Thứ năm, 16/01/2025 17:22

Khoa học xã hội nhân văn trong thời đại công nghệ và đổi mới sáng tạo

Trong kỷ nguyên số, khi công nghệ đang dẫn đầu sự thay đổi trên mọi lĩnh vực, có một câu hỏi ngày càng trở nên cấp thiết: Liệu công nghệ có đủ khả năng giải quyết mọi vấn đề của con người, xã hội và hành tinh? Hay chính chúng ta cần một "bản đồ" tư duy nhân văn để định hướng công nghệ phát triển theo cách bền vững và mang lại giá trị thực sự? Nhiều nhà lãnh đạo tập đoàn lớn trên thế giới đã khẳng định công nghệ chỉ có thể đạt đến đỉnh cao khi được dẫn dắt bởi tư duy nhân văn và những hiểu biết sâu sắc về xã hội, văn hóa và con người... Nhưng tại Việt Nam, khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) vẫn còn gặp phải không ít định kiến, bị xem là lĩnh vực hàn lâm, "xa rời thực tế" hoặc "không thiết thực". Phóng viên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam có cuộc trò chuyện với PGS.TS Đỗ Hương Lan - Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề này.

PGS.TS Đỗ Hương Lan phát biểu tại Tọa đàm “Thách thức sáng tạo xã hội trong bối cảnh hiện nay và cơ hội khởi nghiệp cho sinh viên khoa học xã hội và nhân văn” diễn ra tháng 1/2025 (nguồn: USSH Media).

Công nghệ có thể giúp phát triển rất nhanh, nhưng tư duy nhân văn mới giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững

Phóng viên: ngày nay, công nghệ số đang chi phối mạnh mẽ các lĩnh vực trong cuộc sống. Theo Phó Giáo sư thì vai trò của khoa học xã hội và nhân văn có còn ý nghĩa trong bối cảnh này hay không?

PGS.TS Đỗ Hương Lan: Như chúng ta đã biết, sự tiến hóa của xã hội qua các cuộc cách mạng công nghiệp hay đổi mới sáng tạo đều có mục đích cuối cùng là thỏa mãn nhu cầu vô hạn của con người. Khi lấy con người làm trung tâm thì phải nghiên cứu về con người và chuổi giá trị phục vụ con người. Ngày càng nhiều doanh nghiệp và tổ chức lớn trên thế giới nhận ra rằng, công nghệ không thể vận hành độc lập khỏi yếu tố con người. Steve Jobs (doanh nhân và nhà sáng chế người Mỹ, là đồng sáng lập viên, cựu chủ tịch và tổng giám đốc điều hành Hãng Apple) từng nói: "Chỉ khi công nghệ hòa quyện với nghệ thuật và nhân văn, chúng ta mới có thể tạo ra những sản phẩm khiến trái tim chúng ta hát ca". Đây không chỉ là triết lý của Apple mà còn là chìa khóa thành công của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.

Hãy nhìn vào các hãng như Google, IBM hay Walt Disney, họ không chỉ tuyển dụng kỹ sư hay nhà phân tích dữ liệu mà còn chiêu mộ các nhà nhân học, văn hóa học và thậm chí cả nhà sử học. Những chuyên gia này mang lại góc nhìn nhân văn, giúp các tổ chức hiểu sâu hơn về hành vi người tiêu dùng, văn hóa địa phương và cả yếu tố đạo đức trong công nghệ. Hiện nay ở Mỹ, các công ty lớn cũng có xu hướng tuyển dụng nhân sự được đào tạo về triết học, lịch sử và nhân học. Đó là lý do khiến KHXH&NV không chỉ ý nghĩa, mà còn là yếu tố cốt lõi trong kỷ nguyên số và đổi mới sáng tạo

Phóng viên: có ý kiến cho rằng, khoa học xã hội và nhân văn thường bị xem là lĩnh vực hàn lâm, đôi khi còn được đánh giá là "xa rời thực tế". Phó Giáo sư nghĩ sao về nhận định này?

