Những kết quả nổi bật
Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ
Năm 2024, Sở KH&CN Quảng Ninh đã phối hợp quản lý ba nhiệm vụ thuộc Chương trình Nông thôn miền núi và một nhiệm vụ KH&CN cấp thiết địa phương sử dụng ngân sách nhà nước cấp quốc gia; quản lý 38 nhiệm vụ chuyển tiếp và triển khai các bước để phê duyệt 17 nhiệm vụ; xác định danh mục nhiệm vụ và trình UBND tỉnh báo cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cho ý kiến đối với nội dung dự thảo Quyết định phê duyệt danh mục nhiệm vụ “Nghiên cứu, biên soạn mới địa chí Quảng Ninh”; tham mưu UBND tỉnh xây dựng Quy định về quản lý nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh … Các nhiệm vụ đều đạt chỉ tiêu và đúng tiến độ đặt ra.
Hoạt động sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ và hạt nhân
Ở lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN Quảng Ninh đã hướng dẫn các địa phương gia hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024; hướng dẫn hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động KH&CN theo Nghị quyết số 313/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ngày 09/12/2020 về cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh, với số tiền 1.180 triệu đồng; hướng dẫn 150 đơn vị xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ…
Trong lĩnh vực an toàn bức xạ và hạt nhân: Thẩm định, cấp 30 giấy phép tiến hành công việc bức xạ; 17 chứng chỉ nhân viên bức xạ cho các cá nhân; 15 giấy xác nhận khai báo thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế... 100% hồ sơ của các tổ chức, cá nhân nộp trực tuyến, thành phần hồ sơ đảm bảo theo quy định và đều được giải quyết đúng/trước hạn.
Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ
Năm 2024, Sở KH&CN Quảng Ninh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, xác định việc đảm bảo công nghệ, môi trường, chủ trương, địa điểm quy hoạch cho khoảng 250 lượt hồ sơ, dự án của các đơn vị trong tỉnh. Các hồ sơ được nghiên cứu, tham gia ý kiến bám sát theo quy định của pháp luật với quan điểm kiên quyết không chấp thuận các dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu đầu tư trên địa bàn tỉnh; qua đó, giúp doanh nghiệp tiếp cận với các công nghệ mới, hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Bên cạnh đó, Sở KH&CN Quảng Ninh đã triển khai Quyết định số 3354/QĐ-UBND ngày 15/11/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt “Chương trình phát triển doanh nghiệp KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025”. Theo đó, Sở đã cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho 2 doanh nghiệp, hướng dẫn 4 doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ. Hiện nay, tổng số doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh là 27 doanh nghiệp; trình UBND tỉnh phê duyệt đề cương, dự toán đề án phát triển thị trường KH&CN tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030.
Trong công tác đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp: Sở KH&CN Quảng Ninh đã tổ chức 2 phiên gặp mặt doanh nghiệp KH&CN với các chủ đề “Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” và “Cà phê doanh nghiệp KH&CN”, qua đó lồng ghép, phổ biến quy định của pháp luật về doanh nghiệp KH&CN; điều kiện thành lập doanh nghiệp KH&CN và cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN; hướng dẫn, tư vấn doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN; hướng dẫn, giải đáp các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh ứng dụng khoa học và công nghệ vào chế biến các sản phẩm ruốc hàu, ruốc cá, ruốc tép, ruốc bề bề.
Về hoạt động đổi mới sáng tạo: Trong khuôn khổ Tuần lễ Mini Week Thái Lan diễn ra tại Quảng Ninh, ngày 29/03/2024, Sở KH&CN Quảng Ninh đã tổ chức buổi làm việc “Trao đổi, kết nối tìm hiểu một số mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Thái Lan và của Quảng Ninh”. Buổi làm việc đã tạo cơ hội kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp của Quảng Ninh với các doanh nghiệp Thái Lan nhằm phát triển kinh doanh, thương mại, đầu tư, ứng dụng KH&CN; Ngày 16/05/2024, Sở KH&CN phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “Ứng dụng khoa học công nghệ phát triển kinh tế tuần hoàn trong kỷ nguyên số: Hình thành và thúc đẩy nền kinh tế xanh, phát triển bền vững”…
Quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng
Công tác thực thi hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (gọi tắt là Hiệp định TBT): Hàng tháng, Sở KH&CN Quảng Ninh phối hợp với Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật tỉnh xuất bản bản tin KH&CN; Đăng tải 30-40 tin, bài trên trang web TBT Quảng Ninh; tham gia tập huấn về TBT cho mạng lưới TBT Việt Nam năm 2024 tại Đà Nẵng.
