Thứ ba, 15/04/2025 16:20

Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phải là công cụ quan trọng hỗ trợ, là động lực thúc đẩy hoạt động S.T.I.D

Ngày 28/3/2025, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì buổi làm việc với Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia. Thông báo Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phải là công cụ quan trọng hỗ trợ, là động lực thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (S.T.I.D), ngược lại khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số giúp phát triển hoạt động tiêu chuẩn do lường chất lượng.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trong buổi làm việc với Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia ngày 28/03/2025 (nguồn: Hà My).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tiêu chuẩn không chỉ để kiểm soát, mà để dẫn dắt sự phát triển, nếu làm tốt, Việt Nam không chỉ bắt kịp thế giới, mà còn có thể thiết lập chuẩn mực mới, định hình xu hướng phát triển toàn cầu. Tiêu chuẩn phải là nền tảng kỹ thuật cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội, là một bộ phận của hệ thống thể chế, đóng vai trò nền tảng và dẫn dắt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gia tăng năng lực quản trị quốc gia. Tiêu chuẩn để thúc đẩy hội nhập và phải bao phủ toàn diện tất các ngành, lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường…

Đo lường phải phục vụ hiệu quả việc ra quyết định, đo lường để có số liệu chứng minh rõ ràng. Cần thay đổi văn hóa dùng cảm tính, trực quan nhiều hơn số liệu, để làm được điều này thì nhà nước phải có vai trò mạnh hơn trong giai đoạn đầu, xây dựng hệ thống đo lường độc lập, xây dựng văn hóa ra quyết định dựa trên kết quả số liệu. Hãy coi đo lường như nghiên cứu để phát triển, cần dùng chính sách nghiên cứu phát triển cho đo lường, vì đo lường phục vụ cho quá trình cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Chất lượng tạo ra niềm tin, là uy tín, danh dự, tự hào của doanh nghiệp, vì vậy để nâng cao chất lượng phải nhấn mạnh vào văn hóa trọng danh dự của người Việt Nam. Chất lượng là yếu tố cạnh tranh số một, là sự phát triển bền vững, uy tín của đất nước, là vấn đề sinh tồn của một doanh nghiệp, đồng thời nâng cao chất lượng cũng góp phần bảo vệ người tiêu dùng.

Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phải là công cụ quan trọng hỗ trợ, là động lực thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, ngược lại khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số giúp phát triển hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

Bên cạnh đó, tư duy kỹ trị là tư duy kỹ thuật trong quản trị hành chính, quản trị quốc gia, đưa chỉ tiêu kỹ thuật có định lượng vào quản trị. Từ bây giờ có thể nghiên cứu theo hướng mới là tư duy kỹ thuật trong quản trị, dựa trên các chỉ tiêu đầu ra, có đánh giá định lượng, có tính kỹ thuật. Tiêu chuẩn hóa phải tập trung vào các định hướng trọng tâm của Đảng, Nhà nước, các chiến lược quốc gia, các vấn đề lớn của xã hội, như mục tiêu tăng trưởng hai con số, công nghệ cao, công nghệ chiến lược, giải quyết các vấn đề trọng tâm của hai đô thị lớn (TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh), chất lượng môi trường, nhà máy điện hạt nhân, năng lượng xanh, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, nhân lực chất lượng cao…

Theo Bộ trưởng, mối quan hệ tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng còn cần có cả hoạt động cải tiến để hình thành mô hình khép kín như chu trình PDCA (Plan là làm tiêu chuẩn - Do là tạo ra sản phẩm/dịch vụ  - Check là đo lường, đánh giá - Act là quản lý chất lượng (giám sát, xử lý, cải tiến)), có tư duy này hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng mới tốt được.

Từ nhận thức chung nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần phải thực hiện một số nhiệm vụ ưu tiên sau:

Một là, khẩn trương xây dựng chỉ tiêu đầu ra của tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ; nếu không có chỉ tiêu đầu ra, không đo lường được, không đánh giá được thì không quản lý được, không thúc đẩy phát triển nền kinh tế được.

Hai là, xây dựng hệ sinh thái đo lường đáng tin cậy, dễ tiếp cận, phục vụ mọi cấp ra quyết định, để người dân cũng tư duy số liệu thì nhà nước phải đi đầu, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cần nghiên cứu tiêu chuẩn quy định chính sách phải có chỉ số đầu ra, tiến hành đo lường và công bố.

Ba là, xây dựng cơ sở dữ liệu tiêu chuẩn hóa. Để hoàn thiện cơ sở dữ liệu, ngoài việc thu thập dữ liệu thông qua các hệ thống thông tin báo cáo trực tuyến, phải có thêm hoạt động khảo sát để bảo đảm cập nhật đầy đủ dữ liệu đánh giá, do vậy Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cần nghiên cứu quan tâm việc khảo sát dữ liệu.

Bốn là, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia phải đặt mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp làm tiêu chuẩn, để  doanh nghiệp thấy việc áp dụng tiêu chuẩn là cách để hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, là cách tạo ra uy tín cho doanh nghiệp thay vì chỉ nghĩ đến việc đang phải tuân thủ các quy định quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó cần nghiên cứu các định hướng, tư duy mới để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng Sản phẩm, hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

CT

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)