Thứ tư, 14/05/2025 09:26

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Nhà khoa học tiên phong, người thầy nhiều tâm huyết

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) là một trong những chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực vật liệu - kết cấu tiên tiến và composite. Mới đây, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức là 1 trong 4 nhà khoa học được trao Giải thưởng Bảo Sơn năm 2024 với trị giá 120.000 USD với công trình “Nghiên cứu và ứng dụng vật liệu và kết cấu composite ba pha tiên tiến trong kỹ thuật”.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức.

Không chỉ nổi bật với các thành tựu nghiên cứu khoa học mang tầm quốc tế, GS Nguyễn Đình Đức còn được biết đến là người thầy đào tạo nguồn nhân tài cho đất nước, dành nhiều tâm huyết phụng sự cho khoa học và nền giáo dục nước nhà.

Nhà khoa học của những nghiên cứu tiên phong, người thầy đào tạo nhiều thế hệ tài năng trẻ vươn tầm quốc tế

Không chỉ là người tiên phong trong lĩnh vực vật liệu mới ở Việt Nam, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức luôn đưa nghiên cứu của mình hội nhập quốc tế. Đến nay, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã công bố 400 bài báo, công trình khoa học, trong số đó có hơn 220 bài trên các tạp chí quốc tế thuộc Web of Science (WoS). Riêng giai đoạn 2020-2025, GS Nguyễn Đình Đức là tác giả của 86 bài đăng trên các tạp chí WoS uy tín và 100% đều thuộc nhóm Q1, Q2, đặc biệt có 17 bài (chiếm 19,7% công bố quốc tế) trong nhóm các tạp chí WoS top 5% thế giới. Từ năm 2019 đến nay, GS Nguyễn Đình Đức liên tục lọt top 10.000 nhà khoa học có chỉ số công bố, nghiên cứu ảnh hưởng nhất thế giới, đứng thứ 78 trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ trong năm 2024. Chỉ riêng về composite 3 pha, ông đã công bố trên 30 bài báo, công trình với hơn 20 bài trên các tạp chí quốc tế thuộc cơ sở dữ liệu của WoS.

GS Nguyễn Đình Đức cũng đã có bằng sáng chế về vật liệu composite 3 pha được gia cường bởi sợi thủy tinh và các hạt nano, được ứng dụng thành công tại Việt Nam. Không chỉ nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, gần đây nhất GS Nguyễn Đình Đức và nhóm nghiên cứu đang tiếp tục tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các bài toán kỹ thuật. Nổi bật trong hành trình khoa học của Giáo sư là tập trung nghiên cứu về các vật liệu mới trên thế giới hiện nay như vật liệu composite nano carbon siêu bền nhiệt được ứng dụng trong an ninh quốc phòng; vật liệu composite polymer nhiều pha, ứng dụng trong công nghệ đóng tàu và các sản phẩm dân dụng; vật liệu và kết cấu tiên tiến như FGM, auxetic, pentagraphin và các vật liệu thông minh, có cơ lý tính biến đổi, độ bền cao, chịu nhiệt độ cao, cách điện, cách nhiệt, ứng dụng trong các ngành công nghiệp, năng lượng, lưu trữ thông tin, chip vi mạch và bán dẫn. Đây đều là những hướng nghiên cứu tiên tiến, hiện đại trên thế giới hiện nay.

Không chỉ nổi bật trong nghiên cứu, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức còn là một nhà giáo mẫu mực, người thầy âm thầm chắp cánh cho ước mơ của bao thế hệ sinh viên. Những bài giảng của Giáo sư không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn khơi dậy niềm say mê nghiên cứu, tinh thần vượt khó và khát vọng chinh phục tri thức. Với ông, giảng dạy không đơn thuần là truyền thụ kiến thức, mà là khơi mở tầm nhìn, hun đúc bản lĩnh khoa học và nhân cách người học.

