Cửa sổ có thể giúp lấp đầy căn phòng bằng ánh sáng tự nhiên, nhưng chúng cũng là cánh cổng chính để ánh nắng mặt trời làm thay đổi nhiệt độ trong phòng. Khi trời lạnh, khoảng 30% nhiệt bên trong có thể thoát ra thông qua cửa sổ, trong khi vào thời tiết nắng nóng, khoảng 76% ánh sáng mặt trời chiếu vào cửa sổ sẽ đi vào dưới dạng nhiệt.
Lớp phủ cửa sổ sẽ giúp hạn chế tối đa nhiệt vào phòng (nguồn: internet).
Các nhà nghiên cứu tại POSTECH và Đại học Hàn Quốc đã tạo ra một lớp phủ cửa sổ có thể giúp hạn chế nhiệt thâm nhập vào phòng. Nhóm nghiên cứu đã thiết kế một vật liệu có thể tỏa nhiệt ra ngoài trong khi vẫn cho phép ánh sáng đi qua. Vật liệu này bao gồm 3 lớp, có vai trò khác nhau. Lớp trên cùng là polydimethylsiloxane (PDMS), phát ra bức xạ hồng ngoại xa, được cảm nhận dưới dạng nhiệt. Ở giữa là một lớp bạc mỏng, phản xạ hầu hết phần còn lại của quang phổ mặt trời; lớp này chứa đầy các lỗ nhỏ, cho phép ánh sáng khả kiến đi qua. Lớp thứ ba là gương Bragg (gương điện môi), được thiết kế đặc biệt để phản xạ các bước sóng của quang phổ hồng ngoại gần; lớp này bao gồm các lớp xen kẽ của titan dioxit và magie florua.
Giáo sư Junsuk Rho - tác giả liên hệ của nghiên cứu cho biết, trong các thử nghiệm, vật liệu mới này được phát hiện có thể giữ cho bề mặt kính mát hơn 22,1oC so với kính chỉ được phủ PDMS. Đó là một trong những hiệu ứng làm mát lớn nhất mà nhóm nghiên cứu từng thấy với loại lớp phủ này. Các nhà khoa học hy vọng, vật liệu này có thể được áp dụng cho cửa sổ để giữ cho nội thất tòa nhà mát hơn mà không làm mất ánh sáng, giảm sự phụ thuộc của con người vào hệ thống sưởi ấm và làm mát. Theo nhóm nghiên cứu, công nghệ này đã sẵn sàng để sản xuất hàng loạt và có tiềm năng lớn trong các ứng dụng kiến trúc và môi trường. Tác dụng quan trọng nhất của tấm dán này là tản nhiệt hiệu quả và giảm mức tiêu thụ năng lượng, giúp định vị loại vật liệu này là công nghệ quan trọng cho tương lai bền vững.
TXB (theo Pohang University of Science and Technology)