Nhân viên Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng kiểm định đo lường.
Thực hiện bảo trì, vận hành phần mềm ISO điện tử theo TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Ninh; tham mưu ban hành Quyết định số 578/QĐ-UBND ngày 23/02/2024 về việc kiện toàn ban chỉ đạo ISO của tỉnh; xây dựng Kế hoạch hoạt động ban chỉ đạo ISO của tỉnh; tổ chức 2 lớp đào tạo chuyên sâu ISO 9001:2015 cho lãnh đạo, thư ký ISO; tổ chức kiểm tra việc áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 tại 10 sở, ngành và 4 huyện; Áp dụng thí điểm TCVN ISO 18091:2020 tại một số UBND cấp huyện và UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Năm 2024, Sở KH&CN đã kiểm định, thử nghiệm, hiệu chuẩn cho 18.500 phương tiện đo (đạt 102,7% chỉ tiêu); Đến 31/12/2024, ước tính sẽ tư vấn cho 36/50 đơn vị (đạt 72% chỉ tiêu); Trong công tác giải quyết thủ tục hành chính, Sở đã xác nhận đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu cho gần 400 hồ sơ qua Cổng dịch vụ công tỉnh và cổng điện tử 1 cửa quốc gia, 100% hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả trước và đúng hẹn. Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh được chú trọng. Các doanh nghiệp được hỗ trợ đổi mới hoạt động đo lường nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Tuyên truyền phổ biến thông tin KH&CN
Trong năm 2024, nhiều tin, bài, phóng sự, chuyên mục KH&CN trên các phương tiện truyền thông như cổng thông tin, báo in, báo điện tử và truyền hình Quảng Ninh đã được sản xuất, đăng tải. Qua đó, tuyên truyền sâu rộng về các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về KH&CN; kết quả hoạt động KH&CN trên các lĩnh vực; tuyên truyền những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, những tấm gương điển hình tiên tiến trong hoạt động KH&CN: Các ấn phẩm thông tin KH&CN được cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác về các hoạt động KH&CN trong tỉnh, trong nước và quốc tế…
Định hướng phát triển
Năm 2025, tỉnh Quảng Ninh xác định chủ đề công tác là:“Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới”. Để thực hiện tốt chủ đề này, Sở KH&CN xác định tập trung vào các nhiệm vụ sau:
Bám sát và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết, chương trình, kế hoạch trọng tâm của tỉnh như: Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/4/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; Chương trình hành động số 35/CTr-UBND ngày 08/02/2024 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội và Chương trình hành động số 01-CT/TU ngày 09/10/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025; Chương trình hành động số 2163/CTr-UBND ngày 09/08/2023 của UBND tỉnh Quảng Ninh về thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/4/2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; Quyết định số 1919/QĐ-UBND ngày 01/07/2024 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án Phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...
Tham mưu ban hành các nghị quyết của HDND tỉnh về: Chính sách đặc thù hỗ trợ lưu giữ, khai thác và phát triển bền vững các nguồn gen có giá trị bảo tồn, có giá trị kinh tế cao; Quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản của các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước đối với nguồn kinh phí thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Quảng Ninh và thẩm quyền quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ đối với nguồn kinh phí KH&CN thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Quảng Ninh; Quy định định mức chi lấy ý kiến chuyên gia tư vấn và tổ chức các Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ; Thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư; Xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên; Giám định chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư; Sơ tuyển Giải thưởng chất lượng quốc gia; Cơ chế chính sách phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030.
Trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện: Đề án Khu trình diễn, giới thiệu, chuyển giao mô hình thực nghiệm ứng dụng tiến bộ KH&CN, lưu trữ nguồn gen; Đề án Phát triển thị trường KH&CN tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030; Đề án Xây dựng trung tâm khám phá khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Chương trình khung về nhiệm vụ KH&CN đến năm 2030...
Triển khai các nhiệm vụ, dự án trọng tâm: Nhiệm vụ “Chuyển đổi số quy trình quản lý nhiệm vụ KH&CN, mô hình hóa một số kết quả nhiệm vụ KH&CN”; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Bảo trì, vận hành phần mềm ISO điện tử theo TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động các cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Ninh; Chương trình phát triển doanh nghiệp KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, an toàn bức xạ đảm bảo đóng góp hiệu quả nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hoá, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, minh bạch quy trình xử lý, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức và cá nhân; Cập nhật, bổ sung kế hoạch ứng phó sự cố phóng xạ cấp tỉnh.
Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thực hiện các mô hình chuyển đổi số, qua đó góp phần nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.
BL