Việt Nam - EU: Đẩy mạnh hợp tác
Sự kiện có chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” không chỉ đơn thuần là một buổi gặp gỡ học thuật mà còn là minh chứng cho tầm nhìn chung của hai bên trong việc xây dựng một tương lai dựa trên nền tảng tri thức và sáng tạo. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày KH&CN Việt Nam (18/5).

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của thời điểm tổ chức sự kiện, gắn với nhiều cột mốc lịch sử quan trọng của ngành. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đang trở thành động lực trung tâm cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt khi Việt Nam đang thực hiện sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013. Những điều chỉnh trong Dự thảo Luật phản ánh bước chuyển từ mô hình quản lý truyền thống dựa trên đầu vào sang mô hình quản trị theo kết quả, đề cao tính tự chủ đi kèm với trách nhiệm, đồng thời mở rộng quyền sở hữu kết quả nghiên cứu cho nhà khoa học và tăng vai trò của doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, mối quan hệ giữa Việt Nam và EU trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển sâu rộng. Ông đánh giá cao sự hỗ trợ từ EU thông qua các chương trình hợp tác kỹ thuật, đối thoại chính sách và trao đổi chuyên gia. Hội thảo lần này với sự góp mặt của nhiều chuyên gia từ Phần Lan và Estonia là minh chứng sinh động cho sự gắn kết trong việc cùng nhau kiến tạo các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - hai trụ cột chiến lược theo tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành cuối năm 2024.
Thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (S.T.I.D)
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, 10 điểm trọng tâm mới trong Luật sẽ tạo nền tảng pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Các định hướng quan trọng bao gồm ưu tiên làm chủ công nghệ chiến lược, phát triển hệ sinh thái khoa học công nghệ toàn diện, tăng cường vai trò của các trường đại học trong nghiên cứu cơ bản và thúc đẩy cân bằng giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Những thay đổi này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong quản trị ngành, từ đó tạo ra hiệu quả thiết thực và bền vững hơn trong thực tiễn.

Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier phát biểu tại sự kiện.
Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier bày tỏ niềm vui khi được chứng kiến sự tiến bộ và quyết tâm từ phía Việt Nam trong việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý cởi mở, hiện đại, tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo phát triển. Ông khẳng định, Hội thảo là một bước đi cụ thể trong việc hiện thực hóa các mục tiêu chung của Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với tinh thần của Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu (Global Gateway) mà EU đang triển khai, hướng đến các kết nối bền vững trong lĩnh vực số, năng lượng, giao thông, y tế và giáo dục trên toàn cầu.
Tại Hội thảo, Đại sứ Estonia tại Bắc Kinh Hannes Hanso đã chia sẻ về câu chuyện thành công của đất nước trong lĩnh vực chính phủ số và an ninh mạng. Estonia, dù chỉ có hơn một triệu dân và nguồn tài nguyên hạn chế, đã trở thành hình mẫu toàn cầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công. Với tầm nhìn chiến lược, quốc gia này đã đầu tư mạnh vào giáo dục và hạ tầng kỹ thuật số từ sớm, tạo tiền đề cho sự ra đời của nhiều doanh nghiệp công nghệ nổi bật như Skype, Wise hay Bolt. Ông Hannes Hanso nhấn mạnh, sự đổi mới không chỉ đến từ công nghệ mà còn đến từ niềm tin xã hội và khả năng thích nghi nhanh với thay đổi. Estonia đã xây dựng được một hệ sinh thái nghiên cứu - doanh nghiệp mạnh mẽ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, y tế, robot và năng lượng sạch. Đây cũng là những lĩnh vực mà Estonia mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam, đặc biệt trong các chương trình về giáo dục, xây dựng chính phủ điện tử và phát triển đô thị thông minh.
Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Keijo Norvanto bày tỏ sự hài lòng khi thấy các chuyên gia hàng đầu từ Phần Lan đã tham gia chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo. Ông đánh giá cao cơ hội hợp tác mà sự kiện mang lại và hy vọng các cuộc trao đổi sẽ tạo điều kiện để mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước châu Âu ngày càng sâu sắc hơn, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ về công nghệ và chuyển đổi số.
Hội thảo được xem là bước chuẩn bị quan trọng trong tiến trình nâng cấp quan hệ đối tác giữa Việt Nam và EU, mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực đầu tư, nghiên cứu và phát triển công nghệ. Với nền tảng là sự đồng thuận trong tầm nhìn chiến lược, cả hai bên kỳ vọng sẽ cùng nhau xây dựng một tương lai bền vững và sáng tạo hơn, không chỉ cho Việt Nam mà còn cho khu vực và toàn cầu.
Xuân Bình