Chủ động tiếp cận nguồn quỹ nghiên cứu - Chiến lược mở rộng tác động giáo dục và xã hội
PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho biết, vai trò cốt lõi của việc tiếp cận chủ động các nguồn quỹ khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu. Một cơ sở giáo dục có nền tảng nghiên cứu vững chắc thường dễ dàng thu hút được sinh viên xuất sắc, các quỹ tài trợ lớn và mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế. Ngược lại, nếu thiếu đầu tư vào nghiên cứu, Nhà trường sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp, tổ chức tài trợ và phát triển bền vững.

Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng có ưu thế trong các lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn và giáo dục.
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng với ưu thế trong các lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn và giáo dục trở thành nền tảng vững chắc để triển khai các nghiên cứu có tính ứng dụng cao, góp phần trực tiếp vào việc đổi mới giáo dục, đào tạo giáo viên và phục vụ cộng đồng. Bên cạnh đó, mạng lưới hợp tác chặt chẽ với các sở giáo dục, trường phổ thông và cơ quan quản lý giáo dục giúp nhà trường dễ dàng áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn giảng dạy và quản lý, nâng cao giá trị của các công trình khoa học. Tuy nhiên, việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và cơ bản vẫn còn gặp không ít thách thức. Những nghiên cứu này thường khó thu hút sự đầu tư từ doanh nghiệp do không tạo ra lợi nhuận ngay lập tức. Thêm vào đó, việc đánh giá tác động của các công trình nghiên cứu xã hội thường cần thời gian dài, trong khi nhiều đối tác lại mong muốn kết quả có thể ứng dụng ngay.
Ngoài thế mạnh trong giáo dục và xã hội, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng còn đạt được nhiều thành tựu trong các ngành khoa học tự nhiên như toán, vật lý, hóa học, sinh học và môi trường. Thời gian vừa qua, Nhà trường đã nỗ lực tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các cấp quản lý Nhà nước, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) và các bộ/ngành, qua đó triển khai thành công nhiều đề tài có tính ứng dụng cao. Mặc dù doanh thu từ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chưa chiếm tỷ trọng lớn, Nhà trường đã từng bước khẳng định vai trò trong lĩnh vực này, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và tìm kiếm các giải pháp thực tiễn phục vụ xã hội.
Một số ví dụ tiêu biểu cho thấy sự gắn kết giữa nghiên cứu và ứng dụng tại Nhà trường như: dự án chuyển giao công nghệ nuôi tảo xoắn tại huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại Hội An (Quảng Nam) và xã Hòa Bắc (Đà Nẵng), hỗ trợ bảo tồn tài nguyên tại Kon Hà Nừng (Gia Lai) và hợp tác với doanh nghiệp trong cải thiện mô hình nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long. Những dự án này thể hiện rõ cam kết của Nhà trường trong việc đóng góp thiết thực cho phát triển bền vững và gắn nghiên cứu với nhu cầu thực tiễn của địa phương.
Gắn nghiên cứu với thực tiễn - Hướng đi chiến lược để phát triển kinh tế vùng

Cần kết gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn để thúc đẩy kinh tế - xã hội.
PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng chia sẻ, nghiên cứu khoa học đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển của Nhà trường. Hoạt động nghiên cứu được tổ chức theo hai hướng chính: nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng. Trong giai đoạn 2020-2025, Nhà trường đã triển khai khoảng 135 đề tài với kinh phí lên đến 17 tỷ đồng. Dù là cơ sở thuộc khối ngành xã hội, Nhà trường vẫn chú trọng đến khả năng ứng dụng của kết quả nghiên cứu, thông qua việc kết nối với các đơn vị có nhu cầu thực tiễn. Trong 3 năm gần đây, nhiều đề tài ứng dụng đã được đặt hàng bởi các sở, ngành và doanh nghiệp địa phương, mang lại giá trị thiết thực như nghiên cứu về lợi thế ngành kinh tế TP Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, Nhà trường chủ động xây dựng các báo cáo thường niên về tình hình kinh tế TP Đà Nẵng, cung cấp các đề xuất chính sách theo định hướng phát triển của TP. Đội ngũ gần 400 giảng viên được đào tạo chuyên sâu là nguồn lực quý báu để nâng cao hiệu quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Tháo gỡ rào cản chuyển giao công nghệ - Cần cơ chế hỗ trợ từ nhà trường
TS Trần Hoàng Vũ - Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng nhắc tới những khó khăn trong hoạt động chuyển giao công nghệ như các thủ tục hành chính phức tạp, thiếu cơ chế hỗ trợ và rào cản pháp lý là những vấn đề lớn cần được khắc phục. TS Trần Hoàng Vũ đề xuất, cần đơn giản hóa quy trình sở hữu trí tuệ, định giá công nghệ và thúc đẩy cơ chế hỗ trợ tài chính cho các nghiên cứu có khả năng ứng dụng cao. Để nâng cao hiệu quả chuyển giao, các cơ sở giáo dục cần đóng vai trò là cầu nối tích cực giữa giảng viên và doanh nghiệp, xây dựng cơ chế khuyến khích sáng tạo, hỗ trợ thủ tục hành chính, và phát triển quỹ tài trợ cho các đề tài nghiên cứu tiềm năng. Từ đó, các thành quả nghiên cứu không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà còn có thể phục vụ thiết thực cho sản xuất, kinh doanh và cộng đồng.
Xuân Bình