PGS.TS Đỗ Hương Lan: đây là một cách hiểu khá phổ biến, nhưng thực tế đang chứng minh điều ngược lại. KHXH&NV ngày nay không chỉ "nghiên cứu cho biết", nâng cao nhận thức mà còn "nghiên cứu để hành động". Ví dụ, trong chiến lược kinh doanh của Tập đoàn Unilever, các nhà nhân học đã nghiên cứu thói quen vệ sinh của người dân ở các khu vực nông thôn tại Ấn Độ. Kết quả là họ đã tạo ra các sản phẩm xà phòng nhỏ gọn, giá rẻ phù hợp với nhu cầu thực tế. Điều này không chỉ thúc đẩy doanh thu mà còn cải thiện sức khỏe cộng đồng. Tại Google, có 2 triết lý quan trọng mà nền tảng là hành vi của con người chứ không phải là tiến bộ công nghệ. Triết lý thứ nhất là về thiết kế sản phẩm “cho mọi người” (Building for Everyone) nhấn mạnh sự cần thiết phải kết hợp hiểu biết từ khoa học xã hội, hành vi và nhân văn để thiết kế công nghệ hòa nhập, khiến cho "một người với bất cứ trình độ, văn hóa, sắc tộc nào cũng có thể sử dụng sản phẩm một cách dễ dàng, hữu ích". Triết lý này đặt con người làm trung tâm, từ đó tạo ra những sản phẩm vừa có ý nghĩa xã hội vừa thúc đẩy sự đổi mới bền vững. Triết lý thứ hai về xây dựng nguồn nhân lực "Search Inside Yourself" kết hợp trí tuệ cảm xúc, khoa học thần kinh và thực hành chánh niệm nhằm giúp cá nhân phát triển sự tự nhận thức, khả năng tập trung và lòng trắc ẩn, từ đó cải thiện hiệu suất công việc và hạnh phúc cá nhân một cách bền vững.

Tại Việt Nam, tôi thấy KHXH&NV cũng đang đóng vai trò ngày càng quan trọng, mang tính dẫn dắt trong việc nghiên cứu cơ chế, chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và khu vực, cho đến những nghiên cứu phục vụ doanh nghiệp, điển hình như nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng, giải pháp giảm đau (pain killers) và tạo giá trị gia tăng (gain creators) trong các mô hình kinh doanh… Chúng ta cần nhìn nhận KHXH&NV như một lĩnh vực góp phần tạo nên những giải pháp thực tế, bền vững.

Phóng viên: Phó Giáo sư có thể chia sẻ thêm về vai trò của tư duy nhân văn trong các tổ chức kinh doanh lớn hiện nay?

PGS.TS Đỗ Hương Lan: các tổ chức lớn hiểu rằng, công nghệ có thể phát triển rất nhanh, nhưng chính tư duy nhân văn mới giữ cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Một ví dụ nổi bật là Tập đoàn Walt Disney dưới sự lãnh đạo của Bob Iger - có xuất thân từ ngành lịch sử và sân khấu, nhờ đó ông có hiểu sâu sắc về kể chuyện và cảm xúc khán giả. Tất nhiên, Bob Iger còn phải có kiến thức về tài chính, mua bán và sáp nhập cũng như quản trị doanh nghiệp. Sự kết hợp giữa góc nhìn nghệ thuật và chiến lược kinh doanh đã giúp Walt Disney mở rộng thị trường toàn cầu, từ sản xuất phim đến phát triển các công viên giải trí mang tính biểu tượng.

Một ví dụ khác là IBM. Họ đã tuyển dụng các nhà nhân học để giúp nghiên cứu cách công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng trong thực tế, đảm bảo rằng, các hệ thống AI không chỉ hiệu quả mà còn phù hợp với giá trị và nhu cầu con người.

