Xu hướng “tất yếu” nhưng doanh nghiệp Việt vẫn đang “còn yếu”
Chia sẻ tại Hội thảo, TS Bùi Thanh Minh - Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân - Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững, ESG đã trở thành một trong những tiêu chuẩn quan trọng giúp doanh nghiệp khẳng định trách nhiệm xã hội, nâng cao giá trị thương hiệu và hướng đến tăng trưởng dài hạn. Tại Việt Nam, khái niệm này tuy không còn quá mới nhưng việc thực thi và cam kết cụ thể của doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. TS Bùi Thanh Minh cho rằng, việc áp dụng ESG trong các doanh nghiệp Việt Nam đang mới ở giai đoạn khởi đầu, với mức độ sẵn sàng chưa cao và cần sự thúc đẩy đồng bộ từ nhiều phía.

Khảo sát do Ban IV thực hiện trong năm 2022 trên 400 doanh nghiệp cho thấy, chỉ khoảng 20% doanh nghiệp được khảo sát nắm rõ các thông tin liên quan đến phát triển bền vững và chuyển đổi xanh. Con số này phản ánh thực tế rằng phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, vẫn đang “đứng ngoài” các mục tiêu ESG hoặc chỉ tiếp cận một cách hình thức, chưa có định hướng hành động cụ thể.
Để chuyển đổi từ mô hình sản xuất - kinh doanh truyền thống sang mô hình phát triển bền vững, doanh nghiệp cần có sự thay đổi toàn diện cả về tư duy lẫn cách thức vận hành. Quản trị ESG không chỉ là việc làm mang tính “đối phó” để “làm đẹp” báo cáo doanh nghiệp, mà cần được xem là chìa khóa để phòng ngừa rủi ro, vừa tạo động lực tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đa phần các doanh nghiệp vẫn đang lúng túng trong việc hiểu đúng và đủ về ESG, cũng như xác định đâu là nội dung phù hợp với quy mô, ngành nghề và năng lực tài chính của họ.
Thiếu thông tin, các quy định về thể chế chưa rõ ràng, nguồn lực còn hạn chế… là những thách thức khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. TS Bùi Thanh Minh nhận định rằng, hệ thống pháp lý hiện nay chưa có hướng dẫn đủ rõ ràng và cụ thể để doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược ESG một cách chính thống. Nhiều chính sách vẫn mang tính khuyến nghị, chưa có chế tài hoặc ưu đãi cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp chủ động chuyển đổi. Ngoài ra, chất lượng công bố thông tin, tiêu chuẩn đo lường và giám sát ESG giữa các bên liên quan (đối tác, nhà đầu tư, cơ quan nhà nước) vẫn chưa đồng đều, gây nên sự thiếu tin tưởng và khó khăn trong việc tích hợp ESG vào chiến lược quản trị tổng thể.
Để phát triển cần phải đổi mới tư duy và tiếp cận công nghệ hiện đại
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, để doanh nghiệp chuyển đổi từ mô hình sản xuất - kinh doanh thông thường sang mô hình phát triển bền vững theo hướng xanh, bền vững cần nhiều nỗ lực không chỉ từ phía doanh nghiệp mà còn từ việc cập nhật, bổ sung và ban hành các chính sách thể chế phù hợp.
Ông Đoàn Quang Đông - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương cho rằng, kinh doanh có trách nhiệm là 1 trong 17 mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Dưới góc nhìn của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm trước tiên phải là các doanh nghiệp tuân thủ đúng và tốt các trách nhiệm theo quy định của pháp luật, trong đó có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật, trách nhiệm bảo hành cũng như các trách nhiệm có liên quan khác khi sử dụng nền tảng số để cung cấp sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng.
Nhấn mạnh việc phải ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Huy - Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để phát triển và hội nhập, điều quan trọng lúc này là phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo… sẽ góp phần làm sáng tỏ vai trò của công nghệ trong việc nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.
Nhấn mạnh việc áp dụng công nghệ vào sản xuất, bà Nguyễn Thị Trang - Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, để hội nhập, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Theo bà Nguyễn Thị Trang, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phát huy các ý tưởng đổi mới sáng tạo từ nhiều nguồn khác nhau, qua nhiều con đường khác nhau. Nguồn lực vật chất chỉ là điểu kiện cần cho đổi mới sáng tạo, con người là yếu tố quyết định mức độ và chất lượng của các ý định đổi mới sáng tạo.

Toàn cảnh Hội thảo.
Phong Vũ