Một số kết quả đã đạt được
Về chủ trương, chính sách: Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 43/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghiệp cốt lõi.
Việt Nam đã có các cơ chế chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong Luật Thủ đô, các nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số thành phố như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Về cơ sở hạ tầng: Việt Nam đã thành lập sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cũng như các Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Hòa Lạc…, là điểm đến tiềm năng trong quá trình chuyển dịch chuỗi sản xuất bán dẫn và thu hút vốn FDI của các tập đoàn công nghiệp bán dẫn lớn trên thế giới như: Amkor, Samsung, Hana Micron, Foxconn… Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhà đầu tư tốt như: Viettel, FPT, Phenikaa đang triển khai chiến lược phát triển, đẩy mạnh các dự án cụ thể trong lĩnh vực bán dẫn. Ngoài ra còn có các sartup tiềm năng về bán dẫn như Infrasen, VnChip, Hyphen Deux.
Về hợp tác quốc tế: Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Hoa Kỳ cũng như triển khai các chương trình hợp tác trong khuôn khổ Quỹ Đổi mới sáng tạo và an ninh công nghệ quốc tế (ITSI) về phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Đồng thời đã chủ động tổ chức, kết nối đầu tư, kinh doanh thông qua đa dạng các hoạt động như: Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam; mời gọi, đón tiếp các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới tìm hiểu môi trường đầu tư, hướng tới sản xuất, kinh doanh và xây dựng cứ điểm tại Việt Nam.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban chỉ đạo xác định nhu cầu về vốn đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn là rất lớn, nhưng cơ chế ưu đãi đặc thù để hỗ trợ đầu tư, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia lĩnh vực này còn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; hạn chế về cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu phát triển, đào tạo, ươm tạo cũng như phục vụ sản xuất, kinh doanh; hạn chế tiếp cận công nghệ tiên tiến và thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cần thiết để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn… là những khó khăn, thách thức cần giải quyết. Do vậy, Ban chỉ đạo đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện như sau:
Với các bộ, ngành địa phương: Cần chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành; tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn theo chủ trương, định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 và Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường hợp tác với các quốc gia, nền kinh tế sở hữu năng lực sản xuất bán dẫn, tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, vật liệu, linh kiện bán dẫn; nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản trị thông minh liên quan đến tổ chức, sản xuất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nghiên cứu, thiết lập cơ chế một cửa liên thông quốc gia để hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục hành chính, đầu tư và các vấn đề liên quan khác, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp bán dẫn, tư vấn, tiếp nhận, tham mưu cấp phép và theo dõi tiến độ các dự án đầu tư về công nghiệp bán dẫn…
Bộ Khoa học và Công nghệ: Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và nâng cao năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là phát triển các công nghệ lõi, sản phẩm chip chuyên dụng.
Bộ Thông tin và Truyền thông: Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt là các nhóm nhiệm vụ cụ thể: phát triển chip chuyên dụng; phát triển công nghiệp điện tử. Phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, đo lường sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Bộ Ngoại giao: Xây dựng Đề án thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu về chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài và các cơ sở đào tạo giáo dục, trường đại học ở nước ngoài và có kế hoạch tiếp cận, phát huy, kết nối hợp tác hiệu quả với Việt Nam.
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, trong đó có việc nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai mô hình liên kết giữa nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn bảo đảm hiệu quả, chất lượng; hỗ trợ các trường phổ thông triển khai thực hiện có hiệu quả giáo dục STEM, lan tỏa và khuyến khích học sinh, sinh viên theo học STEM, làm nền tảng cho nguồn nhân lực các ngành công nghệ cao, trong đó có ngành bán dẫn trong tương lai…
Công Thường