Chiến lược phát triển giáo dục xác định phát triển giáo dục Việt Nam hiện đại, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, phát triển toàn diện con người Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới, chủ động tham gia và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các tiến bộ mới nhất của khoa học và công nghệ; chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Phát triển hệ thống giáo dục mở, đảm bảo công bằng và bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, phục vụ học tập suốt đời, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa, hội nhập quốc tế. Đến năm 2030, giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á và đến năm 2045 đạt trình độ tiên tiến của thế giới.
Chiến lược chiến lược phát triển giáo dục ưu tiên nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học của Việt Nam để gia nhập các hệ thống trích dẫn có uy tín của khu vực và thế giới.
Chiến lược phát triển giáo dục xác định nội dung của giáo dục đại học đến năm 2030: số sinh viên đại học/vạn dân đạt ít nhất là 260, tỷ lệ sinh viên đại học trong nhóm độ tuổi 18-22 đạt ít nhất 33%, tỷ lệ sinh viên quốc tế theo học các chương trình giáo dục đại học tại Việt Nam đạt 1,5%; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt ít nhất 40%. Dịch chuyển cơ cấu trình độ và ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế tri thức và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu; tỷ trọng quy mô đào tạo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) đạt 35%. Mở rộng không gian phát triển và nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm 100% cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn. Phấn đấu 100% cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo các chu kỳ kiểm định phù hợp. Số lượng công bố khoa học và công trình ứng dụng khoa học công nghệ tính bình quân trên 01 giảng viên toàn thời gian đạt 0,6 công trình/năm. Có ít nhất 05 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 500 trường đại học tốt nhất thế giới, 05 cơ sở giáo dục đại học vào nhóm 200 trường đại học hàng đầu châu Á; Việt Nam nằm trong 4 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất khu vực Đông Nam Á và trong 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á.
Với giáo dục thường xuyên, phấn đấu tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 trong độ tuổi 15-60 đạt 99,15%; trong đó tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 trong độ tuổi 15-60 ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 98,85%. Có 90% các tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Triển khai mô hình thành phố học tập trên toàn quốc; có ít nhất 50% huyện/quận/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận danh hiệu huyện/thành phố học tập và 35% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được công nhận danh hiệu tỉnh, thành phố học tập. Phấn đấu có 10 đơn vị hành chính tham gia vào Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO vào năm 2030.
Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, Chiến lược phát triển giáo dục sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện thể chế. Theo đó, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách về giáo dục, đào tạo và các lĩnh vực có liên quan theo hướng khoa học, hiện đại, đồng bộ, liên thông, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và thực tiễn ở nước ta, tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho phát triển giáo dục và đào tạo.
Hai là, đổi mới quản lý giáo dục và quản trị nhà trường. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước về giáo dục; đổi mới bộ máy quản lý theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, liên thông trong quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương và các cơ sở giáo dục, trong hệ thống giáo dục quốc dân từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đến giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến…
Ba là, thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục. Thực hiện công bằng và bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, nhất là của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo, khu đô thị đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất và các các đối tượng là trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, phụ nữ và trẻ em gái, những đối tượng yếu thế khác.
Bốn là, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Phát triển hệ thống giáo dục theo hướng mở; linh hoạt, đa dạng hoá các mô hình đào tạo, chương trình giáo dục, phương thức học tập, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục để phù hợp với mọi đối tượng người học, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Gắn kết liên thông giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Năm là, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục. Theo đó, đổi mới Chương trình giáo dục mầm non bảo đảm đồng bộ về nội dung và phương pháp, tiếp cận xu hướng tiên tiến về phát triển chương trình, phù hợp với tình hình thực tiễn. Thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông hướng đến phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực từng cá nhân người học; đẩy mạnh phương thức giáo dục tích hợp Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ, Toán học (STEM) và nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông...
Sáu là, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên ngành giáo dục đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, hợp lý và đồng bộ về cơ cấu đội ngũ, đạt chuẩn nghề nghiệp.
Bảy là, bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục. Bố trí ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo bảo đảm đạt tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước theo quy định và quản lý sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo. Kịp thời điều chỉnh tăng mức chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế. Tám là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục. Theo đó, triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị, quản lý giáo dục; hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu toàn ngành giáo dục, đồng bộ, thống nhất kết nối dữ liệu từ các cơ sở giáo dục, các cấp quản lý giáo dục, kết nối dữ liệu giữa ngành giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia; tất cả cơ sở giáo dục triển khai dạy học, quản lý nhà trường trên nền tảng số bảo đảm thiết thực và hiệu quả, tạo nên hệ sinh thái chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục.
Chín là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học. Chiến lược ưu tiên đầu tư nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học; ưu tiên đầu tư phát triển khoa học cơ bản, khoa học mũi nhọn, công nghệ mới và nghiên cứu ứng dụng những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh; phát triển một số cơ sở giáo dục đại học trở thành hạt nhân thúc đẩy mạng lưới trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ ưu tiên của công nghệ 4.0. Tăng cường công bố khoa học, khuyến khích xuất bản và phổ biến các công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế, bảo đảm liêm chính học thuật. Nâng cao chất lượng tạp chí khoa học của các cơ sở giáo dục đại học để gia nhập hệ thống trích dẫn có uy tín của khu vực và thế giới.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tập trung đẩy mạnh gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu, phát triển khoa học và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học và tạo ra tài sản trí tuệ. Tăng cường nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, khuyến khích thành lập doanh nghiệp ứng dụng chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học. Hình thành văn hóa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục từ phổ thông đến đại học; hình thành mạng lưới đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học.
Phát triển nghiên cứu khoa học giáo dục và khoa học quản lý giáo dục; tập trung đầu tư nâng cao tiềm lực và hiệu quả hoạt động của cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục quốc gia. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và chuyên gia giáo dục. Tiếp tục triển khai Chương trình nghiên cứu cấp quốc gia về khoa học giáo dục và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học giáo dục ở các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Ngoài ra, Chiến lược cũng sẽ ưu tiên tăng cường hội nhập quốc tế. Chủ động mở rộng hợp tác song phương và đa phương; thúc đẩy hợp tác với các nước ASEAN và các nước có nền giáo dục chất lượng hàng đầu thế giới. Đẩy mạnh việc ký kết và triển khai hiệu quả các thỏa thuận, điều ước quốc tế, trong đó ưu tiên thực hiện các cam kết quốc tế, khu vực về mục tiêu phát triển giáo dục, chương trình, dự án và các chương trình học bổng hiệp định. Tăng cường đưa tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ra nước ngoài; nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho người nước ngoài ở Việt Nam.
CT