Kênh thông tin hữu ích cho các nhà sáng tạo
Cổng 57 là nơi để các tổ chức, cá nhân gửi các sản phẩm, giải pháp của mình nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư hoặc nhận hỗ trợ từ Nhà nước. Đây là một kênh mở, cho phép các chủ thể đề xuất ý tưởng để: Kết nối với nhà đầu tư hoặc đối tác chiến lược; đề nghị Nhà nước hỗ trợ, đánh giá, thẩm định và công bố.
Để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả, Bộ KH&CN đã ban hành mẫu hồ sơ và cấu hình trên Cổng 57, tương ứng với từng nhóm sản phẩm, giải pháp. Đồng thời, một Hội đồng đánh giá cùng quy trình, quy chế và khung tiêu chí cụ thể đã được thành lập để xem xét các hồ sơ.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long trao chứng nhận cho 32 sản phẩm, giải pháp được công bố ngày 13/05/2025.
Tính đến nay, Cổng 57 đã tiếp nhận 426 hồ sơ sản phẩm, giải pháp, trong đó 71 sản phẩm, giải pháp hữu ích đã được công bố. Hiện tại, 90 sản phẩm, giải pháp khác đang được Hội đồng đánh giá của Bộ KH&CN thẩm định. Đặc biệt, trong ngày công bố (13/05/2025), 32 sản phẩm, giải pháp mới được công bố, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của Cổng 57.
Cổng phục vụ ba nhóm đối tượng chính: Các nhà khoa học, tổ chức, cá nhân có sáng kiến cần hỗ trợ công bố, kết nối và thương mại hóa; các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng các sáng kiến để nâng cao hiệu quả hoạt động; các quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo tìm kiếm các sáng kiến tiềm năng để đồng hành, tài trợ và đầu tư. Cổng 57 không chỉ là nơi kết nối mà còn là cầu nối để biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực, góp phần xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Phát biểu tại buổi họp báo công bố sản phẩm, giải pháp, sáng kiến trên Cổng 57, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long cho biết, không chỉ dừng lại ở vai trò công bố sản phẩm, giải pháp, Cổng 57 còn là nền tảng cho cộng đồng tham gia đăng ký các sáng kiến mới. Toàn bộ quy trình tiếp nhận, đánh giá và hỗ trợ triển khai sáng kiến đều được thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả của các cá nhân, tổ chức tham gia.
Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh, Cổng 57 sẽ là công cụ hữu hiệu góp phần hiện thực hóa mô hình hợp tác ba nhà: Nhà nước, Nhà trường và Doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo chính sách, hỗ trợ nguồn lực cho nghiên cứu, phát triển phòng thí nghiệm, đặt hàng nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng một số sản phẩm nghiên cứu; Nhà trường sẽ triển khai nghiên cứu, phát triển sản phẩm và đăng ký lên Cổng; Doanh nghiệp (cả trong và ngoài nước) sẽ cùng hợp tác nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng và thương mại hóa sản phẩm. Đây chính là mô hình gắn kết hiệu quả giữa nghiên cứu - đào tạo - sản xuất - kinh doanh, góp phần đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống.
Hướng phát triển trong thời gian tới
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Cổng 57, Đại diện Cục Chuyển đổi số Quốc gia cho biết, Bộ KH&CN đã đề ra một số định hướng cụ thể:
Về sở hữu trí tuệ: Bộ KH&CN sẽ đưa tất cả các sáng chế, giải pháp của Việt Nam lên Cổng 57, đồng thời cung cấp thông tin pháp luật và kiến thức về sở hữu trí tuệ một cách dễ tiếp cận. Cổng 57 sẽ tích hợp với các cơ sở dữ liệu sở hữu trí tuệ quốc gia và quốc tế, hỗ trợ người dùng tra cứu, đánh giá khả năng bảo hộ và tránh xâm phạm quyền của người khác. Ngoài ra, Cổng 57 sẽ cung cấp hướng dẫn chi tiết về thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, kết nối chuyên gia, hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ và thúc đẩy thương mại hóa.
Khuyến khích đóng góp từ các viện nghiên cứu và doanh nghiệp: Bộ KH&CN đề nghị các đại học, viện nghiên cứu đưa các sáng kiến, công nghệ tiềm năng lên Cổng 57, đồng thời khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ đăng tải các sản phẩm, giải pháp của mình.
Đại diện Trung tâm Công nghệ Thông tin, Bộ KH&CN cho biết, sẽ tiếp tục phát triển mở rộng, hoàn thiện Cổng 57 trong thời gian tới:
Thứ nhất, hoàn thiện thông minh hóa quy trình đánh giá, lựa chọn sản phẩm giải pháp. Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Trung ương Đảng kết nối liên thông, đồng bộ dữ liệu giữa Cổng 57 và Hệ thống PAKN-SKGP trên Cổng thông tin của Đảng. Việc này không chỉ góp phần tăng cường khả năng phối hợp giữa các cơ quan trong việc tiếp nhận, xử lý, phản hồi và chia sẻ sáng kiến, giải pháp có giá trị thực tiễn cao, mà còn cung cấp một kênh báo cáo thông tin trực tuyến kịp thời, với số liệu và hình ảnh trực quan đến các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Nghị quyết số 57. Dữ liệu sáng kiến, giải pháp từ tổ chức, doanh nghiệp và người dân gửi lên Hệ thống PAKN-SKGP trên Cổng thông tin của Đảng cũng sẽ được đồng bộ và hiển thị trên Cổng 57 sau khi được xác thực, góp phần mở rộng kênh lan tỏa, khơi thông dòng chảy tri thức trong cộng đồng xã hội.
Thứ hai, việc thực hiện liên thông xác thực một lần (SSO) qua tài khoản VNeID, và đặc biệt là chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật để tiến tới cài đặt, vận hành Cổng 57 trên hạ tầng do C06 quản lý là rất cấp thiết. Điều này nhằm đơn giản hóa quy trình truy cập Cổng, nâng cao mức độ bảo mật và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức khi sử dụng hệ thống.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tổ chức các phiên công bố định kỳ hằng tuần. Đây không chỉ là dịp tôn vinh các sáng kiến, sản phẩm, giải pháp, mà còn là diễn đàn mở, giúp kết nối nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại hoá sản phẩm và lan tỏa tinh thần tự chủ, tự cường, đổi mới sáng tạo tới mọi tầng lớp nhân dân. Điều cốt lõi mong muốn hướng tới là xây dựng Cổng 57 thực sự trở thành một địa chỉ tin cậy, nơi mỗi công dân Việt Nam đều có thể đóng góp ý tưởng, giải pháp, sáng kiến cho sự phát triển của đất nước và đây cũng là nơi thể hiện sự trân trọng của Đảng và Nhà nước đối với từng ý tưởng, giải pháp, sáng kiến dù là nhỏ nhất.
Vũ Hưng