Rất nhiều các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực tài chính và các nhà quản lý cấp cao tại các ngân hàng lớn đều có nền tảng về nghệ thuật, thẩm mỹ và khoa học nhân văn. Việc học tài chính và tham gia các khóa học kinh doanh là điều không khó, đặc biệt nếu bạn đã có sự hiểu biết nền tảng về con người, lịch sử và văn hóa.

Tư duy nhân văn giúp các tổ chức trả lời những câu hỏi quan trọng: công nghệ này có thực sự mang lại lợi ích cho con người? Nó có tạo ra khoảng cách bất bình đẳng không? Công nghệ ngày nay vừa là tác nhân, vừa là kênh dẫn, vừa là kết quả của những biến chuyển đặc thù trong hành vi và tâm lý con người thời đại mới. Những sự thay đổi này đòi hỏi phải có sự đánh giá và tương tác nhiều chiều. Bằng cách đó, KHXH&NV góp phần quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và tạo giá trị xã hội.

Khoa học xã hội và nhân văn hỗ trợ các startup và tổ chức đổi mới sáng tạo

Phóng viên: được biết, mới đây Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn bắt đầu đẩy mạnh triển khai các chương trình đổi mới sáng tạo xã hội. Quan điểm của Phó Giáo sư về vai trò của khoa học xã hội và nhân văn trong những xu hướng đổi mới sáng tạo này là gì?

PGS.TS Đỗ Hương Lan: đổi mới sáng tạo xã hội - sử dụng công nghệ để tạo ra các giải pháp sáng tạo, giúp giải quyết các thách thức xã hội và môi trường, góp phần tạo ra giá trị xã hội bền vững - đang trở thành một xu hướng toàn cầu. Các dự án đổi mới sáng tạo xã hội kết hợp giữa tư duy nhân văn và công nghệ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống và giải quyết các bất bình đẳng xã hội.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về thu hút đầu tư cho Khởi nghiệp năm 2023 ở Israel - Quốc gia khởi nghiệp, với khẩu hiệu: “Khởi nghiệp để cứu hành tinh” (Startups Save the Planet), các startup đã giới thiệu nhiều giải pháp công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường. Hội nghị này đã khẳng định một xu hướng rõ nét: công nghệ không chỉ là công cụ, mà còn phải là cầu nối giải quyết những vấn đề cấp bách của con người và hành tinh. Tuy nhiên, để công nghệ thực sự phát huy giá trị, nó cần được dẫn dắt bởi tư duy nhân văn và khoa học và công nghệ phải vì mục tiêu dân sinh. Một ví dụ điển hình là các startup về năng lượng tái tạo tại Hội nghị này không chỉ dừng ở việc phát triển công nghệ tiên tiến như năng lượng mặt trời, mà còn nghiên cứu thói quen sử dụng năng lượng của các cộng đồng địa phương, từ đó triển khai các giải pháp phù hợp về mặt văn hóa và kinh tế. Đây là minh chứng cho thấy, nếu công nghệ không gắn kết với kiến thức xã hội và nhân văn sẽ khó lòng đạt được hiệu quả tối ưu.

Phóng viên: Phó Giáo sư có thể chia sẻ thêm về cách khoa học xã hội và nhân văn hỗ trợ các startup và tổ chức đổi mới sáng tạo trong phát triển bền vững?

PGS.TS Đỗ Hương Lan: KHXH&NV hỗ trợ các startup và tổ chức đổi mới sáng tạo ở ba khía cạnh lớn:

Thứ nhất, hiểu sâu về con người và xã hội: các nhà xã hội học, nhân học có thể nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, nhu cầu văn hóa và điều kiện xã hội tại các khu vực khác nhau. Điều này giúp các sản phẩm công nghệ không chỉ phù hợp mà còn mang lại giá trị thực sự cho cộng đồng.

Thứ hai, định hướng đạo đức: KHXH&NV đặt ra những câu hỏi quan trọng về tác động của công nghệ, đảm bảo rằng các giải pháp đổi mới không làm tổn hại đến quyền lợi của con người hoặc môi trường.

