Thứ sáu, 09/05/2025 15:54

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, xã hội và quản trị: Khung chiến lược hướng tới phát triển bền vững

Nguyễn Tuấn Anh

Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam

Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia

Bộ Khoa học và Công nghệ

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức ngày càng lớn về biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội và quản trị tổ chức minh bạch, khái niệm ESG (Môi trường, xã hội và quản trị) đã trở thành tâm điểm chiến lược cho sự phát triển bền vững của các tổ chức trên toàn cầu. Việc lồng ghép các yếu tố ESG không chỉ là đáp ứng nhu cầu tuân thủ quy định mà còn giúp tổ chức gia tăng giá trị dài hạn, nâng cao khả năng cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng bền vững cho cả cộng đồng.

ESG là gì?

Môi trường (Environmental), xã hội (Social) và quản trị (Governance) (ESG) là một khuôn khổ chiến lược và hoạt động nhằm hỗ trợ các tổ chức, thuộc mọi quy mô và loại hình, thực hiện và báo cáo về các hoạt động, sản phẩm, dịch vụ và cam kết của họ để hỗ trợ đạt được phát triển bền vững, công bằng xã hội và quản trị tốt. Việc áp dụng ESG mang lại sự tập trung rõ ràng hơn vào tác động của tổ chức đối với môi trường và xã hội, bao gồm đóng góp vào việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, cũng như đánh giá tác động của môi trường và xã hội đối với tổ chức.

Ảnh minh họa (nguồn internet).

ESG được định nghĩa là khung chiến lược và có thể tập trung vào một số khía cạnh sau:

Môi trường (E): giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên bền vững và hiệu quả năng lượng, kinh tế tuần hoàn, ngăn ngừa ô nhiễm và quản lý chất thải, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và phục hồi môi trường sống tự nhiên.

Xã hội (S): các yếu tố và tác động xã hội bên trong và bên ngoài, bao gồm quyền con người, thực hành lao động, việc làm bền vững, vấn đề người tiêu dùng, quan hệ cộng đồng và sự tham gia (bao gồm tham gia, ảnh hưởng và gắn vào các hoạt động ESG của tổ chức), bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư, sức khỏe, hạnh phúc và an toàn, quản lý chuỗi cung ứng, các vấn đề về con người và công bằng xã hội khác.

Quản trị (G) của tổ chức: bao gồm quản lý các hạng mục môi trường (E) và xã hội (S): thành phần và cấu trúc hội đồng quản trị công ty, giám sát và tuân thủ chiến lược phát triển bền vững, chống tham nhũng, tham gia chính trị có trách nhiệm, cạnh tranh công bằng, thúc đẩy trách nhiệm xã hội trong chuỗi giá trị, tôn trọng quyền sở hữu và mối quan hệ tương hỗ với cộng đồng và xã hội.

Các nguyên tắc ESG cốt lõi.

6 nguyên tắc cốt lõi trên là kim chỉ nam để các nhà lãnh đạo trong tổ chức sử dụng để hoạch định chiến lược ESG của từng giai đoạn phát triển.

Quản lý rủi ro và cơ hội trong ESG

Xác định và hiểu các rủi ro và cơ hội trong ESG là điều cơ bản khi xem xét các tác động của ESG đối với tổ chức và nên được xác định bởi quản lý cấp cao, những người thiết lập văn hoá cho tổ chức của chính họ. Một khi đã xác định và hiểu, tổ chức nên quản lý rủi ro và/hoặc có quy trình và thủ tục để xử lý rủi ro và cơ hội đã được xác định là quan trọng. Khung quản lý ESG nhấn mạnh vào việc xác định và quản lý cả rủi ro (như tác động tiêu cực từ thiên tai) và cơ hội (như phát triển công nghệ bền vững). Quy trình bao gồm:

Xác định rủi ro và cơ hội: Phân tích các tác động lên tổ chức từ những yếu tố bên trong và môi trường bên ngoài.

Đánh giá và ưu tiên: Dựa trên mức độ ảnh hưởng và khả năng xảy ra của rủi ro và cơ hội để phân loại thứ tự ưu tiên để xử lý.

Áp dụng giải pháp: Áp dụng đa dạng giải pháp từ tránh, giảm thiểu đến khai thác cơ hội phát triển mới.

Khung quản lý này cũng khuyến nghị sử dụng các công cụ đánh giá như ISO 31000 về quản lý rủi ro để xây dựng giải pháp toàn diện cho các vấn đề ESG.

Sự tham gia của các bên quan tâm là yếu tố quan trọng trong ESG, cần đảm bảo rằng tất cả các bên được xác định là có lợi ích đều đại diện cho các lợi ích đang được hướng tới. Quá trình xác định các bên quan tâm và tác động đến các khía cạnh của ESG là hết sức cần thiết cho kết quả của báo cáo ESG.

Các chỉ số đo lường hiệu quả cho ESG

Để có thể cụ thể hoá khi xác định hiệu quả đối với mỗi khía cạnh về môi trường, xã hội, quản trị thì cần thiết đưa ra các chỉ số đo lường hiệu quả (KPI) để làm khung tham chiếu. Đây cũng là bộ chỉ số mà các tổ chức, doanh nghiệp rất quan tâm khi xây dựng chiến lược phát triển. Các tổ chức, doanh nghiệp có thể tham khảo danh sách các KPI cho ESG được thống kê như sau:

Khung đo lường KPI môi trường

KPI 1: Tỷ lệ phần trăm tiêu thụ năng lượng từ năng lượng tái tạo tại chỗ.

