Nhóm tác giả của dự án Noọng Huế Cao Bằng lên nhận Giải Nhì Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng lần thứ nhất, năm 2023-2024.
Mục tiêu và sự khác biệt nổi bật
Cao Bằng là mảnh đất địa đầu Tổ quốc, nơi được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng cùng những giá trị văn hóa độc đáo. Từ bao đời nay, Cao Bằng đã tồn tại và lưu giữ nhiều làng nghề truyền thống như: làng rèn Phúc Sen, làng dệt thổ cẩm Lũng Nọi, làng nghề làm giấy bản, làng nghề đan lát, làng nghề làm ngói âm dương, làng nghề làm miến dong... Với lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng, đây là địa phương có tiềm năng to lớn trong phát triển sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng một cách hiệu quả vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tâm lý tiêu dùng hàng ngoại vẫn phổ biến; các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trong nước dù chất lượng tương đương, giá thành rẻ hơn những vẫn khó cạnh tranh với các thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài đã có kinh nghiệm và thâm niên; công tác truyền thông đến đến khách hàng còn hạn chế...
Từ thực trạng đó, dự án Noọng Huế được thành lập với sứ mệnh kết nối các cơ sở sản xuất OCOP tại Cao Bằng với thị trường tiêu dùng trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy du lịch và văn hóa địa phương. Dự án tập trung vào việc quảng bá và bán các sản phẩm OCOP chất lượng cao thông qua các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội, đồng thời kết hợp với các hoạt động trải nghiệm văn hóa và du lịch địa phương.
Đại diện nhóm tác giả của dự án Noọng Huế Cao Bằng, chị Phan Thị Huế chia sẻ, nhóm thực hiện dự án không chỉ xác định lên ý tưởng, viết dự án để đi thi mà cần hướng đến những mục tiêu có tính khả thi, mang ý nghĩa thiết thực với người dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Cụ thể, mục tiêu của dự án là: 1) Hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm; 2) Kết nối các cơ sở sản xuất với các kênh phân phối, giúp họ bán sản phẩm ra thị trường rộng lớn hơn; 3) Phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, gắn liền với văn hóa và sản phẩm địa phương; 4) Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương thông qua các hoạt động du lịch.
Noọng Huế Cao Bằng là dự án có điểm khác biệt nổi bật là kết hợp trải nghiệm văn hóa và du lịch địa phương vào việc quảng bá và bán sản phẩm OCOP.
Đại diện nhóm tác giả khẳng định, Noọng Huế Cao Bằng là dự án có điểm khác biệt nổi bật là kết hợp trải nghiệm văn hóa và du lịch địa phương vào việc quảng bá và bán sản phẩm OCOP. Hầu hết các dự án chỉ tập trung vào việc quảng bá và bán sản phẩm trực tuyến (online), nhưng Noọng Huế lại kết hợp thêm trải nghiệm văn hóa và du lịch địa phương, tạo nên trải nghiệm mua sắm độc đáo và đáng nhớ cho khách hàng. Dự án kết hợp bán sản phẩm OCOP trên nhiều kênh như Shopee, Tiktok thay vì chỉ tập trung vào một kênh như các dự án khác. Điều này giúp tiếp cận khách hàng tiềm năng rộng hơn và tăng khả năng bán hàng. Ngoài ra, có thể kết hợp bán hàng trên website riêng, fanpage Facebook, Zalo... để đa dạng hóa kênh bán hàng và tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn. Để tăng tính tương tác với khách hàng, dự án dự án tập trung vào việc sản xuất video chất lượng cao để quảng bá và giới thiệu sản phẩm OCOP (điều này giúp khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm và tạo lòng tin trước khi mua sản phẩm); xây dựng hình ảnh thương hiệu Noọng Huế - cô gái người Tày với trang phục Tày mang đậm bản sắc văn hóa.