Thứ tư, tăng cường sự chấp nhận của xã hội: công nghệ chỉ thành công khi được cộng đồng chấp nhận. Các kiến thức từ KHXH&NV giúp xây dựng lòng tin và sự ủng hộ từ xã hội đối với các sáng kiến công nghệ, thu hẹp các khoảng trống trong cạnh tranh văn hóa và phát triển: làn sóng dân chủ hóa công nghệ giúp cho khối nhân văn chủ động thực thi các thử nghiệm và tương tác với đối tượng mục tiêu một cách nhanh chóng, trực diện, không bị phụ thuộc vào các tác nhân khác của nền kinh tế.

Phóng viên: theo Phó Giáo sư, Việt Nam có thể học hỏi gì từ các xu hướng đổi mới sáng tạo xã hội trên thế giới?

PGS.TS Đỗ Hương Lan: Việt Nam cần tận dụng tốt nguồn nhân lực trẻ và sự phát triển của công nghệ, đồng thời phải chú trọng hơn đến yếu tố xã hội và nhân văn trong các sáng kiến đổi mới. Một số bài học chúng ta có thể áp dụng bao gồm:

Một là, hợp tác liên ngành: kết hợp giữa kỹ thuật, công nghệ và KHXH&NV để tạo ra các sản phẩm và chính sách toàn diện hơn.

Hai là, khuyến khích giáo dục tư duy nhân văn: đưa các môn học nhân văn vào chương trình đào tạo trong các ngành kỹ thuật, kinh doanh và quản trị. Điều này sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu rằng KHXH&NV không chỉ là lý thuyết, mà còn có giá trị thực tiễn to lớn.

Ba là, đầu tư vào các dự án đổi mới sáng tạo xã hội: Chính phủ và các doanh nghiệp cần thúc đẩy các sáng kiến không chỉ tạo ra lợi nhuận mà còn giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường…

Hành trình trở thành nhà đổi mới sáng tạo xã hội

Phóng viên: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là trường đại học hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực xã hội và nhân văn. Phó Giáo sư có thể chia sẻ chi tiết hơn về những sáng kiến của Viện Chính sách và Quản lý nói riêng và Nhà trường nói chung trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo xã hội, đặc biệt là cách kết hợp giữa công nghệ và tư duy nhân văn để hỗ trợ giới trẻ không chuyên về công nghệ?

PGS.TS Đỗ Hương Lan: mới đây, chúng tôi công bố Chương trình Hành trình trở thành nhà đổi mới sáng tạo xã hội ("Road2Social Innovation”) của Trường Đại học KHXH&NV và sẽ triển khai ngay từ mùa xuân năm 2025. Đây sẽ là một không gian ươm tạo dành cho các nhà khởi nghiệp xã hội tương lai. Sáng kiến này nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo xã hội, dựa trên cốt lõi là tư duy nhân văn kết hợp với ứng dụng công nghệ hiện đại. Chúng tôi phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động trong Chương trình này như:

Học bổng Young Creators Program: hợp tác với các quỹ khởi nghiệp tạo tác động, các nhà sáng lập và tập đoàn công nghệ Zoho toàn cầu để cung cấp chương trình học bổng đặc biệt cho giảng viên và sinh viên. Chương trình này giúp phát triển các sản phẩm không cần lập trình (no-code), mở ra cơ hội cho những người không chuyên công nghệ có thể tạo ra các giải pháp đổi mới hiệu quả và dễ dàng.

Khoa học xã hội và nhân văn hữu ích và có giá trị ứng dụng cao (nguồn: BT).

Loạt thử thách "Bình dân hóa công nghệ": tổ chức các thử thách liên ngành dành cho sinh viên không chỉ tại Trường Đại học KHXH&NV mà còn mở rộng cho sinh viên các trường khác. Các thử thách này tập trung vào: nghiên cứu hành vi người dùng công nghệ; viết và bản địa hóa trang web hoặc ứng dụng để dễ dàng tiếp cận với nhiều đối tượng; sáng tạo nội dung đa phương tiện, quảng bá ý tưởng "toàn dân dùng công nghệ" để thu hút cộng đồng… Điều quan trọng là sinh viên sẽ làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp đồng hành, nhận hỗ trợ tài chính và kết nối thực tiễn.