KPI 2: Tiêu thụ nước chuẩn hóa.

KPI 3: Phát thải khí nhà kính phạm vi 1, 2 và 3.

KPI 4: Tổng chất thải được tạo ra theo loại (độc hại so với không nguy hại).

KPI 5: Tỷ lệ chất thải vận hành được chuyển hướng từ bãi chôn lấp, đốt...

KPI 6: Tiêu thụ năng lượng định mức.

KPI 7: Chi hàng năm của tổ chức hướng đến khả năng thích ứng với khí hậu theo tỷ lệ phần trăm trên tổng chi hàng năm.

KPI 8: Tỷ lệ phần trăm chi mua sắm cho các nhà cung cấp bền vững hoặc những người cam kết phát triển các hoạt động bền vững theo thời gian.

KPI 9: Tỷ lệ phần trăm kế hoạch hành động chi hàng năm của tổ chức hướng đến cải thiện đa dạng sinh học địa phương theo tỷ lệ phần trăm tổng chi hàng năm.

KPI 10: Tỷ lệ công trình của tổ chức đăng ký theo chương trình thực hiện môi trường tự nguyện.

KPI 11: Tỷ lệ nhà cung cấp áp dụng mục tiêu đo lượng phát thải khí nhà kính dựa trên khoa học.

Khung đo lường KPI xã hội

KPI 1: Số vụ phân biệt đối xử, thù ghét và bạo lực liên quan đến công việc hàng năm.

KPI 2: Khoảng cách lương theo giới.

KPI 3: Tỷ lệ người đại diện cho các nhóm khác nhau, đã đáp ứng yêu cầu về năng lực quản lý cấp cao.

KPI 4: Tỷ lệ sản phẩm và dịch vụ được cung cấp đáp ứng các tiêu chuẩn có khả năng tiếp cận.

KPI 5: Tỷ lệ nhân sự tham gia đánh giá hiệu suất và phát triển nghề nghiệp hàng năm.

KPI 6: Tỷ lệ phụ nữ trong quản lý cấp cao.

KPI 7: Tổng số tuần nghỉ phép có lương trung bình.

KPI 8: Tỷ lệ nhân sự đại diện cho các nhóm khác nhau.

KPI 9: Tỷ lệ nhân viên tham gia phỏng vấn hoặc khảo sát mức độ hài lòng về trải nghiệm tại nơi làm việc của họ.

Khung đo lường KPI quản trị

KPI 1: Số lượng hàng năm vi phạm dữ liệu quan trọng đối với quyền riêng tư của khách hàng.

KPI 2: Số vụ án liên quan đến hình phạt hối lộ/tham nhũng hàng năm hoặc sa thải.

KPI 3: Số lượng vi phạm các quy định, giấy phép và yêu cầu pháp lý về môi trường địa phương hàng năm.

KPI 4: Tỷ lệ vi phạm chính sách đạo đức: tỷ lệ nhân sự hàng năm bị phát hiện vi phạm quy tắc ứng xử của tổ chức.

KPI 5: Tỷ lệ các mối quan hệ bên thứ ba đã trải qua kiểm tra thẩm định và tuân thủ các chính sách chống tham nhũng.

KPI 6: Tổng tỷ lệ thương tật, bệnh nghề nghiệp có thể ghi nhận được (trên 100 nhân sự) theo quy định của địa phương.

KPI 7: Số lượng sự cố hàng năm không tuân thủ quy định.

KPI 8: Tỷ lệ phần trăm thu nhập hàng năm chi cho tiền phạt, hình phạt, bồi thường và thiệt hại do vi phạm pháp luật hiện hành.

KPI 9: Tỷ lệ phần trăm tài sản và hoạt động kinh doanh được đề cập trong kế hoạch kinh doanh liên tục của tổ chức.

KPI 10: Tỷ lệ nhân viên hoàn thành khóa đào tạo nhận thức về an ninh vật lý và đào tạo an ninh mạng.

Có thể nhận thấy bộ chỉ số KPIs được liệt kê bên trên đã tương đối cụ thể và rõ ràng. Các chỉ số này giúp đo lường hiệu quả của việc thực hiện ESG và hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu thực tế.

Thay lời kết

Sự bền vững không còn là một lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong kỷ nguyên hiện đại. Việc tích hợp các nguyên tắc ESG vào chiến lược kinh doanh không chỉ giúp các tổ chức tạo ra giá trị lâu dài, mà còn định hình lại vai trò của họ trong việc xây dựng một nền kinh tế bền vững, công bằng và toàn diện hơn.

Ảnh minh họa (nguồn internet).

Thực tiễn từ những doanh nghiệp tiên phong đã cho thấy rằng, ESG không phải là gánh nặng chi phí, mà là cơ hội để đổi mới, nâng cao hiệu suất và củng cố lòng tin từ các bên liên quan. Đối với Việt Nam, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về ESG, cùng với việc khuyến khích áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn quốc tế, sẽ là bước đi quan trọng nhằm tăng cường sức mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Tương lai phát triển bền vững phụ thuộc vào những hành động hôm nay. Các doanh nghiệp cần tiên phong trong việc thay đổi tư duy, biến ESG thành kim chỉ nam cho hoạt động quản lý, điều hành và tạo ra tác động tích cực cho thế hệ mai sau.

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)