Nhiều học trò của GS Nguyễn Đình Đức đã thành công trong sự nghiệp, trở thành lãnh đạo các viện nghiên cứu, chủ nhiệm các bộ môn ở các trường đại học lớn. Hai học trò của ông đã được nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Đạo - giải thưởng danh giá nhất của ngành cơ học Việt Nam, một học trò của ông đã được Forbes Việt Nam vinh danh. Đặc biệt, không ít sinh viên do GS trực tiếp hướng dẫn đã giành giải Nhất nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, cấp Bộ và được chuyển tiếp nghiên cứu sinh ngay sau tốt nghiệp. Đó là những cái tên như: Hoàng Văn Tùng, Vũ Thị Thùy Anh, Trần Quốc Quân, Phạm Hồng Công, Phạm Đình Nguyện, Phạm Toàn Thắng, Trịnh Đức Trường, Vũ Đình Quang, Nguyễn Đình Khoa… – những hạt giống đỏ trong hành trình bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Về công trình được Giải thưởng Bảo Sơn năm 2024

Vật liệu composite là vật liệu được chế tạo bởi hai hay nhiều vật liệu thành phần khác nhau, nhằm mục đích tạo ra vật liệu mới có tính năng ưu việt hơn hẳn những vật liệu ban đầu. Vật liệu composite 3 pha bao gồm vật liệu nền và các thành phần gia cường như sợi và hạt. Vật liệu nền có chức năng liên kết các phần, đảm bảo tính chịu nhiệt, chịu các tác động hoá học và vật lý, còn các thành phần gia cường nhằm làm gia tăng các tính năng cơ học và khả năng bền của vật liệu. Sự kết hợp sợi và hạt trong composite làm cho composite hoàn hảo hơn, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là khi các sợi được gia cường theo cấu trúc không gian và các hạt có kích cỡ nano mét.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng trao Giải thưởng Bảo Sơn 2024 cho 4 nhà khoa học (Ảnh: Thành Nguyễn/VnE).

Công trình được trao Giải thưởng Bảo Sơn năm 2024 của GS Nguyễn Đình Đức là kết quả của quá trình nghiên cứu bền bỉ và đưa vào ứng dụng trong thực tế trong suốt hơn 30 năm về vật liệu composite tiên tiến 3 pha có cấu trúc không gian, thường được viết tắt là 3Dm, 4Dm.

Kết quả chính của công trình đã xây dựng được mô hình và xác định được đầy đủ các mô đun đàn hồi của vật liệu composite 3 pha 3Dm, 4Dm. Điểm đặc sắc trong các nghiên cứu này là đã chỉ ra các composite 3D, 4D có cấu trúc siêu bền và vật liệu composite 3Dm, 4Dm cácbon-cacbon siêu bền nhiệt (có thể chịu được nhiệt độ lên đến vài nghìn độ), bên cạnh đó, đã tính toán được sự tương tác giữa nền với sợi và hạt. Các công thức xác định các mô đun đàn hồi được thể hiện ở dạng giải tích, do đó, khi thay đổi các tham số lựa chọn ban đầu, có thể tạo ra vật liệu composite mới có các tính chất cơ lý mong muốn.

Công trình của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng đã xác định được hệ số dãn nở nhiệt cho composite 3 pha; xác định được ứng xử của vật liệu khi có hiện tượng từ biến, khi có sự bong tách giữa nền và sợi. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu cơ bản và thực nghiệm, GS Nguyễn Đình Đức đã chứng minh được khi bổ sung các hạt, đăc biệt là các hạt có kích thước nano, sẽ làm giảm mạnh các lỗ rỗng, nâng cao tính năng cơ lý của vật liệu composite như tăng mô-đun đàn hồi, tăng khả năng chịu nhiệt, giảm các biến dạng dẻo và từ biến, tăng tuổi thọ của vật liệu. 

