Triển lãm thu hút hơn 300 đại biểu đến tham dự, với 25 gian hàng trưng bày của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh có sản phẩm, thiết bị, dịch vụ công nghệ liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học như: công nghệ tạo phôi nấm bào ngư xám, phôi nấm linh chi đỏ; các sản phẩm nghiên cứu sản xuất thử nghiệm từ tinh dầu, trà linh chi túi lọc; các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo sản xuất hữu cơ; công nghệ nano UFB; công nghệ đá sệt trong bảo quản thủy sản; chế phẩm trừ vi sinh vật hại trong nông nghiệp; chế phẩm xử lý nước nuôi trồng thủy sản. Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (máy bay nông nghiệp; hệ thống châm định lượng phân bón tự động; công nghệ và thiết bị tưới bù áp…); các thành tựu về sáng tạo kỹ thuật có khả năng ứng dụng cao vào thực tiễn sản xuất (giải pháp truy xuất nguồn gốc và chống giả cho nông sản ứng dụng công nghệ lượng tử nano; nền tảng quản lý QR code xác thực truy xuất thông tin nông sản…).
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu Lương Thị Lệ Hằng phát biểu khai mạc sự kiện.
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu Lương Thị Lệ Hằng cho biết, thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/03/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IX và Kết luận số 06-KL/TW ngày 01/09/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XII về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, công nghệ sinh học Việt Nam đã có những bước tiến nhanh chóng, được ứng dụng rộng rãi vào các ngành sản xuất và đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, y dược, thực phẩm và môi trường. Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến những thay đổi sâu sắc đối với các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công nghệ sinh học. Trên nền tảng những công nghệ lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành công nghệ sinh học của Việt Nam đã có những thay đổi quan trọng, mở ra nhiều triển vọng phát triển mới. Ngày nay, các chế phẩm sinh học được ứng dụng vào nông nghiệp đã trở nên phổ biến nhằm thay thế việc sử dụng thuốc hóa học bảo vệ thực vật, kháng sinh trong phòng, trừ dịch hại, giúp cải tạo đất, cung cấp bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng. Việc sử dụng chế phẩm sinh học trong nông nghiệp đã chứng minh được ưu điểm vượt trội, đem lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân như: giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng và năng suất nông sản và không gây ô nhiễm môi trường. Giám đốc Lương Thị Lệ Hằng bày tỏ mong muốn, thông qua sự kiện này các đơn vị có thể giới thiệu, chia sẻ một số kết quả nổi bật về những thành tựu của công nghệ, quy trình kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp. Từ đó đẩy mạnh việc ứng dụng các chế phẩm công nghệ sinh học vào trong sản xuất và đời sống. Góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường. Đồng thời, tạo điểm đến tham quan, chia sẻ kinh nghiệm, bài học thực tế từ các dự án đã được ứng dụng thành công trong sản xuất nông nghiệp, một số kết quả nổi bật của các nhiệm vụ về công nghệ sinh học và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai tại các địa phương góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm “bức tranh” khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó thúc đẩy niềm đam mê nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Huyền Trân