Đây chỉ là haitrong số chuỗi các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo xã hội và khởi nghiệp cho sinh viên nằm trong Chương trình Road2Social Innovation. Chúng tôi kỳ vọng tạo ra được những dự án tốt để có thể đưa các sản phẩm thử nghiệm của sinh viên ra nước ngoài nhằm tạo cơ hội học hỏi quốc tế và mở ra hướng tiếp cận thị trường toàn cầu cho các dự án sáng tạo xã hội.

Tất cả các hoạt động trong sáng kiến Road2Social Innovation đều xoay quanh triết lý "tư duy nhân văn làm cốt lõi". Chúng tôi mong muốn truyền cảm hứng để sinh viên thấy rằng, nhân văn không phải là “hàn lâm”, tư duy và kiến thức xã hội nhân văn sẽ rất hữu ích và có giá trị ứng dụng cao, đồng thời công nghệ không phải là lĩnh vực xa vời, mà là công cụ để hiện thực hóa những giá trị nhân văn sâu sắc và đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Phóng viên: Phó Giáo sư có thông điệp nào muốn gửi đến các nhà khởi nghiệp và giới trẻ Việt Nam cũng như các bạn trẻ muốn theo đuổi lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn?

PGS.TS Đỗ Hương Lan: tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng, đổi mới sáng tạo không chỉ là công nghệ hay lợi nhuận, mà là cách chúng ta dùng sự sáng tạo của mình để giải quyết những vấn đề lớn lao của con người và hành tinh. Tư duy nhân văn chính là yếu tố cốt lõi, giúp chúng ta không chỉ tồn tại mà còn thịnh vượng trong một thế giới đầy biến động và phức tạp.

Giới trẻ Việt Nam với trí tuệ và sự sáng tạo không ngừng, hoàn toàn có thể trở thành những “nhà kiến tạo thay đổi toàn cầu” - những người không chỉ làm rạng danh đất nước mà còn dẫn dắt các xu hướng đổi mới sáng tạo xã hội trên phạm vi quốc tế. Các bạn không chỉ có cơ hội học hỏi mà còn có thể định hình tương lai của công nghệ, kinh doanh và văn hóa nhân loại.

Hãy tự tin rằng KHXH&NV không phải là lĩnh vực “cũ kỹ”, “nhàm chán” hay “lỗi thời”. Đây là nơi giúp bạn hiểu sâu sắc về con người, xã hội và văn hóa - những yếu tố không bao giờ mất đi giá trị, dù thế giới có thay đổi thế nào. Những ai theo đuổi lĩnh vực này sẽ trở thành các nhà lãnh đạo, nhà sáng tạo với tư duy nhân văn - một phẩm chất ngày càng quý giá trong thời đại số hóa.

Như Steve Jobs đã nói: "Công nghệ không đủ, nó cần phải kết hợp với nghệ thuật và nhân văn để làm nên điều kỳ diệu". Nếu giới trẻ Việt Nam biết cách kết hợp trí tuệ nhân văn với công nghệ, tôi tin rằng các bạn sẽ không chỉ làm cho Việt Nam trở thành điểm sáng trong đổi mới sáng tạo xã hội mà còn trở thành biểu tượng của sự cân bằng giữa tiến bộ công nghệ và giá trị chung của nhân loại trên thế giới.

Hãy tin vào sức mạnh của chính mình và không ngừng học hỏi. Các bạn chính là tương lai của một Việt Nam phát triển, hiện đại và đầy nhân văn!

Cảm ơn bà vì những chia sẻ đầy ý nghĩa và truyền cảm hứng. Chúng tôi hy vọng những chia sẻ của bà sẽ góp phần giúp độc giả nhận ra vai trò to lớn của khoa học xã hội và nhân văn trong thời đại công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Vũ Hưng (thực hiện)

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)