Thứ tư, 16/04/2025 15:08

Hậu Giang: Phát triển mô hình trồng mít VietGAP kết hợp Blockchain

Mới đây, các cán bộ của Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hậu Giang) đã thực hiện thành công dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng mít (Artocarpus heterophyllus Lamk.) đạt tiêu chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc theo công nghệ Blockchain tại tỉnh Hậu Giang”. Dự án đã xây dựng thành công mô hình trồng mít đạt tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm…, góp phần đưa thương hiệu “Mít Hậu Giang” ngày một vươn xa.

Triển khai mô hình trồng mít đạt chuẩn VietGAP

Sau gần 20 năm thành lập tỉnh, Hậu Giang đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và từng bước nâng cao mức sống của người dân. Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp vẫn là một trong những trụ cột và thế mạnh phát triển của tỉnh. Thống kê cho thấy, tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh đạt 45.617 ha với sản lượng ước đạt 547.040 tấn. Trong đó, cây mít là một trong những nhóm cây trồng chiếm diện tích khá lớn (9.748 ha), diện tích đang thu hoạch là 7.677 ha, sản lượng ước đạt 16-20 tấn/ha, trồng tập trung tại các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và TP Ngã Bảy. Để từng bước tạo đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản (bưởi, xoài, khóm, mãng cầu, mít…) cũng như tạo cơ sở để phát triển bền vững ngành nông nghiệp, việc xây dựng các mô hình cây trồng chủ lực đạt tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ hiện đại (nhất là công nghệ blockchain) để truy xuất nguồn gốc nông sản, nhằm nâng cao sức cạnh tranh là nhu cầu cấp thiết.

Mô hình trồng mít đạt tiêu chuẩn VietGAP tại Hậu Giang.

Trước thực tế đó, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ đã đề xuất và được phê duyệt thực hiện  dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng mít (Artocarpus heterophyllus Lamk.) đạt tiêu chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc theo công nghệ blockchain tại tỉnh Hậu Giang”. Dự án được triển khai trên địa bàn các huyện: Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và TP Ngã Bảy với 06 nội dung: (1) Điều tra hiện trạng canh tác và phân tích các mặt tồn tại về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch trên cây mít của nông dân; (2) Xây dựng mô hình sản xuất với diện tích 137 ha, cùng sự tham gia của 89 hộ dân trồng mít đạt tiêu chuẩn VietGAP; (3) Ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên nền tảng công nghệ blockchain bằng phần mềm KIPUS; (4) Xây dựng nhãn hiệu tập thể “Mít Hậu Giang”; (5) Xây dựng trang web với đầy đủ các thông tin về kỹ thuật, thị trường nội địa và xuất khẩu, thời gian cung ứng, số lượng sản phẩm, hướng đến định hướng tổ chức sản xuất thích hợp, hiệu quả; (6) Tổ chức các hội thảo khoa học để chuyển giao công nghệ.

Ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Trong giai đoạn đầu thực hiện dự án, các chuyên gia của Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ đã tiến hành điều tra thực trạng canh tác, từ đó xây dựng quy trình trồng mít phù hợp tiêu chuẩn VietGAP. Quy trình canh tác được thiết lập nghiêm ngặt, từ kiểm soát phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo vệ sinh thu hoạch và bảo quản sản phẩm. Đáng chú ý, dự án đã khảo sát các yếu tố môi trường như tồn dư kim loại nặng, vi sinh vật trong đất và nước…, nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu đạt chuẩn, từ đó thiết lập hồ sơ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đầy đủ cho mỗi hộ tham gia mô hình.

Một trong những điểm nhấn của dự án là việc tích hợp công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Dựa trên phần mềm KIPUS, hệ thống cho phép ghi nhận toàn bộ thông tin sản xuất, từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến tiêu thụ. Các hộ dân được tập huấn sử dụng phần mềm KIPUS để cập nhật thông tin, tạo tài khoản cá nhân hóa để chủ động quảng bá sản phẩm. Việc áp dụng công nghệ blockchain không chỉ nâng cao tính minh bạch mà còn giúp nông dân nắm bắt xu hướng số hóa trong nông nghiệp hiện đại. Bên cạnh đó, các thông tin truy xuất được hiển thị dưới dạng mã QR dán trên từng trái mít, giúp người tiêu dùng kiểm chứng nguồn gốc sản phẩm một cách dễ dàng và trực quan.

Xây dựng thương hiệu và kết nối số hướng đến phát triển bền vững

Dự án đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Mít Hậu Giang” với logo đặc trưng, bản đồ vùng trồng cụ thể và quy chế sử dụng minh bạch. Thương hiệu này được đăng ký tại Cục Sở hữu Trí tuệ, tạo điều kiện cho sản phẩm mít Hậu Giang khẳng định tên tuổi trên thị trường trong nước và từng bước hướng đến xuất khẩu. Việc hình thành thương hiệu tập thể còn góp phần thúc đẩy liên kết vùng, định hình vùng chuyên canh và nâng cao vị thế của nông dân.

Quảng bá nhãn hiệu tập thể “Mít Hậu Giang”.

Cùng với mô hình sản xuất và thương hiệu, dự án đã xây dựng một website chuyên biệt: www.mithaugiang.vn. Trang web này cung cấp thông tin kỹ thuật canh tác, thị trường tiêu thụ, dự báo sản lượng, thời gian thu hoạch, đồng thời hỗ trợ hoạt động truy xuất và quản lý thương hiệu. Website là công cụ kết nối giữa nông dân, nhà quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đây cũng là minh chứng rõ nét cho sự chuyển mình của ngành nông nghiệp Hậu Giang theo hướng số hóa và hội nhập quốc tế.

Lễ trao Giấy chứng nhận VietGAP.

Dự án đã tổ chức 04 cuộc tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cho 160 lượt người dân trong và ngoài dự án, giúp họ nâng cao nhận thức về giá trị của việc truy xuất nông sản. Bên cạnh đó, dự án còn tổ chức các cuộc họp nhóm từ 4 đến 5 người, nhằm hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể việc sử dụng phần mềm KIPUS trong truy xuất nguồn gốc mít theo công nghệ blockchain, góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho người dân. Từ thành quả đạt được, dự án đã đề xuất mở rộng mô hình ra toàn tỉnh, nhân rộng diện tích trồng mít đạt chuẩn VietGAP lên mức cao hơn; đồng thời, tiếp tục ứng dụng công nghệ blockchain không chỉ với cây mít mà còn với các loại cây ăn trái khác như xoài, bưởi, mãng cầu...

Có thể khẳng định, dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng mít (Artocarpus heterophyllus Lamk.) đạt tiêu chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc theo công nghệ blockchain tại tỉnh Hậu Giang” không chỉ giải quyết bài toán nâng cao chất lượng nông sản mà còn khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững. Đây là minh chứng cho thấy, khi khoa học công nghệ kết hợp cùng định hướng phát triển phù hợp, thương hiệu “Mít Hậu Giang” đang từng bước chuyển mình, đóng góp thiết thực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.

Xuân Diện - Diễm Thúy

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)