sáng tạo và sự nhạy bén của nhà báo trong phân tích và đưa ra góc nhìn đa chiều. Hơn nữa, sự phức tạp của các thuật toán AI dễ dẫn đến những quyết định mơ hồ, khó kiểm chứng, làm giảm niềm tin của công chúng vào sự trung thực và công bằng của báo chí. Vì vậy, các cơ quan báo chí cần điều chỉnh, xây dựng quy tắc đạo đức tập trung vào việc đảm bảo minh bạch trong sử dụng công nghệ, bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân, và duy trì trách nhiệm giải trình của các nhà báo. Trong đó, quy tắc minh bạch về nguồn gốc dữ liệu và tính xác thực của nguồn tin cần được đặt lên hàng đầu. Để làm được điều đó, cần nâng cấp năng lực bộ phận đọc dò, ngoài nhiệm vụ rà soát lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, lỗi logic… phải tích hợp thêm khả năng kiểm chứng thông tin, nguồn gốc dữ liệu nhà báo sử dụng (mặc dù, quy trình sản xuất tác phẩm báo chí trải qua tối thiểu 3 lớp kiểm chứng từ phóng viên - lãnh đạo ban - lãnh đạo cơ quan báo chí. Ngoài ra, công tác quản lý báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số cũng cần có sự phối hợp liên ngành báo chí - công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu; hình thành bộ phận nhân sự chuyên sâu về quản lý dữ liệu và quản lý thông tin đầu ra của AI tạo sinh khi các nhà báo sử dụng, vận dụng trong quá trình tác nghiệp.

Thứ ba, về quy trình sản xuất tác phẩm báo chí, cần thiết lập ranh giới giữa hoà nhập - hoà tan: Vừa qua, sau cơn bão Yagi lịch sử đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam, những thông tin, chỉ báo trên báo chí cũng đặt ra một số vấn đề về đạo đức của nhà báo trong quá trình sản xuất tác phẩm báo chí. Cụ thể, một cơ quan báo chí đã đăng tải hình ảnh minh họa một gia đình chạy lũ chạm đến lòng trắc ẩn của công chúng và đóng logo biểu hiện việc phóng viên có tác nghiệp thực tế. Hình ảnh này đã nhanh chóng được lan toả trên các nền tảng mạng xã hội và thu hút nhiều lượt tương tác bởi sự tin tưởng về tính xác thực thông tin. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã lên tiếng đính chính hình ảnh trên thực chất đã được dàn dựng bởi một cặp vợ chồng Youtuber tại Hà Giang. Theo đó, việc sử dụng hình ảnh này trên báo chí đã phải đối mặt với làn sóng chỉ trích của dư luận xã hội, sự thất vọng trào dâng khi sự xúc cảm của họ không được đặt đúng chỗ. Thậm chí, nó dễ dẫn đến sự hỗ trợ nhầm đối tượng trong bối cảnh rất nhiều hoàn cảnh khó khăn và chịu ảnh hưởng nặng nề khác bởi cơn bão lịch sử. Do đó, việc thiết lập ranh giới giữa hoà nhập - hoà tan của nhà báo với sản phẩm sáng tạo nội dung số cần được định vị như một chiến lược định hướng phát triển nhân sự dài hạn của cơ quan báo chí. Điều này có thể được thực hiện dựa trên các gợi ý như: xây dựng kho dữ liệu sạch, dữ liệu hội tụ - dữ liệu mang thương hiệu của từng phóng viên; thiết lập bộ lọc ảo - quét bản quyền; sàng lọc hình ảnh sao chép, văn bản, thông tin trùng lặp bằng công cụ AI - đình chỉ hoạt động tác nghiệp có dấu hiệu vi phạm chuẩn mực đạo đức.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] J.S. García, A. Quian, A.I.R. Vázquez, et al. (2024), "The fourth industrial revolution: Implications for journalism and the media", Journalism, Digital Media and the Fourth Industrial Revolution, Springer Nature Switzerland, pp.1-12.

[2] S.D. Chambaud (2021), "A systematic review of automated journalism scholarship: Guidelines and suggestions for future research", Open. Res. Eur., 1, DOI: 10.12688/openreseurope.13096.1.

[3] O.A. Zoubi, N. Ahmad, N.A. Hamid (2024), "Artificial intelligence in newsrooms: Ethical challenges facing journalists", Studies in Media and Communication, 12(1), DOI: 10.11114/smc.v12i1.6587.

[4] W.A.M. Harb, M. Qabajeh (2024), "Impact of generative artificial intelligence on journalism: Practice and deontology", Journalism, Digital Media and the Fourth Industrial Revolution, Springer Nature Switzerland, pp.241-255, DOI: 10.1007/978-3-031-63153-5_18.

[5] N. Helberger, M.V. Drunen, J. Moeller, et al. (2022), "Towards a normative perspective on journalistic AI: Embracing the messy reality of normative ideals", Digital Journalism, 10(10), pp.1605-1626, DOI: 10.1080/21670811.2022.2152195.

[6] W. Zhou (2024), "Dilemma and coping strategies of news communication based on artificial intelligence and big data", Heliyon, 10(3), DOI: 10.1016/j.heliyon.2024.e25398.

[7] A.L. Opdahl, B. Tessem, D.T.D. Nguyen, et al. (2023), "Trustworthy journalism through AI", Data & Knowledge Engineering, 146, DOI: 10.1016/j.datak.2023.102182.


 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)