Bám sát 4 Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị

Các đại biểu chụp ảnh tại sự kiện (nguồn: Duy Thành - Vi Lê).
Phát biểu khai mạc sự kiện, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, 3 nội dung lớn được công bố (Bản đồ Khoa học và Công nghệ của Đại học Bách khoa Hà Nội, Nền tảng kết nối BK Connect, khai trương Văn phòng Viện Khoa học Công nghệ và Sức khỏe) là những hoạt động bám sát 4 Nghị quyết “trụ cột” của Bộ Chính trị ban hành gần đây (Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển S.T.I.D quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân).
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng khẳng định: Đại học Bách khoa Hà Nội dám nghĩ lớn và quyết tâm hành động lớn! Tập thể thầy, trò Bách khoa Hà Nội đã và đang nỗ lực không ngừng, tiếp tục hành động mạnh mẽ hiện thực hóa các mục tiêu lớn, thực hiện nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó, mang lại giá trị thiết thực cho xã hội.
Ra mắt 2 nền tảng số chiến lược
Trong khuôn khổ sự kiện, Đại học Bách khoa Hà Nội đã ra mắt 2 nền tảng số mới: Bản đồ Khoa học và Công nghệ của Đại học Bách khoa Hà Nội và Nền tảng kết nối BK Connect. Đây là 2 công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu và hợp tác quốc tế của Nhà trường.
Bản đồ Khoa học và Công nghệ (hay mô hình “Cây khoa học - công nghệ”) là công cụ số hiện đại, giúp số hóa và quản lý toàn diện năng lực nghiên cứu của Nhà trường. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản trị và phát triển nghiên cứu tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Bản đồ được thiết kế nhằm hiển thị rõ vị trí năng lực nghiên cứu của từng trường, khoa, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm và cán bộ nghiên cứu, từ đó cung cấp bức tranh tổng thể về hoạt động nghiên cứu của Nhà trường. Hệ thống cũng cho phép mô phỏng trực quan cấu trúc phòng lab, nhóm nghiên cứu, các sản phẩm công nghệ và chuyên môn của từng đơn vị, giúp đơn vị quản lý và nhà nghiên cứu dễ dàng theo dõi và khai thác dữ liệu. Công cụ sẽ hỗ trợ Nhà trường trong việc ra quyết định chiến lược, đặc biệt về đầu tư nguồn lực, phát triển nhân lực, mở rộng hợp tác quốc tế và thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Mô hình “Cây khoa học - công nghệ” được xây dựng nhằm thể hiện rõ hệ sinh thái các lĩnh vực nghiên cứu đang được phát triển tại Đại học Bách khoa Hà Nội, từ đó thúc đẩy liên kết chuyên môn, liên ngành giữa các đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp và phát triển nghiên cứu chuyên sâu.
BK Connect là nền tảng số được phát triển nhằm mở rộng, nâng cao chất lượng hợp tác giữa Đại học Bách khoa Hà Nội và đối tác trong và ngoài nước, kết nối các bên liên quan trong hệ sinh thái hợp tác, gồm: giảng viên, chuyên gia, doanh nghiệp, sinh viên, các cơ sở giáo dục đại học trong nước và quốc tế. Mục tiêu chính của BK Connect là: hỗ trợ điều phối, chia sẻ thông tin và kết nối hiệu quả giữa Đại học Bách khoa Hà Nội với các đối tác trong và ngoài nước; quản lý, phân tích dữ liệu lớn về các hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi học thuật và thực tập; hỗ trợ quá trình điều hành các hoạt động hợp tác trên nền tảng số thông suốt.
4 mục tiêu chiến lược, 7 định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ sức khoẻ
PGS. Trương Quốc Phong - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Sức khoẻ, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, khoa học công nghệ sức khỏe là một lĩnh vực liên ngành, tích hợp kiến thức và công nghệ từ nhiều ngành như sinh học, hóa học, y học, công nghệ thực phẩm, điện tử, khoa học vật liệu, công nghệ thông tin, AI, công nghệ chế tạo và tự động hóa. Mục tiêu chính của lĩnh vực này là nghiên cứu, phát triển và chuyển giao các công nghệ, thiết bị và giải pháp kỹ thuật phục vụ chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người.
Với tính chất quan trọng của ngành, Viện Khoa học và Công nghệ Sức khoẻ đã đề ra 4 mục tiêu chiến lược:
Một là, nghiên cứu, phát triển và làm chủ các công nghệ lõi, công nghệ nền, tạo ra các sản phẩm khoa học mới phục vụ, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, tiên phong trong lĩnh vực khoa học và công nghệ sức khoẻ trong nước và khu vực.
Hai là, tạo động lực phát triển các chương trình đào tạo liên ngành về khoa học và công nghệ sức khoẻ có trình độ và chất lượng cao.
Ba là, hình thành cấu trúc nghiên cứu và đào tạo liên ngành về lĩnh vực khoa học và công nghệ sức khoẻ, phối hợp gắn kết hữu cơ giữa các phòng thí nghiệm nghiên cứu trong toàn Đại học và với các đối tác để giải quyết các vấn đề lớn, phức tạp và nhiều thách thức.
Bốn là, trở thành đơn vị nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xuất sắc về khoa học và công nghệ sức khoẻ, là đối tác uy tín, tin cậy với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực.
Theo PGS.TS Trương Quốc Phong, trên cơ sở phân tích những xu hướng phát triển của thế giới, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, định hướng và nguồn lực của Đại học Bách khoa Hà Nội, trên yêu cầu thực tiễn, Viện Khoa học và Công nghệ Sức khoẻ đã quy hoạch định hướng nghiên cứu với 7 vấn đề lớn: công nghệ và thiết bị y tế; công nghệ phân tích và chẩn đoán phân tử; vật liệu y sinh; công nghệ y sinh phục vụ y - dược; công nghệ dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; y tế số và y tế từ xa; môi trường sức khoẻ.
Phát biểu tại buổi lễ, TS Lưu Quang Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao vai trò tiên phong của Đại học Bách khoa Hà Nội trong việc thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Sức khỏe trong bối cảnh cả nước đang triển khai các Nghị quyết quan trọng về đổi mới sáng tạo. TS Lưu Quang Minh cho biết, Viện Khoa học và Công nghệ Sức khỏe không đơn thuần là một đơn vị nghiên cứu mà sẽ vận hành theo mô hình hiện đại, kết nối 3 trụ cột chính: (1) Viện nghiên cứu: Tiên phong đổi mới công nghệ, phát triển các giải pháp khoa học; (2) Trường đại học: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy sáng tạo học thuật; (3) Doanh nghiệp: Thử nghiệm, đánh giá và ứng dụng sản phẩm, giải pháp vào thực tiễn đời sống. Đây là mô hình tiên tiến đang được nhiều quốc gia áp dụng nhằm rút ngắn con đường từ phòng thí nghiệm đến thực tiễn.

Lễ trao đổi Biên bản ghi nhớ và Thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị (nguồn: Duy Thành - Vi Lê).
Tại buổi Lễ, Viện Khoa học và Công nghệ Sức khoẻ đã trao đổi Biên bản ghi nhớ và Thỏa thuận hợp tác với 6 đơn vị đối tác: Tập đoàn NOVA; Công ty Cổ phần Dược Kim Bảng; Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ HD Group; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trần Lê; Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Tú; Công ty Cổ phần GeneStory (ký kết 3 bên với Trường Hoá và Khoa học sự sống).
TXB (theo Đại học Bách khoa Hà Nội)