Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, Dự án MAIC nằm trong khuôn khổ Chương trình “Dự án nông nghiệp và thực phẩm” (MAIC-RAF) do CSIRO tài trợ. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng diễn đàn trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đổi mới sáng tạo trong nuôi tôm nước lợ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với sự tham gia của nhiều đối tác, bao gồm người nuôi tôm, công ty/doanh nghiệp thủy sản, cơ quan quản lý thủy sản, hiệp hội thủy sản, viện nghiên cứu/trường đại học, ngân hàng, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam và cựu sinh viên ngành thủy sản.
GS.TS Trần Ngọc Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ phát biểu tại Hội thảo.
Trong giai đoạn 2022-2024, Dự án MAIC đã đạt được nhiều thành tựu nhất định và hoạt động với mục tiêu đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường kết nối giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp, cộng động; phát triển các hoạt động liên quan đến bình đẳng giới, khuyết tật và hòa nhập xã hội, góp phần mang đến kiến thức, kinh nghiệm cho nông dân nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong giai đoạn tới, Trường Đại học Cần Thơ sẽ tập trung thúc đẩy áp dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và các giải pháp tự động hóa nhằm góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu của nghề nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Minh Đức