Tiềm năng, kết quả và định hướng phát triển
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2023, cả nước có 8.876 sản phẩm OCOP được xếp hạng, trong đó 3.219 sản phẩm đạt 4 sao và 5 sao. Tổng số sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng là 11.054 sản phẩm, tăng 14,3% so với năm 2022. Số sản phẩm đạt 3 sao trở lên là 10.322 sản phẩm, chiếm 93,3% tổng số sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng. Doanh thu bán sản phẩm OCOP từ các kênh thương mại điện tử năm 2023 là hơn 100 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2022; doanh thu từ các phiên chợ OCOP là hơn 1.000 tỷ đồng. Rõ ràng, các sản phẩm OCOP được tiêu thụ chủ yếu qua các kênh truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa, siêu thị. Tuy nhiên, thị trường trực tuyến cho sản phẩm OCOP đang dần phát triển với tốc độ cao.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng, tính đến ngày 03/06/2024, toàn tỉnh có 144 sản phẩm OCOP của 91 chủ thể, trong đó có 13 sản phẩm OCOP 4 sao, 131 sản phẩm 3 sao, thuộc 4 nhóm sản phẩm chủ lực, gồm: thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Về du lịch, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, tổng lượt khách năm 2023 đạt 1,9 triệu lượt, tăng 72% so với năm 2022, vượt 12% kế hoạch đề ra, trong đó khách du lịch quốc tế: 34.000 lượt.
Có thể nói, tiềm năng về thị trường đối với dự án Noọng Huế Cao Bằng là rất lớn. Tính đến nay, dự án đã đạt được kết quả bước đầu, khẳng định được ý tưởng sáng tạo, có tính khả thi của dự án. Dự án đã giới thiệu, quảng bá và bán 14 sản phẩm đặc sản, OCOP Cao Bằng: Trà bí thơm Thạch An, Trà giảo cổ lam, mướp đắng, nấm đông trùng hạ thảo, Cao Hà thủ ô, cao chàm tía, trà túi lọc Chàm tía, khoai sâm, Thạch đen Su hào, bánh bò Su hào, bánh gai, nón lá Hoàng Diệu, dao Phúc Sen. Một số sản phẩm như thạch đen, bánh bò có nhiều đơn mua hàng thông qua kênh Facebook. Các sản phẩm hiện được phân phối tại 2 địa điểm: Nhà hàng Tuyết Niệm, huyện Quảng Hòa (Nhà hàng Tuyết Niệm được chọn là điểm giới thiệu sản phẩm Mạng lưới đối tác công viên địa chất Non nước Cao Bằng) và Tộc mart đặc sản Cao Bằng tại sảnh chính Khách sạn Mường Thanh, TP Cao Bằng. Dự án cũng đã thử nghiệm các tour trải nghiệm đến các đối tượng khác nhau; thiết lập được các kênh mạng xã hội: Facebook: 15.000 người theo dõi, Tiktok: 5.000 người theo dõi, Youtube: 2.000 người theo dõi.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai của dự án, chị Phan Thị Huế cho biết, năm 2025, nhóm thực hiện dự án sẽ mở rộng thị trường và sản phẩm; mở rộng danh mục sản phẩm (thêm ít nhất 30 sản phẩm OCOP mới vào danh mục); phát triển kênh phân phối (tìm kiếm và hợp tác với các nhà phân phối tại các tỉnh thành khác); tổ chức các sự kiện quảng bá sản phẩm và văn hóa địa phương. Năm 2026: Đẩy mạnh xuất khẩu và hợp tác quốc tế; tìm hiểu và xác định các thị trường tiềm năng tại khu vực cho sản phẩm OCOP; tham gia ít nhất 1 hội chợ quốc tế để quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác xuất khẩu; thiết lập quan hệ với các nhà nhập khẩu và đối tác quốc tế; đào tạo, hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho những người yếu thế, phụ nữ. Năm 2027: Định vị thương hiệu và phát triển bền vững; trở thành một trong thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm OCOP tại Việt Nam; tăng cường các hoạt động truyền thông và quảng bá để nâng cao nhận diện thương hiệu; hợp tác với các cơ sở sản xuất nghiên cứu và phát triển các sản phẩm OCOP mới đáp ứng nhu cầu thị trường.
Vũ Văn Hưng