Từ năm 2012, GS Nguyễn Đình Đức đã phối hợp với Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy, Trường Đại học Nha Trang ứng dụng thành công việc chống thấm cho đà máy tàu thủy bằng composite nền polymer 3 pha khi bổ sung các hạt Titan oxit (được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng giải pháp hữu ích năm 2016). Từ đó, nhờ áp dụng những thành tựu nghiên cứu khoa học, Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy đã nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, liên tục phát triển, đã đóng hơn 60 tàu và nhiều thiết bị bằng composite trong lĩnh vực tàu thuyền và hậu cần nghề cá, với tổng doanh thu trên 300 tỷ đồng. Những cơ sở đã sử dụng và khai thác sản phẩm của Viện có thể kể đến như: Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú Nha Trang; Công ty Cổ phần Du thuyền Pelican Hạ Long - Cát Bà; Công ty TNHH Phát Hoàng Long - Ninh Thuận...

GS Nguyễn Đình Đức cũng đã nghiên cứu, tính toán dao động, ổn định tĩnh và động lực học của các kết cấu tấm, vỏ được làm từ composite 3 pha và các kết cấu này có thể ứng dụng trong các công trình xây dựng và hạ tầng, đóng tàu, các tấm pin hấp thụ năng lượng mặt trời, cho đến thân vỏ các kết cấu composite ứng dụng trong hàng không, vũ trụ và các kết cấu chịu các điều kiện tác động phức tạp của nhiệt, điện, từ trường. 

Điểm đặc sắc của Công trình composite 3 pha của GS Nguyễn Đình Đức năm nay không chỉ là những nghiên cứu học thuật hiện đại và ứng dụng thực tiễn, mà còn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho đất nước. Chỉ riêng trong mảng nghiên cứu vật liệu composite 3 pha, GS Nguyễn Đình Đức đã đào tạo thành công nhiều tiến sỹ; hiện các nghiên cứu sinh của ông vẫn đang tiếp tục nghiên cứu theo nhiều hướng ứng dụng các vật liệu composite 3 pha tiên tiến trong công nghiệp đóng tàu hiện đại hơn và các lĩnh vực công nghiệp khác ở Việt Nam.

Một đời cống hiến cho tri thức và sự nghiệp đào tạo

Trải qua hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và quản lý giáo dục, dù ở bất cứ cương vị công tác nào (vai trò nhà giáo, nhà khoa học hay nhà quản lý), GS Nguyễn Đình Đức không ngừng đóng góp vào sự phát triển của ĐHQGHN qua nhiều vị trí quản lý quan trọng: Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Trưởng ban Ban Đào tạo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ và hiện là Chủ nhiệm Khoa Công nghệ xây dựng - giao thông. Từ năm 2020-2025, Giáo sư đã và đang chủ trì 12 đề tài nghiên cứu các cấp, trong đó có 2 đề tài cấp quốc gia, 2 đề tài nghiên cứu cơ bản của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia và 4 đề tài cấp Bộ.

Năm 2022, GS Nguyễn Đình Đức được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận và tôn vinh là nhà giáo tiêu biểu trong 40 năm sự nghiệp giáo dục (1982-2022). Cũng trong năm này, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì vì những đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ ngôi làng nhỏ Lai Xá của huyện Hoài Đức, Hà Nội, nơi từng được mệnh danh là “miền đất học”, trải qua những năm tháng gian khổ khó khăn từ lớp chuyên toán Khóa 1 của tỉnh Hoàng Liên Sơn - nơi địa đầu Tổ quốc, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã nỗ lực không ngừng nghỉ, vươn mình trở thành một trong những nhà khoa học đầu ngành của đất nước. Từ giảng đường đến phòng thí nghiệm, từ trong nước đến quốc tế, Giáo sư luôn là người truyền lửa, dẫn đường cho các thế hệ kế cận, đóng góp bền bỉ cho sự phát triển của nền khoa học và giáo dục Việt Nam.

VVH

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)